Giáo dục toàn diện, tạo hứng thú khi trò học các môn nghệ thuật

Với định hướng giúp học sinh phát triển toàn diện, việc tổ chức dạy các môn nghệ thuật trong trường tại Quảng Bình từng bước được cải thiện.

Buổi sinh hoạt văn nghệ dân gian của Câu lạc bộ "Em yêu làn điệu dân ca” tại Trường TH Nhân Trạch.

Buổi sinh hoạt văn nghệ dân gian của Câu lạc bộ "Em yêu làn điệu dân ca” tại Trường TH Nhân Trạch.

Môn Âm nhạc, Mỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh nâng cao kiến thức, khơi gợi niềm đam mê, định hướng nghề nghiệp. Thực tế, không ít cơ sở giáo dục tại Quảng Bình vừa là nơi truyền thụ kiến thức, vừa là không gian văn hóa nghệ thuật của trò.

Khơi gợi khiếu thẩm mĩ

Khởi động đầu giờ, học sinh Trường TH số 2 Ba Đồn (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) ngân lên những lời ca trong trẻo, vui tươi. Âm thanh đó dứt hẳn cũng là lúc cả thầy trò bắt đầu tiết học của mình.

 Thay vì vẽ độc lập, học sinh Trường TH số 2 Ba Đồn được thầy giáo hướng dẫn trao đổi và làm việc nhóm.

Thay vì vẽ độc lập, học sinh Trường TH số 2 Ba Đồn được thầy giáo hướng dẫn trao đổi và làm việc nhóm.

Thay vì học Mỹ thuật trong phòng, học sinh lớp 5 xếp hàng rồi từ tốn ra sân. Các em được quan sát mọi vật, nhìn từng khoảng sân, sờ từng gốc cây trước khi thực hiện tác phẩm tranh của mình.

Tùy từng chủ đề để thầy cô hướng dẫn học sinh vẽ độc lập hoặc làm việc theo nhóm. Khi gặp vấn đề chưa hiểu, các em chủ động giơ tay để được giáo viên hỗ trợ. Hoàn thành xong xuôi, học sinh mạnh dạn chia sẻ về bức tranh để thầy và các bạn góp ý.

 Phòng học Mỹ thuật tại Trường TH số 2 Ba Đồn được trang trí bằng nhiều tác phẩm tranh do chính thầy và trò thực hiện.

Phòng học Mỹ thuật tại Trường TH số 2 Ba Đồn được trang trí bằng nhiều tác phẩm tranh do chính thầy và trò thực hiện.

Theo thầy giáo Nguyễn Thành Trung (giáo viên Mỹ thuật, Trường TH số 2 Ba Đồn), cách dạy này vừa giúp học sinh có không gian sáng tạo, tăng khả năng quan sát, kết nối với thiên nhiên, vừa tạo động lực và hứng thú trong học sinh.

“Chúng tôi không đào tạo họa sĩ mà chỉ khơi dậy sự đam mê, năng khiếu trong các em. Thực tế rằng, khi dạy Mỹ thuật theo chương trình GDPT 2018, chúng tôi thấy học sinh say mê, hứng thú hơn, có lẽ vì các em được học theo chủ đề nên gần gũi và dễ hiểu”, thầy Trung cho biết.

Học sinh Trường THCS Đại Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được học Mỹ thuật trong phòng riêng. Ở đó được trang bị khá đầy đủ thiết bị phục vụ việc học như bút, cọ hay giá vẽ. Bước vào phòng học, các em như được khám phá một không gian mới, bắt mắt, thú vị.

Ngoài phương pháp dạy truyền thống, thầy giáo Võ Hùng Cường (giáo viên Mỹ thuật, Trường THCS Đại Trạch) luôn tìm tòi và sáng tạo thêm các hình thức dạy học mới, trong đó ưu tiên hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận với hình thức thực hành sáng tạo, vận dụng các chất liệu, vật liệu xung quanh.

“Nhà trường luôn khuyến khích học sinh vận dụng mỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn, chẳng hạn như việc hướng dẫn học sinh vẽ sơ đồ tư duy khi học Toán, gợi ý các em tự làm thiệp tặng mẹ nhân ngày 20-10, thậm chí là những cuộc thi tài năng về vẽ”, thầy giáo Võ Hùng Cường cho biết.

Đưa nghệ thuật dân gian vào trường

Tưởng rằng những làn điệu hò khoan, chèo cạn chỉ ăn sâu vào tâm thức những người dân gạo cội tại làng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), ấy vậy mà nay, nét văn hóa độc đáo này hiện diện bên trong một ngôi trường tiểu học.

