Giáo dục Bảo Thắng đổi mới để phát triển toàn diện

Trong những năm qua, huyện Bảo Thắng thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với tư duy mới, sáng tạo trong chỉ đạo chuyên môn, Trường Tiểu học số 2 thị trấn Phố Lu đã có nhiều giải pháp trong thực hiện quản lý giáo dục; chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đứng trước yêu cầu đổi mới ngày càng cao, bên cạnh sự quan tâm của ngành, của địa phương cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục, tập thể nhà trường đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục nói chung và phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt” nói riêng.

Kết quả là trường đã gặt hái được nhiều kết quả, được đánh giá là trường trọng điểm về chất lượng giáo dục của huyện Bảo Thắng. Trong năm học 2023 - 2024, trường có 1 học sinh đoạt giải Ba trong kỳ thi Trạng nguyên Tiếng Việt cấp quốc gia, 10 học sinh đoạt giải tại kỳ thi Toán học sinh giỏi ASMO cấp quốc gia. Tại các kỳ thi cấp tỉnh và huyện, trường cũng đạt thành tích cao với 168 học sinh đoạt giải cấp tỉnh và 216 học sinh đoạt giải cấp huyện.

Xác định đổi mới cần đồng bộ các yếu tố, Trường THPT số 1 Bảo Thắng đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ từ xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, tổ chuyên môn tới việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức giờ dạy và kiểm tra, đánh giá kết quả học sinh; xây dựng kế hoạch giáo dục tinh giản phù hợp với điều kiện của nhà trường và tình hình thực tế. Nhà trường chỉ đạo giáo viên kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh bằng nhiều hình thức, thông qua đánh giá quá trình học tập, các sản phẩm học tập của học sinh, các dự án, sản phẩm STEM. Thầy giáo Lê Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Thắng khẳng định: Chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường từng bước nâng cao. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt gần 100%; số học sinh đỗ đại học đạt 30 - 45%; số học sinh học nghề tăng, đạt gần 30%. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn...

Bảo Thắng là huyện vùng thấp của tỉnh với 18 dân tộc chung sống. Toàn huyện có 73 trường, 1 trung tâm giáo dục thường xuyên với 1.035 lớp, hơn 29.000 học sinh các cấp. Triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng, triển khai thực hiện tốt Đề án số 05 của Huyện ủy về đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục, khoa học - công nghệ huyện Bảo Thắng, giai đoạn 2020 - 2025.

Đến hết năm 2023, huyện có 68/73 trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất. Trong giai đoạn này, toàn huyện xây mới 40 trường chuẩn, nâng tổng số lên 58 trường đạt chuẩn, chiếm 79,45%. Cùng với đó, huyện thực hiện chủ trương xóa bỏ điểm trường lẻ, đưa học sinh về học tại trung tâm để nâng cao chất lượng; chú trọng nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng học sinh giỏi, năng khiếu, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Riêng năm học 2023 - 2024, Bảo Thắng có 939 học sinh đoạt giải tại các cuộc thi cấp tỉnh, 4 học sinh đoạt giải các cuộc thi cấp quốc gia (đứng sau thành phố Lào Cai).

Bà Bùi Thị Hải Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Thắng cho biết: Cụ thể hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, huyện Bảo Thắng đã chú trọng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Quá trình xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với địa phương và đối tượng học sinh. Công tác chỉ đạo đảm bảo kịp thời, toàn diện các nội dung theo yêu cầu đổi mới. Các hoạt động đổi mới giáo dục mà địa phương triển khai tập trung vào đẩy mạnh công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ - hội nhập quốc tế.

Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo huyện Bảo Thắng sẽ thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường, lớp để tập trung đầu tư, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn ngành phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác truyền thông và tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cũng sẽ được thực hiện sâu rộng hơn, qua đó tạo đồng thuận trong đội ngũ nhà giáo, làm động lực thúc đẩy đổi mới. Đồng thời, tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn.

Thanh Huệ

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/giao-duc-bao-thang-doi-moi-de-phat-trien-toan-dien-post391789.html
Zalo