Giáo dục kỹ năng công dân số bậc tiểu học ở Hải Phòng gặp khó

Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học không chỉ giúp các em tránh rủi ro từ môi trường mạng mà còn thúc đẩy tư duy sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên để triển khai tốt hoạt động này, nhiều trường tiểu học ở Hải Phòng còn gặp khó khăn.

Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học đóng vai trò quan trọng bởi lứa tuổi này thường có tính tò mò, thích khám phá và dễ tiếp thu các ứng dụng công nghệ. Việc trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ và truyền thông an toàn, đúng cách sẽ giúp các em tránh được những nguy cơ từ môi trường mạng, đồng thời phát triển tư duy logic và kỹ năng sáng tạo.

Trong năm học 2024-2025, lần đầu tiên, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hải Phòng triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số ở bậc tiểu học. Để chuẩn bị, ngành giáo dục thành phố đã tiến hành bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong chương trình học trên toàn thành phố.

Giáo dục kỹ năng công dân số ở bậc tiểu học tùy điều kiện mỗi trường mà xây dựng phương án triển khai phù hợp.

Giáo dục kỹ năng công dân số ở bậc tiểu học tùy điều kiện mỗi trường mà xây dựng phương án triển khai phù hợp.

Tại một số trường tiểu học trên địa bàn quận Hải An, trước đây, giáo dục kỹ năng công dân số thường chỉ được tích hợp trong môn tin học nhưng kể từ năm học này, được triển khai đa dạng, tăng cường hơn trong tất cả các hoạt động và được tích hợp lồng ghép trong nhiều môn học. Việc đào tạo này giúp học sinh tiếp cận công nghệ số một cách đa chiều và hiểu bài hơn.

Tại trường Tiểu học Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng, hoạt động giáo dục kỹ năng công dân số đã được triển khai đến 100% học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 5, gồm các hình thức dạy như: Tin học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 5, tích hợp kỹ năng công dân số trong các môn học và hoạt động giáo dục, cũng như hoạt động tăng cường. Để thực hiện chương trình này, giáo viên phải qua tập huấn về lồng ghép kỹ năng công dân số trong kế hoạch dạy học, đảm bảo triển khai một cách bài bản từ đầu năm học.

Cô Phạm Thị Thúy Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đằng Hải, cho biết: "Việc giáo dục kỹ năng công dân số cho bậc tiểu học cũng đặt ra không ít thách thức. Khi đưa vào thực tế, nhiều giáo viên không tránh khỏi bỡ ngỡ và khó khăn do trình độ sử dụng tin học chưa đồng đều".

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đầu tư hẳn một phòng học với trang thiết bị hiện đại dành cho môn học kỹ năng công dân số cho học sinh trong trường.

Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố đầu tư hẳn một phòng học với trang thiết bị hiện đại dành cho môn học kỹ năng công dân số cho học sinh trong trường.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố (quận Lê Chân, Hải Phòng), nhà trường đầu tư hẳn một phòng học thiết bị riêng dành cho môn học này. Các em học sinh khi đến tiết học sẽ di chuyển sang phòng học chuyên dụng. Ở đây thầy giáo sẽ soạn giáo trình, phát cho mỗi học sinh một máy tính bảng và hướng dẫn học sinh cách tra cứu, trả lời các câu hỏi mà trên màn hình chính đưa ra.

Tiểu học Nguyễn Văn Tố cũng là một trong số ít trường tiểu học ở Hải Phòng thực hiện đủ 4 hình thức hoạt động kỹ năng công dân số cho học sinh, gồm: Dạy tin học, tích hợp lồng ghép trong các môn học, tăng cường trong mọi hoạt động và hình thức câu lạc bộ. Ở bất kỳ môn học nào, các em được giáo viên hướng dẫn về cách sử dụng thanh công cụ tìm kiếm trên các trang mạng như: Youtube, Google, Bing Search... Bởi vậy mà trong mỗi tiết học, các em đã hoàn toàn chủ động tìm kiếm thông tin theo yêu cầu của giáo viên.

