Giáo dục truyền thống yêu nước qua tượng chân dung
Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) vừa có buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan về việc góp ý mẫu phác thảo tượng chân dung đồng chí Lê Duẩn tại Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) ở huyện Vĩnh Cửu.
Việc đặt tượng chân dung đồng chí Lê Duẩn cùng các đồng chí lãnh đạo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng ở miền Đông Nam Bộ không chỉ tri ân những cống hiến của các đồng chí, mà qua đó giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những người trẻ, về truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc.
Tri ân những cống hiến…
Trung ương Cục miền Nam được thành lập lần thứ nhất ngày 19-2-1951 và tồn tại đến tháng 10-1954, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Trung ương Cục. Từ sau tháng 10-1954, Trung ương Cục miền Nam được giải thể để thành lập Xứ ủy Nam Bộ, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy. Tháng 1-1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập lại thay cho Xứ ủy Nam Bộ.
Ngày 10-10-1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam chính thức ra mắt tại Chiến khu Đ (nay thuộc xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư Trung ương Cục. Hội nghị đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh để có điều kiện mở rộng căn cứ.
Đồng chí Lê Duẩn là người có công lớn đối với cách mạng miền Nam, trực tiếp tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 15 cho phép cách mạng miền Nam dùng bạo lực cách mạng kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.
Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại huyện Vĩnh Cửu hiện đã có 13 tượng chân dung của các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương Cục.
Theo Phó giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Hồng Ân, việc đặt tượng đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn tại nhà lưu niệm di tích là phù hợp với quá trình thành lập, tiếp nối giữa 2 thời kỳ của Trung ương Cục miền Nam, Xứ ủy Nam Bộ và nguyện vọng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân.
Theo Quyết định số 13-2023/QĐ-UBND ngày 6-4-2023 về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh xếp hạng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được phân cấp cho Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai quản lý. Việc thực hiện tượng chân dung đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn do Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai làm chủ đầu tư.
Tại buổi góp ý mẫu phác thảo tượng chân dung đồng chí Lê Duẩn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại cho hay, tượng đã phác họa được chân dung với thần thái của nhân vật. Tuy nhiên, đơn vị thiết kế cần lưu ý một số chi tiết như: tượng chân dung hơi trẻ, chú ý cơ má, cơ môi để thể hiện thần thái nhân vật, tạo dấu ấn về một nhà lãnh đạo.
Theo họa sĩ Phạm Công Hoàng, nguyên Trưởng khoa Gốm - điêu khắc, Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, trang phục và bệ tượng còn hơi thô so với phần chân dung. Các chi tiết áo cần chỉnh lại…
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của Hội đồng Nghệ thuật, Phó giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Hồng Ân đề nghị Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và tác giả tiếp thu ý kiến, hoàn thiện phác thảo tượng lột tả được thần thái của đồng chí Lê Duẩn - người có công lớn đối với cách mạng miền Nam.
Ông Nguyễn Hồng Ân nhấn mạnh: “Sau khi hoàn thiện đề nghị Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai gửi ảnh 2D, 3D về sở để xin ý kiến các đơn vị trước khi báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai các bước tiếp theo theo quy định”.
Giám đốc Trung tâm Sinh thái - văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ NGUYỄN VĂN HÀ cho biết: “Tượng chân dung đồng chí Lê Duẩn tại Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam sau khi hoàn thiện mẫu phác thảo sẽ được thực hiện trên chất liệu đồng. Việc đặt tượng đồng chí Lê Duẩn tại di tích là việc làm có ý nghĩa, góp phần giáo dục lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.
Góp phần giáo dục truyền thống
Cùng với đặt tượng chân dung các đồng chí lãnh đạo có nhiều cống hiến cho sự nghiệp kháng chiến ở miền Đông Nam Bộ, Dự thảo Tờ trình gửi Thường trực Tỉnh ủy của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về việc bổ sung tượng đồng chí Lê Duẩn ở Cụm di tích Trung ương Cục miền Nam đã đề xuất đặt tên đường mang tên các đồng chí lãnh đạo. Đây là việc làm có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, tri ân những cống hiến của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy miền Đông đã từng sống, chiến đấu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cũng như ở miền Đông Nam Bộ.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh bổ sung tên các đồng chí lãnh đạo Khu ủy miền Đông Nam Bộ vào ngân hàng đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Khi thực hiện việc đặt tên đường cụ thể sẽ do Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng xem xét, quyết định.
Hiện nay, tại Đền tưởng niệm Di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) có 13 tượng. Trong đó có tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và 12 tượng bán thân của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Cụ thể, có tượng các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Phạm Văn Đáng, Võ Chí Công, Phạm Văn Xô, Võ Văn Kiệt, Trương Chí Cương, Phạm Thái Bường, Trần Nam Trung, Nguyễn Đôn, Trần Văn Quang. Các tượng được thực hiện trong 2 năm (2013-2014), bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.