Giáo dục truyền thống lịch sử: Tạo hành trang cho tương lai

Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, không chỉ để bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử mà còn chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ trong việc xây dựng nhân cách, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với đất nước.

Các bạn trẻ lắng nghe những câu chuyện của chiến sĩ cách mạng năm xưa. (Ảnh: VIỆT HƯNG)

Các bạn trẻ lắng nghe những câu chuyện của chiến sĩ cách mạng năm xưa. (Ảnh: VIỆT HƯNG)

Những ngày này, trên khắp cả nước diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và xa hơn là sự kiện trọng đại kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025).

Đây là dịp để mỗi con dân nước Việt cùng nhau ôn lại những trang sử hào hùng, khắc sâu lòng tự hào dân tộc, biết ơn các thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong bối cảnh ấy, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, không chỉ để bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử mà còn chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ trong việc xây dựng nhân cách, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với đất nước.

Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, không chỉ để bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử mà còn chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ trong việc xây dựng nhân cách, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với đất nước.

Lịch sử là cội nguồn của một dân tộc. Những chiến công oanh liệt qua các thời kỳ dựng nước giữ nước, những hy sinh thầm lặng của các Anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ,... đã làm nên một Việt Nam thống nhất, hòa bình, hùng cường, thịnh vượng như ngày hôm nay. Những tên tuổi danh nhân, Anh hùng dân tộc không chỉ là niềm tự hào của mọi thế hệ mà còn là bài học sống động về lòng yêu nước, ý chí kiên cường và tinh thần cống hiến. Tuy nhiên khi quá khứ ngày càng lùi xa, một bộ phận người trẻ dường như đang dần lãng quên ý nghĩa của những giá trị ấy.

Không khó để nhận thấy hiện nay có những bạn trẻ đang thờ ơ với lịch sử dân tộc. Họ có thể say sưa cập nhật các trào lưu mới trên mạng xã hội, hào hứng với những luồng văn hóa ngoại nhập, thậm chí thuộc nằm lòng tiểu sử của các nhân vật lịch sử nước ngoài hay các ngôi sao điện ảnh thế giới, nhưng lại mơ hồ khi được hỏi về những sự kiện quan trọng hay các Anh hùng của chính đất nước mình.

Qua phản ánh từ giáo viên và phụ huynh, nhiều học sinh chỉ học lịch sử để đối phó với kỳ thi, dẫn đến việc thiếu hiểu biết về ý nghĩa của các ngày lễ lớn như 30/4 hay 2/9. Đây không chỉ là lỗ hổng kiến thức mà còn là biểu hiện của sự thiếu gắn kết giữa thế hệ trẻ với cội nguồn dân tộc.

Nguyên nhân của tình trạng này đến từ nhiều phía. Trước hết, sự bùng nổ của công nghệ và internet đã mang đến một thế giới phẳng, nơi các giá trị văn hóa toàn cầu dễ dàng len lỏi vào đời sống giới trẻ. Những bộ phim bom tấn, những trào lưu âm nhạc hay các trò chơi điện tử từ nước ngoài thường được đầu tư kỹ lưỡng về hình thức, dễ dàng thu hút sự chú ý của giới trẻ hơn so với những bài học lịch sử khô khan trong sách giáo khoa. Thứ hai, cách giảng dạy lịch sử ở nhiều nơi vẫn còn nặng tính lý thuyết, thiếu sự sinh động và kết nối thực tiễn, khiến học sinh cảm thấy nhàm chán. Cuối cùng, không thể không nhắc đến vai trò của gia đình và xã hội. Khi cha mẹ bận rộn với công việc, khi các câu chuyện về lịch sử không còn được kể lại bên mâm cơm gia đình hay trong những buổi sinh hoạt cộng đồng, thế hệ trẻ dần mất đi sợi dây kết nối với quá khứ.

Hậu quả của sự thờ ơ này là không nhỏ. Một thế hệ trẻ thiếu hiểu biết về lịch sử sẽ khó có thể trân trọng những giá trị mà đất nước đang có, từ đó sống hời hợt, thiếu trách nhiệm với cộng đồng và Tổ quốc.

Lịch sử không chỉ là những sự kiện đã qua, mà còn là bài học để mỗi người định hướng hành động trong hiện tại và tương lai. Nếu không tự hào về cội nguồn dân tộc, người trẻ sẽ lấy gì làm điểm tựa để khẳng định bản thân trong một thế giới toàn cầu hóa đầy cạnh tranh?

Để thay đổi thực trạng này, giáo dục truyền thống lịch sử cần được nhìn nhận như một hành trình khơi dậy cảm xúc, chứ không chỉ là việc truyền đạt kiến thức xơ cứng. Trước hết, nhà trường cần đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa lịch sử đến gần hơn với học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế như tham quan di tích, xem phim tư liệu, hay tổ chức các cuộc thi kể chuyện lịch sử. Những câu chuyện về các Anh hùng dân tộc cần được kể bằng ngôn ngữ sống động, gần gũi, thay vì chỉ là những con số và sự kiện khô khan.

Bên cạnh đó, gia đình và xã hội cũng cần chung tay. Cha mẹ có thể dành thời gian kể cho con nghe về những câu chuyện lịch sử, cùng con đọc các tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh cách mạng. Các phương tiện truyền thông, từ báo chí, truyền hình đến mạng xã hội, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của các ngày lễ lớn, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của lịch sử dân tộc đến với giới trẻ.

Quan trọng hơn, giáo dục lịch sử không nên chỉ dừng lại ở việc kể lại quá khứ, mà cần gắn kết với hiện tại và tương lai. Người trẻ cần được truyền cảm hứng rằng, hiểu biết lịch sử để trân trọng quá khứ và để tiếp nối tinh thần ấy trong việc xây dựng một Việt Nam hiện đại, giàu mạnh.

Khi người trẻ nhận ra rằng mỗi hành động của mình hôm nay đều là một phần của lịch sử ngày mai, ý thức trách nhiệm sẽ được khơi dậy. Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ bởi vậy là sứ mệnh chung của toàn xã hội. Bởi lẽ, một dân tộc biết trân trọng lịch sử sẽ luôn có sức mạnh để vươn xa.

PHONG ĐIỆP

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giao-duc-truyen-thong-lich-su-tao-hanh-trang-cho-tuong-lai-post870422.html
Zalo