Giáo dục trẻ em ý thức bảo vệ môi trường

Biết yêu quý thiên nhiên, không bẻ cành, ngắt lá, hái hoa, để rác đúng nơi quy định… đã trở thành thói quen của hầu hết trẻ ở các trường mầm non. Đây là kết quả của việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường gắn với thực hiện chuyên đề 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm' giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn huyện Thuận Châu.

Năm học 2024 - 2025, huyện Thuận Châu có 29 trường mầm non công lập, 7 nhóm mầm non tư thục, với 383 nhóm lớp, trên 11.000 trẻ. Ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, thông tin: Triển khai hiệu quả công tác giáo dục về bảo vệ môi trường, phòng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non duy trì sinh hoạt các cụm chuyên môn để cán bộ quản lý, giáo viên được trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm, phát huy hiệu quả vai trò của nhà trường trong việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ. Thực hiện lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào các bài giảng trong chương trình giáo dục mầm non và trong các hoạt động hằng ngày của trẻ ở tất cả các độ tuổi.

Cô và trò Trường Mầm non Võ Thị Sáu Chiềng Pha, huyện Thuận Châu thực hiện gắn tranh từ phế liệu.

Cô và trò Trường Mầm non Võ Thị Sáu Chiềng Pha, huyện Thuận Châu thực hiện gắn tranh từ phế liệu.

Cùng với đó, các trường mầm non tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, làm các hiệu ứng PowerPoint, phần mềm giáo án điện tử để trẻ được xem các hình ảnh, video clip, chơi trò chơi có nội dung bảo vệ môi trường; tổ chức cho giáo viên tự làm đồ dùng, đồ chơi dạy học từ rác thải nhựa, nguyên liệu tái chế... Vận động phụ huynh ủng hộ cây xanh, hoa, nguyên vật liệu phế thải để làm đồ chơi, tạo cảnh quan trong lớp học; đồng thời, thường xuyên trao đổi với phụ huynh để cùng phối hợp trong việc giáo dục trẻ, giúp trẻ hình thành thói quen, ý thức giữ gìn môi trường chung.

Trường Mầm non Thủy Tiên, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, là một trong những đơn vị thực hiện tốt xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ. Đến thăm nhà trường, chúng tôi ấn tượng với khuôn viên nhiều cây xanh, những bông hoa đầy sắc màu được trồng trong các lọ, chai nhựa do chính cô và trò nhà trường tái chế; những chiếc lốp xe cũng được các cô giáo khéo léo sơn với nhiều màu sắc...

Giờ hoạt động ngoài trời trải nghiệm chăm sóc cây xanh của cô và trò Trường Mầm non Thủy Tiên, xã Phổng Lái.

Giờ hoạt động ngoài trời trải nghiệm chăm sóc cây xanh của cô và trò Trường Mầm non Thủy Tiên, xã Phổng Lái.

Cô Trần Thị Thường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thủy Tiên, chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu đã chỉ đạo trang trí lớp học bằng những đồ dùng tái chế từ nhựa, gỗ, tre, thùng bìa cacton… Trong các giờ học, giáo viên kể chuyện về những tấm gương bảo vệ môi trường, dạy các con hát, múa các bài hát về môi trường, tổ chức hoạt động vẽ tranh, tô màu với chủ đề “Em yêu môi trường”, chơi trò chơi nhặt rác, giúp trẻ tiếp thu kiến thức về bảo vệ môi trường một cách vui vẻ, nhẹ nhàng.

Cô giáo Lò Thị Bạn hướng dẫn trẻ làm phân bón hữu cơ từ rác thải nhà bếp.

Cô giáo Lò Thị Bạn hướng dẫn trẻ làm phân bón hữu cơ từ rác thải nhà bếp.

Giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường, cô Lò Thị Bạn, giáo viên lớp Mẫu giáo bé A, Trường Mầm non Võ Thị Sáu, xã Chiềng Pha đã có sáng kiến kinh nghiệm “Làm phân bón hữu cơ từ rác thải nhà bếp”. Sáng kiến được cô trình bày tại phần thi hoạt động giáo dục Steam tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non cấp tỉnh lần thứ XI, năm học 2023 - 2024.

Chia sẻ về sáng kiến của mình, cô Bạn bảo: Với cách làm đơn giản, tận dụng các loại rác hữu cơ như, vỏ rau, củ, quả, vỏ trứng… tôi đem ủ trong thùng có nắp đậy, kết hợp men vi sinh, sau 3 đến 4 ngày ủ thu được phân bón hữu cơ dùng cho vườn rau và cây hoa của trường. Sáng kiến không chỉ giúp giảm lượng rác thải sinh hoạt mà còn tạo điều kiện cho các bé được trải nghiệm, tham gia vào quá trình chăm sóc cây xanh, từ đó, hình thành ý thức bảo vệ môi trường và thói quen sống xanh ngay từ bé.

Hiện nay, 100% các trường mầm non trên địa bàn huyện đều có ít nhất 1 góc Steam chung hoạt động cho toàn trường; 100% các lớp mẫu giáo có góc Steam trong lớp học, trong đó, các đơn vị đều thực hiện sáng tạo các mẫu đồ dùng, đồ chơi từ nguyên liệu phế thải, tạo các góc mở cho trẻ được hoạt động, phát triển về nhận thức, tình cảm, kinh nghiệm xã hội… Qua đánh giá, tỷ lệ trẻ phát triển về nhận thức, tình cảm, kinh nghiệm xã hội đạt từ 96% trở lên.

Trẻ làm đồ chơi, đồ dùng học tập từ những nguyên vật liệu tận dụng.

Trẻ làm đồ chơi, đồ dùng học tập từ những nguyên vật liệu tận dụng.

Đẩy mạnh việc lồng ghép giáo dục các nội dung, kiến thức về chủ đề bảo vệ môi trường đến trẻ mầm non, ngành giáo dục Thuận Châu tiếp tục chỉ đạo các trường học chú trọng nghiên cứu, đưa ra nhiều cách làm hay, sáng tạo để sử dụng hiệu quả rác thải nhựa, phế phẩm qua sử dụng vào việc trang trí khuôn viên trường lớp và làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ việc dạy và học… góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho trẻ trước khi bước vào các bậc học tiếp theo.

Lò Thái - Minh Ngọc

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/giao-duc-tre-em-y-thuc-bao-ve-moi-truong-iYQB3nAHg.html
Zalo