Cô giáo Vũ Thị Ngọc Chinh - Phó Hiệu trưởng, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, quận Lê Chân chia sẻ: "Ngay từ khi triển khai xây dựng kế hoạch, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn nghiên cứu nội dung bài học, môn học để xây dựng nội dung lồng ghép tích hợp vào trong các bài dạy, môn học nhằm đảm bảo vừa sức, mang lại hiệu quả cho người học, không gây áp lực cho cả giáo viên và học sinh, phù hợp với đối tượng học sinh ở các khối lớp. Đội ngũ giáo viên nhà trường có trình độ về chuyên môn, công nghệ thông tin và các thầy cô đã được tập huấn kỹ lưỡng bài bản nên đã hiểu rõ về tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh, dẫn đến hiệu quả của công tác triển khai rất tốt".

Theo cô giáo Lương Thị Uyên - Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Đức, Thị trấn Tiên Lãng, việc dạy giáo dục kỹ năng công dân số của trường có chút hạn chế do yếu tố khách quan như nhận thức của một số phụ huynh về công dân số đối với các môn học chưa đúng. Vì là vùng nông thôn nên điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ cho việc học này cũng khó khăn hơn ...".

Chia sẻ về những khó khăn của trường trong những ngày đầu triển khai kỹ năng công dân số, cô giáo Phạm Thị Duyến - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng cho biết: "Trong tháng 9, tháng 10 năm 2024 khi nhà trường chưa có giáo viên tin học buộc phải trưng dụng giáo viên từ trường khác trên địa bàn sang thỉnh giảng giúp. Kể từ tháng 11, khi được phân bổ một giáo viên môn tin học về trường thì việc triển khai dạy giáo dục công dân số thực hiện được theo 2 hình thức. Hình thức thứ nhất dạy môn tin học, hình thức thứ 2 là tích hợp trong các môn học và hoạt động giáo dục".

Do điều kiện từng trường mà việc triển khai kỹ năng công dân số có sự khác nhau cho phù hợp.

Do điều kiện từng trường mà việc triển khai kỹ năng công dân số có sự khác nhau cho phù hợp.

Cô giáo đang hướng dẫn học sinh tiếp cận môn học giáo dục kỹ năng công dân số.

Cô giáo đang hướng dẫn học sinh tiếp cận môn học giáo dục kỹ năng công dân số.

Những trường không có đủ thiết bị cho môn học thì học sinh sẽ học theo nhóm.

Những trường không có đủ thiết bị cho môn học thì học sinh sẽ học theo nhóm.

Một tiết học giáo dục kỹ năng công dân số tại trường Tiểu học Minh Đức, huyện Tiên Lãng. Ảnh: Tiến Sinh

Một tiết học giáo dục kỹ năng công dân số tại trường Tiểu học Minh Đức, huyện Tiên Lãng. Ảnh: Tiến Sinh

Do thiếu trang thiết bị nên thường các trường sẽ bố trí học chung máy. Ảnh: Tiến Sinh

Do thiếu trang thiết bị nên thường các trường sẽ bố trí học chung máy. Ảnh: Tiến Sinh

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hải Phòng thực hiện đa dạng các hình thức giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tùy theo điều kiện cơ sở trang thiết bị và nguồn nhân lực của mình.

Một số trường bị hạn chế về trang thiết bị dạy học, khiến việc thực hiện đủ bốn hình thức giáo dục gặp nhiều khó khăn. Có trường thì nhân lực khó đáp ứng bởi giáo viên lớn tuổi, trình độ tin học, sử dụng công nghệ hạn chế... Có trường không đủ trang thiết bị, mỗi học sinh một máy tính nên việc triển khai chưa đồng bộ. Đối với những học sinh thiếu thiết bị như máy tính hoặc điện thoại kết nối internet, việc hoàn thành bài tập tại nhà cũng gây nhiều trở ngại.

Ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các phòng giáo dục địa phương đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng công dân số trong việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các nội dung và hình thức thực hiện đã được thống nhất để đảm bảo sự đồng bộ trong toàn ngành.

Việc đưa kỹ năng công dân số vào giảng dạy ở bậc tiểu học là bước tiến cần thiết trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng lòng từ ngành giáo dục, nhà trường và giáo viên, những thử thách này sẽ dần được khắc phục. Điều quan trọng nhất là đảm bảo mỗi học sinh đều được tiếp cận kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự tin bước vào kỷ nguyên số.

Minh Lý - Phương Thảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giao-duc-ky-nang-cong-dan-so-bac-tieu-hoc-o-hai-phong-gap-kho-169250121171821029.htm
Zalo