Giáo dục vùng cao gặp khó khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 nhằm cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục, từ tập trung trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Qua 3 năm học triển khai, hiệu quả của Chương trình đã được khẳng định, chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, việc áp dụng Chương trình này ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số như Điện Biên gặp không ít khó khăn, vướng mắc...

Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Ma, huyện Tuần Giáo còn 5 phòng học tạm, gây khó khăn cho việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018.

Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Ma, huyện Tuần Giáo còn 5 phòng học tạm, gây khó khăn cho việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018.

Khó khăn nhiều phía

Chương trình GDPT năm 2018 được áp dụng từ năm học 2020 - 2021, bắt đầu với lớp 1. Năm học 2021 - 2022, tịnh tiến tới lớp 2, 6. Đến năm học 2022 - 2023 tiếp tục với lớp 3, 7 và lớp 10. Thực hiện qua 3 năm học, nhiều khó khăn trong triển khai chương trình mới này vẫn khó.

Cụ thể, Điện Biên có điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội còn nhiều hạn chế; ngân sách chi cho giáo dục hạn hẹp, công tác xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn. Cũng bởi vậy, cơ sở vật chất giáo dục còn thiếu và yếu để đáp ứng tốt nhất cho Chương trình GDPT mới. Ở các trường học vùng đặc biệt khó khăn, phòng học bán kiên cố, phòng học tạm còn không ít. Nhiều công trình giáo dục đã xuống cấp, phòng học chật hẹp. Một số nơi chưa đảm bảo diện tích đất cho xây dựng trường lớp học theo định mức để thực hiện chương trình mới.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: “Nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, hoặc đã được xây dựng từ giai đoạn trước, hiện không đảm bảo quy định của Bộ GD&ĐT về diện tích. Một số điểm trường chưa có điện lưới quốc gia, nên việc đầu tư để lắp đặt phòng học chức năng gặp nhiều khó khăn. Đồ dùng, thiết bị dạy học được đầu tư, mua sắm đã lâu, đến nay hư hỏng xuống cấp; chưa đủ kinh phí thực hiện bổ sung, thay thế thiết bị dạy học để đáp ứng yêu cầu...”

Điển hình như Trường Phổ thông DTBT THCS Ta Ma, huyện Tuần Giáo, có 11 lớp với 379 học sinh, hiện chỉ có 4 phòng học kiên cố, 5 phòng học tạm là lớp ghép, mái tôn và 5 phòng chức năng (trong đó 2 phòng được trưng dụng làm lớp học). Thầy Phan Văn Đạt, Hiệu trường nhà trường chia sẻ: “Cơ sở vật chất đã cũ, không đáp ứng những yêu cầu mới trong giáo dục. 5 lớp phải học ở nhà lớp ghép, nắng nóng, mưa gió đều ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Đồng thời cũng gây nhiều khó khăn, hạn chế cho giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị kỹ thuật cùng các hoạt động sáng tạo trong giờ giảng”.

Khó khăn lớn nữa mà ngành GD&ĐT tỉnh ta gặp phải là tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn học mới thực hiện Chương trình GDPT 2018, như: Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp... Việc thiếu giáo viên do nhiều nguyên nhân như: Quy mô trường, lớp, học sinh tăng; thiếu biên chế; thiếu cơ chế thu hút; thiếu nguồn tuyển; yêu cầu ngày càng cao về trình độ đào tạo giáo viên...

Năm học 2022 - 2023, Điện Biên có 481 trường, trung tâm với hơn 7.400 lớp, trên 207.500 học sinh, sinh viên. Quy mô trường, lớp tiếp tục tăng, song toàn ngành thiếu gần 1.800 giáo viên. Trong đó, thiếu hơn 200 giáo viên các môn chuyên biệt (Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) để thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.

Ngoài ra còn một số khó khăn trong quá trình triển khai như: Ban hành chưa đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục nên phải tiếp tục ban hành bổ sung, gây khó khăn cho việc chuẩn bị sách giáo khoa và triển khai thực hiện đối với một số môn học; việc in ấn phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn chậm...

Xoay xở khắc phục

Dù nhiều khó khăn luôn thường trực, nhưng ngành GD&ĐT tỉnh ta đã cố gắng xoay xở, khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Ngành tích cực huy động xã hội hóa để kiên cố trường lớp học, đảm bảo điều kiện học tập, ăn ở cho học sinh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2020. Ưu tiên đầu tư các nguồn vốn cho cấp mầm non, tiểu học và bảo đảm thiết bị tối thiểu theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa; ưu tiên các trường học ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới. Trong năm, nhiều trường, lớp học được sửa chữa, đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho triển khai trường trình giáo dục mới.

Đối với tình trạng thiếu giáo viên, ngành đã tổ chức rà soát, xây dựng phương án bố trí, sắp xếp phù hợp; thực hiện điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, bố trí dạy liên trường, liên xã; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo đáp ứng yêu cầu Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới theo kế hoạch.

Dù vẫn thiếu giáo viên, nhất là môn chuyên biệt, nhưng ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, số lượng giáo viên tương đối đảm bảo để đáp ứng thực hiện giảng dạy theo Chương trình GDPT mới 2018. Năm học 2022 - 2023, huyện thực hiện phương án phân công 24 giáo viên các môn chuyên biệt giảng dạy liên trường. Cụ thể như môn Tin học, cấp THCS 7 trường chưa có giáo viên chuyên môn học này, nhưng có giáo viên chuyên ngành Toán - Tin thực hiện giảng dạy. Một số trường thiếu so với định mức vài tiết, Phòng phân công giáo viên dạy kiêm nhiệm liên trường. Đối với môn Tiếng Anh có 9 giáo viên dạy liên trường, nhiều giáo viên phải dạy vượt số tiết theo định mức. Phòng chỉ đạo các trường thanh toán tiền dạy tăng giờ theo từng học kỳ, đảm bảo chế độ quyền lợi cho giáo viên theo quy định”.

Qua đó, nhiều khó khăn dần được khắc phục, tháo gỡ. Đa số chỉ tiêu phát triển GD&ĐT trong năm đều vượt kế hoạch. Hiện tại dù chưa có số liệu tổng kết cả năm học 2022 - 2023, nhưng tính đến hết kỳ I ghi nhận nhiều thành tích tốt. Các chỉ tiêu huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng so với năm học trước. Thực hiện Chương trình GDPT năm 2018, khối 1, 2, 3, bình quân có trên 98% học sinh được đánh giá đạt và tốt về 5 phẩm chất; hơn 96% đạt và tốt về 10 năng lực. Đối với học sinh lớp 6, 7 có 99,7% xếp loại rèn luyện từ đạt trở lên; trên 95% xếp loại học tập từ đạt trở lên. Khối 10 có hơn 98% được đánh giá hạnh kiểm từ đạt trở lên, trên 85% học lực từ đạt trở lên…

“Bằng nhiều giải pháp, ngành GD&ĐT Điện Biên sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10; triển khai hiệu quả, đúng lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 4, 5, 8, 9, 11, 12. Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện cho học sinh phát triển toàn diện cả về tri thức, đạo đức, lối sống và kỹ năng, góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới” - ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở nói định hướng của ngành trong triển khai Chương trình GDPT năm 2018.

Nguyễn Hiền

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/giao-duc/206087/giao-duc-vung-cao-gap-kho-khi-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi
Zalo