Giáo dục đại học năm 2024: Tuyển sinh khởi sắc, đào tạo cải thiện về chất
Mảng giáo dục đại học năm qua ghi dấu ấn với nhiều khởi sắc trong công tác tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học gia tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng thế giới, công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng ngày càng được chú trọng, cải thiện rõ rệt về chất.
Công tác tuyển sinh có nhiều khởi sắc
Năm 2024, số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là 1.071.393 em. Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tỷ lệ tuyển sinh đại học chính quy đạt 82,9%, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 56,89%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 47,16%.
Công tác tuyển sinh đại học năm 2024 cơ bản được giữ ổn định như năm 2023. Việc thực hiện chuyển đổi số trong toàn hệ thống và ở tất cả các khâu trong tuyển sinh đã tạo thuận lợi tối đa cho người học, thí sinh và người dân; đồng thời, đảm bảo khách quan, công bằng, tiết kiệm nguồn lực xã hội. Quy trình tuyển sinh tiếp tục được cải tiến, đảm bảo tính khoa học và hiệu quả, từ việc áp dụng công nghệ thông tin đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ thí sinh.
Theo Bộ GD-ĐT, tình hình đăng ký xét tuyển vào đại học trong những năm qua đang có chiều hướng rất tích cực, từ đó nâng cao cơ hội học tập, nâng cao dân trí nói chung và góp phần tăng cường tiếp cận đối với giáo dục đại học. Đây là cơ hội lớn để tiếp tục có nguồn bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao của đất nước, nhất là cho các ngành công nghệ cao, các ngành then chốt.
Năm 2024, thí sinh vẫn tập trung đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào các lĩnh vực đào tạo Kinh doanh và quản lý, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Công nghệ - Kỹ thuật, Máy tính và công nghệ thông tin, Nhân văn và Sức khỏe. Tuy nhiên, lĩnh vực Kinh doanh và Quản lý có xu hướng giảm, trong khi lĩnh vực Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên và Khoa học tự nhiên lại có xu hướng tăng mạnh. Trong đó, số lượng nguyện vọng đăng ký vào các ngành STEM chiếm khoảng 30% tổng số nguyện vọng của thí sinh. Tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào lĩnh vực khoa học giáo dục, Đào tạo giáo viên tăng 85% so với năm 2023.
Các cơ sở giáo dục đại học gia tăng thứ hạng trong khu vực và thế giới
Tiếp nối thành tích của những năm trước, năm 2024, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại khu vực châu Á và quốc tế tiếp tục có sự gia tăng ấn tượng.
Theo công bố của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh) về xếp hạng đại học thế giới "QS World University Rankings: Sustainability 2025" cho 1.751 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới, Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục đại học góp mặt, tăng 2 cơ sở so với năm trước. Đặc biệt, ở lần xếp hạng này, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự thăng tiến mạnh về vị trí khi được xếp hạng 325 thế giới (tăng 456 bậc so với vị trí xếp hạng trong top 781 - 790 tại kỳ xếp hạng 2024), xếp vị trí 51 của khu vực châu Á và số 1 Việt Nam.
Trong năm 2024, Việt Nam còn có 17 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng hàng đầu châu Á của QS, trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 200; 9 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới của Tổ chức Times Higher Education (THE), trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 1000; 13 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của THE.
Số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2024, số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Tính đến ngày 31.7.2024, theo tiêu chuẩn trong nước, có 268 cơ sở đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kỳ 1 (trong đó, có 242 cơ sở giáo dục đại học và 22 trường Cao đẳng sư phạm) và 116 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành tự đánh giá chu kỳ 2; 193 cơ sở giáo dục đại học và 11 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 1.
Có 1.777 chương trình đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó, có 1.535 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài) và 1.371 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ GD-ĐT ban hành.
Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 11 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES), AUN-QA, FIBAA, QAA; 544 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.
