Giáo dục đại học: Nâng cao chất lượng sẽ kéo theo số lượng
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá: Năm 2024, quy mô tuyển sinh đại học đã tăng lên, đảm bảo chất lượng giáo dục. Việc này cần được duy trì, làm tốt, củng cố và nâng cao chất lượng trong thời gian tới.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đảm bảo quyền lợi thí sinh
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, trong những năm qua, công tác xét tuyển đại học, cao đẳng giữ ổn định khi không có sự thay đổi quy chế tuyển sinh; những điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và hướng tới mục tiêu đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.
Đặc biệt, việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin đã cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo, không theo tổ hợp và phương thức xét tuyển đã đơn giản hóa nhiều quá trình đăng ký của thí sinh.
Việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Ban chỉ đạo quốc gia phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, 2 nhóm trường (56 trường phía Bắc; 87 trường phía Nam) và các trường xử lý nguyện vọng độc lập để thực hiện công tác lọc ảo, hỗ trợ tuyển sinh.
Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024. Sự ổn định trong quy chế xét tuyển đại học, những điều chỉnh mang tính kỹ thuật để tăng quyền lợi thí sinh… góp phần tăng tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học.
Cụ thể, nếu số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tăng 6,9% thì số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 11,12%.
Nhưng PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chỉ ra, trong năm 2024 các trường vẫn còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và có những phương thức gây khó hiểu dẫn đến những khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn nguyện vọng, phương thức xét tuyển phù hợp. Bên cạnh đó, việc phân bổ chỉ tiêu ở từng phương thức xét tuyển theo bà Nguyễn Thu Thủy vẫn chưa thể hiện sự hợp lý và đôi khi còn gây khó khăn cho cả hệ thống.
Bên cạnh công tác tuyển sinh, công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng ngày càng được chú trọng, cải thiện rõ rệt về chất. Đội ngũ giảng viên được gia tăng cả về số lượng và chất lượng, với sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút nhân tài trong hệ thống. Năm 2024, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian là 91.297 người, cao hơn so với những năm trước. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên là giáo sư, phó giáo sư tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng.
Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng, các công trình nghiên cứu ngày càng hướng theo chất lượng thực chất; đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học trong công bố khoa học cả trong nước và quốc tế vẫn luôn chiếm vị thế chủ đạo. Thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học và ngành đào tạo của Việt Nam ngày càng được ghi nhận trên bản đồ giáo dục đại học thế giới.
Cần chuyển từ số lượng sang chất lượng
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Hệ thống Giáo dục đại học còn có nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã tạo được sự chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng, có năng lực thích ứng và tự đổi mới thành công trong giai đoạn vừa qua. Thứ trưởng nhấn mạnh vấn đề cần lưu tâm trong thời gian tới. Đó là các cơ sở giáo dục đại học tập trung chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”. Chỉ có duy trì và nâng cao chất lượng mới tiếp tục nâng cao được số lượng.
Đánh giá giai đoạn vừa qua, với sự nỗ lực của toàn ngành, quy mô tuyển sinh tăng lên, đảm bảo chất lượng, chứng tỏ niềm tin của xã hội đối với giáo dục đại học, Thứ trưởng lưu ý, việc này dứt khoát trong thời gian tới cần duy trì, làm tốt, củng cố và nâng cao chất lượng.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các cơ sở giáo dục đại học cần chuẩn bị quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn lãnh đạo chủ chốt trong thời gian tới. Tiếp tục đổi mới quản trị đại học và thực hiện nghiêm quy định của Luật giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học sớm hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu của các trường với cơ sở dữ liệu Hemis của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, thực hiện cập nhật kịp thời, nhất quán, đầy đủ dữ liệu, công việc cụ thể phục vụ thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng. Trong đó cần rà soát, đánh giá lại, đề xuất những điều chỉnh trong Thông tư hướng dẫn, tranh thủ nguồn lực của Đề án 89 để hỗ trợ tối đa các trường đại học trong việc đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các trường đại học cần tạo điều kiện tối đa cho giảng viên bằng những giải pháp hỗ trợ cụ thể. Không chỉ là vấn đề thu hút, cạnh tranh trong nước, mà còn phải phát triển, thu hút người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc. Đặc biệt trong những lĩnh vực mà đất nước cần, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghệ bán dẫn...
Liên quan đến tuyển sinh đại học, Thứ trưởng đề nghị Vụ Giáo dục đại học khẩn trương phối hợp để sớm có dự thảo hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng, cũng như công bằng cho thí sinh.
Vụ Giáo dục đại học tiếp tục phối hợp với các trường hoàn thiện chuẩn chương trình đào tạo các lĩnh vực, trình độ đào tạo để sớm ban hành. Để các chuẩn chương trình đào tạo đưa vào các năng lực cốt lõi của người công dân toàn cầu trong tương lai, như: Công nghệ số, năng lực tự học, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.