Giao dịch chứng khoán sáng 6/9: Thiếu trụ cột dẫn dắt, thị trường khó hồi phục

Áp lực bán gia tăng trên diện rộng và thiếu trụ cột dẫn dắt khiến thị trường khó hồi phục, đã khiến chỉ số VN-Index chưa thể hồi phục.

Sau 4 phiên tăng nhẹ trên vùng giá 1.280 điểm và kỳ nghỉ lễ dài ngày, thị trường đã bước vào những phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9 không mấy tích cực khi chỉ số VN-Index đảo chiều giảm. Trong phiên hôm qua ngày 5/9, VN-Inndex tiếp tục kết phiên với nến đỏ giảm điểm do áp lực điều chỉnh lan tỏa trên diện rộng.

Theo đánh giá của VCBS, vùng hỗ trợ gần nhất của thị trường là mốc 1.260 điểm và đường ADX đang vận động dưới mốc 25, cùng với thanh khoản vẫn dao động tương đối đồng đều so với các phiên trước, nên xác suất thị VN-Index giảm điểm với biên độ lớn sẽ khó xảy ra. Thêm vào đó, chỉ báo RSI và MACD tiếp tục kéo xuống vùng thấp cũng là tín hiệu cho thấy đáy mới sắp được hình thành và sẵn sàng cho các nhịp hồi phục quay trở lại.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 6/9, tâm lý nhà đầu tư vẫn giao dịch thận trọng nhưng VN-Index đã đảo chiều hồi phục sau 2 phiên giảm điểm liên tiếp. Tuy nhiên, đà tăng khá hạn chế do thiếu nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt và áp lực bán vẫn khá thường trực.

Chỉ số VN-Index giao dịch rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch. Các nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn giao dịch phân hóa với các mã tăng giảm trong biên độ khá hẹp.

Đáng chú ý vẫn là nhóm cổ phiếu bất động sản khi nhiều mã vẫn giao dịch khá khởi sắc, như SGR có thời điểm tăng kịch trần và hiện đang là mã tăng tốt nhất thị trường đạt hơn 3%, NTL tăng trên dưới 3%, các mã HHV, VCG, DC4, HDG đều đang tăng hơn 1%.

Một trong những mã đáng chú ý là BAF, trong phiên sáng nay giao dịch đột biến khi đang khớp gần 3,8 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần mức thanh khoản của trung bình 10 phiên giao dịch gần đây. Một trong những nguyên nhân chính là do hôm nay, hơn 92 triệu cổ phiếu phát hành thêm để trả cổ tức và chào bán ra công chúng cho cổ đông hiện hữu sẽ chính thức được tự do chuyển nhượng.

Sau nửa đầu phiên rung lắc nhẹ, thị trường trở lại trạng thái chìm trong sắc đỏ do áp lực bán dù không quá lớn nhưng diễn ra trên diện rộng.

Chốt phiên, sàn HOSE chỉ có 73 mã tăng và 287 mã giảm, VN-Index giảm 3,76 điểm (-0,3%) xuống 1.264,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 271,2 triệu đơn vị, giá trị 6.239,7 tỷ đồng, giảm 15,3% về khối lượng và 20,8% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 48 triệu đơn vị, giá trị 1.136,2 tỷ đồng.

Nhóm VN30 giảm nhẹ điểm với mã tăng và các mã giảm, trong đó các mã đều biến động hẹp với mức tăng giảm chỉ trên dưới 1%, với GAS tăng tốt nhất là 1%, đã đóng góp gần 0,5 điểm cho chỉ số chung, còn SSB giảm sâu nhất là 1,4%, tiếp theo là BCM và VRE cùng giảm 1,3%, MWG giảm 1,2%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu BAF vẫn giữ nhiệt sôi động, chốt phiên sáng đã khớp lệnh đột biến gần 5 triệu đơn vị, thuộc top 10 mã có thanh khoản lớn nhất thị trường, và giá cổ phiếu tăng nhẹ 0,3% lên mức 17.900 đồng/CP.

Xét về nhóm ngành, các nhóm cổ phiếu trụ cột và lớn đều điều chỉnh giảm. Trong đó, nhóm bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng sau tín hiệu hồi nhẹ đầu phiên, với các mã như DIG giảm 2,8% và khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt hơn 10,33 triệu đơn vị, NVL giảm 1,2%, DXG giảm 1,3%, PDR giảm 2,1%, VHM giảm 1% và là nhân tố tác động lớn nhất khi lấy đi gần 0,5 điểm của chỉ số chung…

Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và thép cũng hầu hết chuyển đỏ. Trong đó, các mã thuộc top sôi động nhất là HPG, VIX, SHB, MBB đều chốt phiên giảm nhẹ, hoặc “may mắn” hơn là SHB đứng giá tham chiếu.

Trên sàn HNX, thị trường giảm sâu hơn về cuối phiên do áp lực gia tăng từ nhóm cổ phiếu HNX30.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index giảm 1,49 điểm (-0,64%) xuống 233,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,7 triệu đơn vị, giá trị 320,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,34 triệu đơn vị, giá trị 48,27 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chốt phiên giảm gần 6 điểm khi có tới 21 mã giảm và chỉ còn DVM, DXP, SLS giữ được sắc xanh. Trong đó, các cổ phiếu chứng khoán thuộc top giảm sâu hơn, như SHS giảm 1,9%, MBS giảm 1,8%, BVS giảm 1,5%... Cặp đôi SHS và MBS sôi động nhất thị trường, với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 3,2 triệu đơn vị và 1,31 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là cặp đôi vừa và nhỏ VTZ và DVM có thanh khoản thuộc top 10 mã dẫn đầu khi khớp trên dưới nửa triệu đơn vị, trong đó chốt phiên VTZ tăng 4,1% và DVM tăng 2%.

Trên UPCoM, thị trường không giữ nổi sắc xanh và cũng đã đảo chiều điều chỉnh nhẹ về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,38 điểm (-0,41%) xuống 93,09 điểm với 92 mã tăng và 128 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17 triệu đơn vị, giá trị 204,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 29 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 2,67 triệu đơn vị giao dịch thành công, nhưng chốt phiên tiếp tục giảm 1,7%, xuống mức 22.800 đồng/CP. Trong khi đó, mã cùng ngành là OIL chốt phiên giảm 4,2% xuống mức 13.700 đồng/CP và khớp lệnh 1,22 triệu đơn vị.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-69-thieu-tru-cot-dan-dat-thi-truong-kho-hoi-phuc-post353176.html
Zalo