Việt Nam có 19 nhà khoa học vào bảng xếp hạng thế giới 2024
Năm 2024, các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Số lượng các công trình khoa học công bố quốc tế của các trường đại học Việt Nam ngày càng tăng; nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu khoa học được chuyển giao công nghệ, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Đặc biệt, theo công bố tại website research.com (cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới) về kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc nhất năm 2024, có 19 nhà khoa học là người Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng ở 10 lĩnh vực, tăng hơn so với năm học trước. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đứng đầu với 4 nhà khoa học.
Trước đó, website Research.com đã xem xét dữ liệu của gần 170.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới và phân chia thành 26 lĩnh vực để xếp hạng.
Kết quả này đã phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới. Đồng thời, cũng cho thấy cần đầu tư hơn nữa cho các nhà khoa học, cho các nhóm nghiên cứu mạnh, cho các trường đại học mũi nhọn trọng điểm, để khoa học công nghệ Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực và trình độ quốc tế, hội nhập mạnh mẽ hơn với khoa học của thế giới.
Các cơ sở giáo dục đại học tăng cường rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm qua, các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động, tăng cường rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, các trường đã chú ý việc thành lập và kiện toàn hội đồng trường; hoàn thiện cơ cấu tổ chức và tính pháp lý của các phân hiệu; hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế làm việc của hội đồng trường và các quy định nội bộ khác của nhà trường; từng bước chuyển đổi hệ thống quản lý theo các bộ tiêu chuẩn; triển khai các hệ thống quản lý tác nghiệp tập trung;… coi đây là công cụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị đại học.
Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị đại học theo hướng hiện đại cho các thành viên hội đồng trường, các cán bộ chủ chốt để quản lý, quản trị hiệu quả và thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Năm học 2023-2024, cả nước có 171/174 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập hội đồng trường (đạt tỷ lệ 98,3%); trong đó, có 36/36 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ GD-ĐT và 58/60 cơ sở giáo dục đại học tư thục đã thành lập Hội đồng trường. Một số trường chủ động xây dựng đề án vị trí việc làm, chủ động trong công tác tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc với những giảng viên có trình độ tiến sĩ và có năng lực nghiên cứu; sắp xếp, cơ cấu lại và giảm biên chế tuyển dụng các vị trí viên chức hành chính và lao động phục vụ.
Đội ngũ giảng viên được gia tăng cả về số lượng và chất lượng, với sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút nhân tài trong hệ thống. Năm 2024, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian là 91.297 người, cao hơn so với những năm trước. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên là giáo sư, phó giáo sư tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng.
Đẩy mạnh tự chủ đại học
Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục đại học là một chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Năm 2024, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, nhiều trường đại học đã chủ động tận dụng được lợi thế trong việc huy động nguồn lực từ xã hội, đa dạng hóa nguồn thu phục vụ cho phát triển nhà trường thông qua các dịch vụ đào tạo, chương trình đào tạo chất lượng cao và có tính hội nhập; tăng tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.
Nhờ đó, diện mạo của các trường đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực, cơ sở vật chất được tăng cường; đời sống vật chất của đội ngũ cán bộ, giảng viên của các nhà trường có nhiều cải thiện, các cơ sở giáo dục đại học có điều kiện tốt hơn để thu hút giảng viên có trình độ cao, năng lực tốt. Việc đầu tư phát triển môi trường học thuật, nâng cao năng lực đội ngũ được chú trọng đẩy mạnh.
Năm học 2023-2024, đã có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 13,79% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên. Số trường chưa bảo đảm chi thường xuyên nhưng có kế hoạch tự đảm bảo chi thường xuyên trong thời gian sắp tới chiếm khoảng 16,38%. Tỷ lệ các trường đang được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên rất thấp (chỉ chiếm 3,45%).
Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ. Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học. Đồng thời, đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.
Bộ GD-ĐT đánh giá, tự chủ đại học đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm và thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh.