Giáo dục Quảng Ninh chuyển mình trong kỷ nguyên mới: Bài 1 - Đổi mới giáo dục theo hướng mở
Tỉnh Quảng Ninh đã và đang dồn lực đầu tư để ngành giáo dục phát triển, trong đó, đổi mới giáo dục theo hướng mở, đẩy mạnh đào tạo lại phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao.
Giáo dục Quảng Ninh nỗ lực phát triển trong kỷ nguyên mới
Quảng Ninh đồng hành với xu thế phát triển giáo dục theo hướng mở, công bằng, khuyến khích học tập suốt đời
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu phát triển giáo dục đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Mục tiêu này hướng tới việc phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn minh nhân loại, nhằm xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm vào việc giáo dục đạo đức, phát triển nhân cách, tối đa hóa tiềm năng và khả năng sáng tạo của từng cá nhân, góp phần thực hiện mục tiêu chung là xây dựng một xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Để đạt được điều này, hệ thống giáo dục cần được định hướng theo hướng mở, công bằng, khuyến khích học tập suốt đời, tiến tới tiêu chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Hòa mình trong dòng chảy đó, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Ninh đang từng bước đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm tạo ra bước đà chuyển mình trong kỷ nguyên mới.
Đồng hành với xu thế phát triển chung của đất nước, Quảng Ninh cũng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Với mức sống ngày càng được nâng cao và dân số trẻ dồi dào, Quảng Ninh hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, phát triển các vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế vào năm 2045.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng dân số là một trong những khâu đột phá. Trong đó, cải cách giáo dục toàn diện là giải pháp then chốt để hiện thực hóa mục tiêu này.
Tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: ưu tiên đầu tư, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị và các vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; triển khai giáo dục STEM ở các cấp học; xây dựng "xã hội học tập".
Những thành tựu này tạo nền tảng vững chắc cho Quảng Ninh trong việc thúc đẩy và phát triển giáo dục, góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong kỷ nguyên mới.
Thành tựu bước đầu về phát triển giáo dục - nhìn từ thành phố Hạ Long
Đơn cử, Hạ Long - với vai trò là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa- xã hội của tỉnh, trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Hạ Long đã đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt trong việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Thành phố Hạ Long đã duy trì tốt tỷ lệ huy động trẻ em và học sinh đến trường, đảm bảo phổ cập giáo dục và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả. Hạ Long luôn giữ vững vị trí dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Ninh về đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.
Các hoạt động như phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, xây dựng trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục có nhiều cải tiến, đi vào chiều sâu và tính hiệu quả. Công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được chú trọng để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mới, nâng cao năng lực giáo viên, đặc biệt trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo bà Vi Thị Bích Hạnh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long, để đưa ngành giáo dục và đào tạo thành phố theo kịp sự phát triển của kỷ nguyên mới, thành phố tập trung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong đó, tập trung triển khai Chỉ thị số 38-CT/TU, ngày 5/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch số 278-KH/TU, ngày 14/11/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy; chú trọng chất lượng giáo dục - đào tạo, nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp mạng lưới trường lớp, từng bước đảm bảo theo hướng tiêu chí quốc gia và quốc tế.
Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả đề án tự chủ đối với các trường học công lập, nâng mức tự chủ đối với một số trường thuộc vùng thuận lợi. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng miền.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, tạo nền tảng hình thành lớp công dân thành phố thông thạo ngoại ngữ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030".
Công tác giáo dục - đào tạo được đặc biệt quan tâm, chất lượng giáo dục được nâng lên, Hạ Long tích cực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học; chú trọng giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, các vấn đề về xã hội.
Thực hiện tốt nội dung giáo dục thể chất, đẩy mạnh phong trào luyện tập thể dục thể thao trong các trường học góp phần tăng cường sức khỏe, phát triển toàn diện học sinh.
Tăng cường đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tăng cường công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; phân luồng sau trung học cơ sở, kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ được duy trì, giữ vững và nâng cao.
Từ đó, chất lượng giáo dục và đào tạo duy trì và được nâng cao, ngành giáo dục thành phố Hạ Long tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh về chất lượng và số lượng giải học sinh giỏi các cấp.
Tính đến hết tháng 6 năm 2024, trên địa bàn thành phố Hạ Long có 69 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 14 trường so với năm 2020); 94,6% giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo; 28,8 % giáo viên có trình độ đạt chuẩn nâng cao; tỷ lệ học sinh tiểu học được học 02 buổi/ngày đạt 96,9%.
Ngoài ra, ngành giáo dục và đào tạo Hạ Long còn tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể như việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; có giải pháp hiệu quả để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào khu vực công.
Hạ Long cũng không ngừng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng tập trung phát triển năng lực, kỹ năng, phẩm chất cho người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ. Phối hợp trong đào tạo, dạy nghề ưu tiên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm (công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ, du lịch; kinh tế biển...), nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo các ngành, nghề đáp ứng yêu cầu phát triển.
Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo lại phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp.
Qua đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho lao động, nhất là lao động trẻ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thành phố cũng ưu tiên phát triển nhà ở xã hội nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh...