Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ Gia Lai qua các 'địa chỉ đỏ'

Nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong học tập, lao động cho thanh thiếu nhi, tổ chức Đoàn-Hội-Đội các cấp trong tỉnh Gia Lai triển khai nhiều hoạt động hướng về cội nguồn, hành trình đến với các 'địa chỉ đỏ'.

Ngày 16-3, Liên đội Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (phường Yên Thế, TP. Pleiku) tổ chức hành trình đến với “địa chỉ đỏ” tại xã Gào và kết nạp đội viên năm học 2023-2024. 8 giờ sáng, các giáo viên, học sinh đã có mặt, hàng ngũ chỉnh tề để dâng hương, dâng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Gào. Các em học sinh chăm chú lắng nghe những câu chuyện cảm động về tinh thần cách mạng kiên trung, sự anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của các bậc cha ông đi trước.

Các em đội viên Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (phường Yên Thế, TP. Pleiku) hành trình đến địa chỉ đỏ, dâng hương, dâng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Gào. Ảnh: M.N

Các em đội viên Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (phường Yên Thế, TP. Pleiku) hành trình đến địa chỉ đỏ, dâng hương, dâng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ xã Gào. Ảnh: M.N

Lễ kết nạp đội viên mới diễn ra trang trọng với các nội dung: chào cờ, hát Quốc ca, Đội ca, báo cáo quá trình rèn luyện phấn đấu, đeo khăn quàng đỏ…Là 1 trong 21 đội viên mới được kết nạp, em Nguyễn Khánh Thy (lớp 3/2, Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa) bày tỏ: “Em cảm thấy vinh dự và tự hào khi được kết nạp đội viên tại địa chỉ đỏ. Em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành người đội viên tốt, con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ”.

Sau lễ kết nạp, các em đội viên đến tham quan Khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng Khu 9 (xã Gào). Chị Lê Thị Kim Cúc-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa cho biết: “Hành trình đến địa chỉ đỏ là một hình thức giáo dục hiệu quả, giúp học sinh có những trải nghiệm thực tế để tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Thông qua hành trình ý nghĩa này, các em đội viên đều cảm thấy tự hào, có ý thức bảo vệ các di tích lịch sử và nỗ lực hơn trong học tập, rèn luyện”.

Ngày 13-3, Huyện Đoàn-Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Chư Prông tổ chức hành trình về nguồn tại Di tích lịch sử chiến thắng Pleime (xã Ia Ga, huyện Chư Prông). 50 cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên của huyện Chư Prông tham gia hành trình ý nghĩa này.

Tuổi trẻ huyện Chư Prông hành trình về nguồn, thăm Di tích lịch sử chiến thắng Pleime. Ảnh: Siu H'Tuyết

Tuổi trẻ huyện Chư Prông hành trình về nguồn, thăm Di tích lịch sử chiến thắng Pleime. Ảnh: Siu H'Tuyết

Tại Di tích lịch sử chiến thắng Pleime, các cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên đã thành kính dâng hương, dâng hoa bày tỏ sự tri ân trước những công lao của các anh hùng, liệt sỹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Anh Lê Thế Đô-Bí thư Huyện Đoàn Chư Prông đã báo công những kết quả đạt được trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tuổi trẻ toàn huyện. Tham gia hành trình về nguồn, các cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên được tìm hiểu thêm về những trận đánh ác liệt giữa quân ta và địch, những chiến công của quân đội ta trong chiến dịch Pleime; từ đó vun đắp niềm tin, lòng tự hào dân tộc, thôi thúc đoàn viên, thanh niên phấn đấu rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Chị Thái Thị Tuyết Loan-Bí thư Đoàn xã Ia Ga tâm sự: “Tôi cảm thấy tự hào khi trên địa bàn xã có Di tích lịch sử chiến thắng Pleime. Vào dịp lễ, Tết, Đoàn xã Ia Ga đều huy động đoàn viên, thanh niên tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh tại di tích nhằm thể hiện sự tri ân”.

Bên cạnh hành trình về nguồn, Huyện Đoàn-Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Chư Prông đã thăm hỏi, tặng 10 suất quà (200.000 đồng/suất) cho 10 cựu thanh niên xung phong đang sinh sống ở thị trấn Chư Prông; tổ chức ngày hội cán bộ Đoàn tại xã Ia Bang.

Anh Lê Thế Đô-Bí thư Huyện Đoàn Chư Prông chia sẻ: “Qua các hoạt động, các bạn trẻ trong toàn huyện được tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng. Đây còn là dịp để các cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, học hỏi kinh nghiệm để cùng nhau xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh”.

Đoàn viên, thanh niên dâng hương tại Bia di tích lịch sử cơ quan Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng tỉnh Gia Lai giai đoạn 1962-1975. Ảnh: M.N

Đoàn viên, thanh niên dâng hương tại Bia di tích lịch sử cơ quan Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng tỉnh Gia Lai giai đoạn 1962-1975. Ảnh: M.N

Trong Tháng Thanh niên năm 2024, tuổi trẻ Gia Lai đặt ra 10 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu: 100% Đoàn cấp huyện tổ chức hoặc chỉ đạo tổ chức 1 hành trình đến với các di tích, địa chỉ đỏ cho đoàn viên, thanh thiếu nhi. Trên cơ sở đó, các tổ chức Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, như: Huyện Đoàn Chư Sê tổ chức hành trình về nguồn, tham quan di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, di tích lịch sử cầu Hiền Lương-sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị); Đoàn xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) tổ chức hành trình về nguồn, giao lưu văn nghệ, kể chuyện truyền thống tại Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ)…

Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn cho hay: “Công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tổ chức Đoàn. Các tổ chức Đoàn-Hội-Đội cần linh hoạt, chủ động tổ chức các hoạt động về nguồn phù hợp với điều kiện thực tế. Mỗi hành trình về nguồn là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, giúp thế hệ trẻ hiểu thêm nguồn cội của dân tộc, bồi đắp lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước; từ đó cổ vũ thanh thiếu nhi vươn lên trong học tập, rèn luyện, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/giao-duc-truyen-thong-cach-mang-cho-the-he-tre-gia-lai-qua-cac-dia-chi-do-post269816.html
Zalo