Giáo dục văn hóa dân tộc trong trường học - nền tảng của sự phát triển bền vững
Giáo dục văn hóa dân tộc trong trường học không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là quá trình nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào, và ý thức bảo tồn văn hóa trong mỗi học sinh. Trước sự thay đổi nhanh chóng của thời đại công nghệ, việc đưa văn hóa dân tộc vào giảng dạy cần phải sáng tạo và hấp dẫn hơn, để giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc về cội nguồn, phát triển nhân cách, nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc. Tại Trường THPT Chuyên Cao Bằng, hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Bồi đắp tình yêu và ý thức trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, sự quan tâm, ủng hộ của phụ huynh học sinh, những năm qua, các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc được Trường THPT Chuyên tổ chức thường xuyên với nhiều hinh thức phong phú, nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh.Việc giáo dục văn hóa dân tộc được nhà trường thực hiện theo hướng mở, kết hợp hài hòa với công nghệ thông tin, tận dụng và biến những thiết bị như điện thoại thông minh - một vật không thể thiếu của xã hội hiện đại, cùng với các công cụ truyền thông thành cầu nối để mang giá trị văn hóa đến gần hơn với học sinh, giúp các em tự tin bước vào tương lai mà không quên nguồn cội.
Một sáng kiến tuy mới chỉ được triển khai tại một số Câu lạc bộ của trường nhưng được sự hưởng ứng tích cực, đó là việc xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến về văn hóa dân tộc Cao Bằng. Thông qua nền tảng này, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận các tài liệu, video, hình ảnh về di sản văn hóa, phong tục tập quán, cũng như tham gia vào các lớp học trực tuyến với các nghệ nhân địa phương. Nhờ đó, các em không chỉ học hỏi mà còn có thể trao đổi, thảo luận, tạo nên một cộng đồng học tập năng động và sáng tạo.
Ngoài ra, việc tích hợp giáo dục văn hóa vào các hoạt động ngoại khóa, nhà trường tổ chức các cuộc thi sáng tạo về văn hóa như: vẽ tranh, viết truyện, làm phim ngắn… khơi dậy sự sáng tạo và niềm đam mê văn hóa dân tộc trong lòng mỗi học sinh. Những cuộc thi không chỉ là sân chơi để các em thể hiện tài năng mà còn là dịp để khám phá giá trị văn hóa theo cách riêng của mình.
Các dự án nghiên cứu về làng nghề truyền thống cũng được triển khai, nơi học sinh tìm hiểu về quy trình sản xuất và tác động của nghề đến đời sống cộng đồng, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững. Những dự án này giúp học sinh không chỉ nắm vững kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, và khả năng giải quyết vấn đề. Trong những dự án đó, phải kể đến một dự án mang giá trị nhân văn sâu sắc “English for Cao Bang Tourism” - Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh giao tiếp cơ bản giúp người dân phát triển bền vững mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Cao Bằng”. Sự kết hợp giữa các hoạt động học tập, trải nghiệm làm dự án với các sự kiện văn hóa, như lễ hội truyền thống hoặc ngày hội văn hóa tại trường giúp học sinh có cơ hội trực tiếp trải nghiệm và hòa mình vào không gian văn hóa độc đáo của Cao Bằng. Từ đó, thế hệ trẻ không chỉ hiểu biết về văn hóa mà còn hình thành tình yêu và ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của quê hương.
Sáng tạo và đổi mới trong giáo dục văn hóa dân tộc
Đối với học sinh Trường THPT Chuyên Cao Bằng, việc giáo dục văn hóa dân tộc không chỉ từ sách vở mà còn hòa nhập và trải nghiệm trong không gian văn hóa đặc sắc của quê hương thông qua các câu lạc bộ. Nhà trường không ngừng sáng tạo và đổi mới phương pháp giáo dục văn hóa dân tộc, biến những giá trị truyền thống thành nguồn cảm hứng và động lực cho thế hệ trẻ.
Câu lạc bộ "Cùng em khám phá công viên địa chất Non nước Cao Bằng" là nơi học sinh được trực tiếp khám phá và tìm hiểu về di sản địa chất cùng những giá trị văn hóa, lịch sử của quê hương. Sau mỗi chuyến đi thực tế tại công viên địa chất, học sinh sẽ tổ chức các buổi thuyết trình, triển lãm, và sáng tác truyện ngắn hoặc kịch bản dựa trên những gì đã trải nghiệm. Một dự án nổi bật của câu lạc bộ là "Hành trình di sản Non nước Cao Bằng," nơi học sinh tái hiện lại những sự kiện lịch sử quan trọng qua từng địa danh, truyền tải tình yêu quê hương sâu sắc qua những tác phẩm sáng tạo của mình.