Trong tà áo dài truyền thống nhiều màu sắc, các nghệ nhân dân gian của Câu lạc bộ (CLB) văn hóa truyền thống xã Nhân Trạch đến Trường TH Nhân Trạch từ sớm. Không ai bảo ai, từng người một đứng vào đội hình. Cả cô, trò và các nghệ nhân cùng nhau ngân lên những câu hát, điệu hò nhịp nhàng. Không khí buổi sinh hoạt CLB bỗng vui tươi, rộn ràng hơn.

 Các nghệ nhân chia sẻ cách gõ phách, luyến láy, hướng dẫn học sinh thực hành các động tác chèo cạn.

Các nghệ nhân chia sẻ cách gõ phách, luyến láy, hướng dẫn học sinh thực hành các động tác chèo cạn.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thảo (giáo viên Âm nhạc, Trường TH Nhân Trạch), học sinh đã quá quen với sự xuất hiện của các nghệ nhân trong tiết Âm nhạc hay buổi sinh hoạt của CLB “Em yêu làn điệu dân ca” của trường.

“Các nghệ nhân trực tiếp hướng dẫn học sinh cách hát, luyến láy, thực hành các động tác chèo cạn sao cho đúng với tiết tấu và tinh thần của làn điệu. Tôi cũng cảm thấy mình thật may mắn khi được học làn điệu hò khoan, chèo cạn từ các nghệ nhân này”, cô Thảo cho biết.

Khi được hỏi vì sao chọn hò khoan, chèo cạn để dạy học sinh, cô Trần Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường TH Nhân Trạch bày tỏ, với mong muốn làm một điều gì đó thiết thực, ý nghĩa để gìn giữ, lưu truyền những nét đẹp văn hóa cho thế hệ trẻ, cô đã động viên giáo viên Âm nhạc tiếp cận với các nghệ nhân ở địa phương nhằm học hỏi cách diễn xướng chèo cạn, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của vùng biển.

 Các nghệ nhân cùng học sinh biểu diễn chèo cạn, một hình thức văn hóa dân gian phổ biến tại Nhân Trạch.

Các nghệ nhân cùng học sinh biểu diễn chèo cạn, một hình thức văn hóa dân gian phổ biến tại Nhân Trạch.

“Nhìn học sinh say sưa hát dân ca, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào lắm. Đặc biệt, các em được tiếp cận với âm nhạc truyền thống của dân tộc, được thấm nhuần những bài học đạo lý, nhân văn sâu sắc qua từng câu hò, điệu hát”, cô Phương cho biết.

Để có những thành quả hôm nay, theo cô Phương, nhà trường đã trải qua không ít khó khăn. Giáo viên đa số đến từ những địa phương khác nên mọi thứ quá mới mẻ, phải bỏ thời gian học từ đầu. Đặc biệt, học sinh đã quen với những thể loại nhạc thịnh hành trên mạng xã hội còn những làn điệu dân ca thì mới, lạ và khó.

Giáo viên Trường TH Nhân Trạch đã cùng với các nghệ nhân lựa chọn những làn điệu phù hợp với độ tuổi học sinh như hò khoan, chèo cạn để tổ chức tập luyện. Những ngày mới bắt đầu, không ít học sinh gặp khó khăn trong cách luyến láy, nhả chữ. Nhưng dần dần, những khó khăn đó qua đi, các em như tìm được niềm vui, đam mê từ làn điệu này.

 Theo nghệ nhân Lê Thị Tuyến, truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ là cách để câu hò, điệu hát không mai một.

Theo nghệ nhân Lê Thị Tuyến, truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ là cách để câu hò, điệu hát không mai một.

Là học sinh lớp 4, nhưng em Nguyễn Thị Hoài An đã nhuần nhuyễn làn điệu hò khoan, chèo cạn. “Em thích hò chèo cạn vì nó gắn với lễ hội cầu mùa hàng năm tại quê em”, Hoài An bày tỏ.

Trước lúc chúng tôi rời đi, nghệ nhân Lê Thị Tuyến (thành viên CLB văn hóa dân gian xã Nhân Trạch) không quên gửi gắm tâm tư. Cụ mong muốn có nhiều trường học dạy các câu hò, điệu hát của làng quê để chúng không mai một, thất truyền.

Lan Nhi

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-toan-dien-tao-hung-thu-khi-tro-hoc-cac-mon-nghe-thuat-post732188.html
Zalo