Giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản văn hóa
'Giáo dục di sản văn hóa Tây Nguyên cho học sinh phổ thông, những vấn đề lý luận và thực tiễn' là chủ đề hội thảo khoa học do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tổ chức sáng nay (20/5).
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục văn hóa dân tộc được đưa vào chương trình dạy học thông qua lồng ghép, tích hợp trong môn học và hoạt động giáo dục. Giáo dục địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, chính trị xã hội, các kiến thức về văn hóa, lễ hội, văn học dân gian…
Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng triển khai giáo dục địa phương thông qua di sản. Các trường phổ thông gắn việc xây dựng văn hóa nhà trường với những bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, giới thiệu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trang phục truyền thống, kiến trúc, trường ca, sử thi… đồng thời, lồng ghép giáo dục giá trị di sản với hoạt động ngoại khóa, thể thao và sinh hoạt tập thể.

Hội thảo nhằm gợi mở, định hướng giải pháp nâng cao công tác giáo dục giá trị di sản văn hóa Tây Nguyên cho học sinh phổ thông tại Đắk Lắk
Tại hội thảo, đại biểu đã tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp giáo dục giá trị di sản văn hóa Tây Nguyên cho học sinh ở các cấp học, từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Các đại biểu nhất trí cho rằng, việc giáo dục giá trị di sản từ những cấp học đầu tiên đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức cộng đồng, củng cố sự gắn kết xã hội, từ đó nâng cao ý thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ.
Cô giáo H Nônh Knul, Trường Tiểu học Y Jút, thành phố Buôn Ma Thuột nêu ý kiến: “Việc giáo dục di sản văn hóa đối với học sinh tiểu học rất ý nghĩa và thiết thực. Các em sẽ được giáo dục từ ngay bậc tiểu học, đến khi lớn lên thì các em có thể dựa vào những nền tảng đó để phát triển, có thể định hướng được việc duy trì và bảo tồn bản sắc văn hóa”.

Các đại biểu thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục di sản văn hóa đối với học sinh phổ thông
Tuy vậy, có không ít khó khăn, bất cập trong thực tế giáo dục giá trị di sản, thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị các di sản địa phương được các đại biểu dự quan tâm thảo luận, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả trong giáo dục giá trị di sản văn hóa Tây Nguyên cho học sinh phổ thông.

Những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng triển khai giáo dục địa phương thông qua di sản
Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng, các nội dung nêu ra tại hội thảo sẽ góp phần tích cực vào việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là trong nội dung mở liên quan đến giáo dục địa phương thông qua di sản văn hóa.
“Từ ý kiến của các nhà khoa học, ý kiến thực tiễn từ các trường học của các thầy, cô giáo và các cơ quan như Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Tỉnh Đoàn, Hội Văn học Nghệ thuật… đã bổ sung rất nhiều về mặt lý luận cũng như những rào cản về thực tiễn đang triển khai trong các nhà trường. Hy vọng rằng, thông qua hội thảo này, chúng tôi sẽ bổ sung được những vấn đề, những ý tưởng, các giải pháp để thực hiện trong thời gian gần có thể áp dụng trong thực tiễn”.