Câu lạc bộ STEM không chỉ là nơi các em rèn luyện kỹ năng khoa học mà còn là cầu nối giữa công nghệ hiện đại và giá trị văn hóa truyền thống. Dự án "Bảo tàng văn hóa ảo Cao Bằng" của câu lạc bộ đã sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để tạo ra các không gian ảo sống động, nơi những hiện vật, di tích lịch sử được tái hiện chi tiết và chân thực. Từ những chiếc khèn Mông đến những tấm thổ cẩm của người Tày, tất cả đều được số hóa tinh tế, giúp học sinh và cộng đồng tiếp cận và tìm hiểu về văn hóa Cao Bằng một cách sinh động và hấp dẫn.
Hưởng ứng những Cuộc thi STEM Robotics do ngành Giáo dục Đào tạo tổ chức, học sinh Câu lạc bộ STEM luôn tiên phong trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy giáo dục hiện đại và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Câu lạc bộ STEM còn góp phần quảng bá văn hóa Cao Bằng ra thế giới qua các chuyến thi đấu STEM Robotics tại Mỹ vào các năm 2023 và 2024. Những trải nghiệm này không chỉ mang đến thành công cho nhà trường mà còn giúp quảng bá cho bạn bè quốc tế biết thêm về mảnh đất và con người Cao Bằng - Việt Nam.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ truyền thông đã đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa và quảng bá những giá trị văn hóa mà các câu lạc bộ khác của trường đã xây dựng. Các sản phẩm truyền thông như: video, phóng sự, và bài viết trên trang web của trường và các câu lạc bộ không chỉ phản ánh những hoạt động sáng tạo mà còn góp phần giới thiệu và quảng bá rộng rãi văn hóa dân tộc Cao Bằng đến với cộng đồng. Câu lạc bộ "Âm nhạc MMC" khai thác sức mạnh của âm nhạc để truyền tải giá trị văn hóa dân tộc. Các em không chỉ học cách trình diễn làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống mà còn sáng tác những ca khúc mới dựa trên chất liệu dân gian. Những buổi biểu diễn âm nhạc tại các sự kiện của trường là cơ hội để lan tỏa tình yêu văn hóa quê hương đến với thế hệ trẻ. Câu lạc bộ "Mỹ thuật và sáng tạo A&C" là nơi học sinh thể hiện sự sáng tạo qua các tác phẩm nghệ thuật, từ tranh phong cảnh miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên Cao Bằng đến các tác phẩm điêu khắc, mô hình tái hiện di tích lịch sử. Triển lãm "Nét đẹp văn hóa Cao Bằng" đã trưng bày các tác phẩm của học sinh, thu hút sự chú ý và đánh giá cao từ cộng đồng.
Có thể khẳng định, những nỗ lực sáng tạo và đổi mới trong giáo dục văn hóa dân tộc tại Trường THPT Chuyên Cao Bằng đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Học sinh không chỉ hiểu sâu hơn về văn hóa, lịch sử địa phương mà còn phát triển tư duy sáng tạo, khả năng ứng dụng công nghệ vào học tập. Hơn thế nữa, các em còn được truyền lửa yêu nước, lòng tự hào về quê hương Cao Bằng - những giá trị quý báu sẽ theo các em suốt cuộc đời, trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển cá nhân và đóng góp tích cực vào việc giữ gìn nét đẹp văn hóa trong cộng đồng.
Từ xưa đến nay, bản sắc văn hóa dân tộc luôn là nhân tố quan trọng làm nên sức sống mãnh liệt, giúp cộng đồng người Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù, xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đã chỉ rõ: “Bản sắc dân tộc bao gồm những giá tri bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo”. Và trong bức thư cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho ngành Giáo dục ngày 15/10/1968, Người lại nhấn mạnh yêu cầu của nền Giáo dục nước ta là phải gắng sức phấn đấu theo kịp với trình độ và chất lượng của các nước văn minh, tiên tiến: “Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Cao Bằng trong giáo dục thế hệ trẻ thông chỉ là trách nhiệm của mỗi nhà trường mà còn của cả cộng đồng. Để làm được điều đó, chúng ta cần có những phương pháp giáo dục sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa gia đình và nhà trường, để mỗi học sinh khi lớn lên đều mang trong mình niềm tự hào và tình yêu đối với quê hương, đất nước. Bằng cách này, chúng ta không chỉ bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Cao Bằng trong tương lai.