Giáo dục tuần qua: Hà Nội chốt 3 môn thi vào lớp 10, Đại học Huế bị mạo danh

Hà Nội chốt thi 3 môn thi vào lớp 10; mạo danh Đại học Huế để ăn chặn tiền của thí sinh là những sự kiện giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10 công lập

Hà Nội sẽ tổ chức thi vào lớp 10 công lập với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Thông tin được Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Quang Tuấn nêu trong Họp báo về tình hình Kinh tế - Xã hội quý I của Hà Nội, chiều 28/3. Đây là năm thứ ba liên tiếp, kỳ thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội gồm 3 môn kể trên.

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10 công lập. (Ảnh minh họa)

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10 công lập. (Ảnh minh họa)

Theo lịch thi, sáng 8/6, học sinh sẽ thi môn Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi chấm theo thang điểm 10, nhân hệ số 2.

Chiều cùng ngày, học sinh thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút. Bài thi chấm theo thang điểm 10, hệ số 1. Với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh chọn một trong các thứ tiếng như: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn. Thí sinh được đăng ký thi tiếng ngoại ngữ khác với tiếng đang học tại trường THCS.

Sáng 9/6, học sinh thi môn Toán, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, nhân hệ số 2.

Ngày 10/6, thí sinh có nguyện vọng thi vào các trường THPT chuyên sẽ thực hiện các bài thi.

Mạo danh cán bộ Đại học Huế, ăn chặn tiền lệ phí thi của thí sinh

Chiều 25/3, đại diện Đại học Sư phạm - Đại học Huế cho biết, nhà trường đã báo cáo trực tiếp Phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế việc có người giả danh cán bộ, giảng viên của trường, đưa thông tin lên mạng xã hội để lừa đảo thí sinh khi đăng ký và nộp lệ phí thi năng khiếu tuyển sinh năm 2024 vào trường này.

Hiện, nhà trường chưa nhận hồ sơ đăng ký cũng như lệ phí thi năng khiếu liên quan tuyển sinh năm 2024.

Mạo danh cán bộ, giảng viên Đại học Huế, ăn chặn tiền lệ phí thi của thí sinh. (Ảnh minh họa)

Mạo danh cán bộ, giảng viên Đại học Huế, ăn chặn tiền lệ phí thi của thí sinh. (Ảnh minh họa)

Thông báo về thời gian đăng ký và thi năng khiếu liên quan tuyển sinh vào ngành Giáo dục Mầm non và ngành Sư phạm Âm nhạc của trường được đăng tải công khai, chính thống trên cổng thông tin của trường và Đại học Huế.

Trước đó, giữa tháng 3/2024, trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế thông báo thời gian đăng ký và thi năng khiếu liên quan tuyển sinh vào ngành Giáo dục Mầm non và ngành Sư phạm Âm nhạc của trường năm 2024.

Sau đó, nhiều kẻ đã giả danh cán bộ, giảng viên nhà trường, thông qua mạng xã hội, đăng tải thông tin với nội dung hệ thống đăng ký của trường đã hết hạn. Thí sinh muốn được thi thì đăng ký trực tiếp với họ, mỗi trường hợp đăng ký phải đóng 500.000 đồng.

Đến nay, bộ phận chức năng của trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế đã nhận 3 phản ánh của thí sinh về việc bị kẻ xấu lừa đảo.

Phụ huynh treo băng rôn phản đối sáp nhập trường

Chiều 27/3, phụ huynh của 457 học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối việc sáp nhập vào trường Tiểu học Lê Văn Tám.

Các phụ huynh cho con nghỉ vì cho rằng sáp nhập trường khiến con em họ phải đi học xa hơn, việc đi qua tỉnh lộ rất nguy hiểm.

“Việc đưa đón các cháu đi học chủ yếu là các ông bà tuổi cao, đi đường xa khoảng 2km rất nguy hiểm. Trường Nguyễn Bá Ngọc đã gắn bó với bao thế hệ từ thời xưa đến nay nên chúng tôi muốn giữ lại trường”, một phụ huynh nói.

Ngoài ra, phụ huynh cũng đưa ra lý do, cơ sở vật chất trường Nguyễn Bá Ngọc khang trang hơn, học sinh đông hơn (hơn 450 học sinh, trường Lê Văn Tám hơn 200 học sinh).

Ông Phạm Trọng Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, cho biết, tháng 2/2024, nhà trường nhận được thông báo về việc sáp nhập trường và có kế hoạch sáp nhập trước quý 2/2024.

Phụ huynh cho con nghỉ học, treo băng rôn phản đối sáp nhập trường. (Ảnh minh họa)

Phụ huynh cho con nghỉ học, treo băng rôn phản đối sáp nhập trường. (Ảnh minh họa)

Ông Phạm Văn Thường, Chủ tịch UBND thị trấn Triệu Sơn cho biết, việc sáp nhập mới là chủ trương: "Theo quy trình từng bước, chúng tôi cùng nhà trường sẽ họp với phụ huynh để thông tin về việc này. Phụ huynh không nên cho con nghỉ học như vậy, sẽ ảnh hưởng tới việc học của các cháu".

Shark Thủy bị bắt, Apax Leaders ngừng hoàn học phí cho phụ huynh

Thông tin trên được Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup) phát đi ngày 26/3, sau khi ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn gọi là Shark Thủy), Chủ tịch Egroup bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cũng theo thông báo, Apax sẽ tạm dừng việc xác nhận và công nợ học phí cho phụ huynh. Đơn vị cũng tạm ngừng việc hoàn học phí cho đến khi có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra liên quan đến Shark Thủy.

Việc Shark Thủy bị bắt không tác động đến hoạt động vận hành và giảng dạy tại các trung tâm Anh ngữ đang mở cửa của Apax như: Trung tâm ở Hoàng Đạo Thúy (Hà Nội), Cẩm Phả, Uông Bí (Quảng Ninh), Lê Hồng Phong (Hải Phòng), Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.

Hiện bà Nguyễn Thị Dung, thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Egame, thành viên Ban lãnh đạo của Egroup tạm thời điều hành tập đoàn.

Apax Leaders là chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em thuộc hệ sinh thái Egroup do ông Nguyễn Ngọc Thủy sáng lập và điều hành. Từ cuối năm 2022, nhiều phụ huynh ở Hà Nội, TP.HCM, Đắk Lắk, Đà Nẵng khiếu nại vì nhiều trung tâm đóng cửa, chất lượng giảng dạy không như cam kết, "ôm tiền bỏ rơi khách hàng" và yêu cầu hoàn trả học phí.

Khánh Sơn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/giao-duc-tuan-qua-ha-noi-chot-3-mon-thi-vao-lop-10-dai-hoc-hue-bi-mao-danh-ar862023.html
Zalo