Giao dịch chứng khoán chiều 23/9: Cổ phiếu ngân hàng phản ứng với lãi suất tăng, VN-Index về gần mốc 1.200 điểm

Trong khi nhóm bảo hiểm vẫn ngược dòng dậy sóng, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán gia tăng sức ép, đẩy VN-Index về gần mốc 1.200 điểm.

Bên cạnh những ảnh hưởng từ những biến động bên ngoài, chiều qua (22/9), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1% so với mức lãi suất cũ. Điều này có thể tác động xấu đến chứng khoán trong nước do sẽ có một lượng tiền tiếp tục được chuyển qua kênh tiết kiệm ngân hàng, làm suy yếu dòng tiền của thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, việc tăng lãi suất đầu vào và cố gắng giữ nguyên lãi suất cho vay nhằm ổn định tình hình vĩ mô, có thể khiến các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận. Trong khi đó, hiện nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm có đóng góp lớn nhất tới chỉ số chung của thị trường chứng khoán.

Và không nằm ngoài những lo ngại trên, thị trường chứng khoán trong nước phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 23/9 cũng có diễn biến điều chỉnh giảm cùng chiều với thị trường thế giới. Chỉ số VN-Index biến động lình xình giằng co nhẹ trong gần suốt cả phiên rồi nới rộng đà giảm khi tạm dừng phiên sáng để mất mốc 1.210 điểm và cũng là mức thấp nhất trong phiên.

Bước sang phiên chiều, thị trường vẫn giao dịch ảm đạm. Diễn biến giằng co của bên mua và bên bán khiến VN-Index duy trì trạng thái lình xình quanh mốc 1.210 điểm trong hơn 1 giờ giao dịch.

Sau đó, dường như bên bán tỏ ra mất kiên nhẫn đã gia tăng sức ép lên thị trường, đặc biệt là gánh nặng đến từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã khiến VN-Index lùi sâu hơn khi để mất hơn 11 điểm và về gần mốc 1.200 điểm.

Mặc dù chỉ số VN-Index một lần nữa bảo toàn được vùng cản tâm lý mạnh 1.200 điểm nhưng thị trường đã phát đi những tín hiệu khá tiêu cực như áp lực bán trên diện rộng khiến hầu hết các nhóm ngành đều mất điểm (và nếu không nhận được hỗ trợ mạnh từ nhóm bảo hiểm thì thị trường còn giảm sâu nữa); đặc biệt là thanh khoản vẫn duy trì ở mức rất thấp, chỉ đạt hơn 10.000 tỷ đồng.

Chốt phiên, sàn HOSE có 162 mã tăng và 287 mã giảm, VN-Index giảm 11,42 điểm (-0,94%) xuống 1.203,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 485,4 triệu đơn vị, giá trị 11.293 tỷ đồng, tăng 2,5% về khối lượng nhưng giảm 3,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,17 triệu đơn vị, giá trị 1.353,56 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn đóng vai trò là gánh nặng chính của thị trường khi giảm hơn 13,5 điểm, với việc ghi nhận 27 mã giảm và chỉ còn 2 mã tăng, 1 mã đứng giá tham chiếu là SAB.

Ở bộ đôi đi ngược thị trường, cổ phiếu bảo hiểm BVH vẫn duy trì mức tăng tốt khi kết phiên tăng 5,8% lên mức 58.400 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4,4 triệu đơn vị; còn GAS tăng 1,4% lên 112.500 đồng/CP.

Bên cạnh BVH, các cổ phiếu khác trong nhóm bảo hiểm cũng bảo toàn đà tăng mạnh. Cụ thể, BMI và MIG vẫn tăng trần cùng lượng dư mua trần 0,3-0,4 triệu đơn vị; BIC tăng 4,1%, PGI tăng 2,8%, PVI tăng 3,46%...

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ MSB và OCB tăng nhẹ, còn lại vẫn chìm trong sắc đỏ. Trong đó, cổ phiếu lớn VCB giảm sâu nhất khi để mất 2,7%; các mã khác như BID, CTG, TCB, VPB, SHB, MBB… giảm hơn 1%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn cùng nhịp đập thị trường với hàng loạt mã tìm về vùng giá thấp nhất phiên, như HCM giảm 2,57%, SSI giảm 2,13%, VCI giảm 3,26%, VND giảm 2,37%, VIX giảm 3,1%... Trong đó, VND và SSI vẫn là điểm sáng giao dịch của ngành khi giữ vị trí top 5 thanh khoản thị trường, lần lượt đạt 15,95 triệu đơn vị và 10,76 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, nhiều mã như DXG, VCG, LCG, HHV, FCN đều đảo chiều giảm. Trong khi các mã lớn như VHM, VIC, NVL vẫn trong trạng thái điều chỉnh nhẹ.

Ở nhóm vừa và nhỏ, cặp đôi nhà bầu Đức HAG – HNG thu hẹp đà tăng đáng kể nhưng vẫn giao dịch mạnh. Trong đó, HAG chỉ còn tăng 0,4% lên 13.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 38,85 triệu đơn vị; trong khi HNG tăng 2,1% lên 6.400 đồng/CP và khớp 10,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng không giữ nổi sắc xanh trước áp lực bán dâng cao, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu bluechip.

Đóng cửa, sàn HNX có 74 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index giảm 1,2 điểm (-0,45%) xuống 264,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56 triệu đơn vị, giá trị 1.089 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,27 triệu đơn vị, giá trị 74,19 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu bảo hiểm vẫn tăng tốt, trong đó VNR kết phiên tăng 7,9% lên 28.800 đồng/CP, còn PVI tăng 3,46% lên 44.800 đồng/CP.

Trong khi đó, nhiều mã lớn không còn giữ được sắc xanh hoặc quay đầu giảm sâu hơn như NVB đứng giá tham chiếu; CEO, SHS, THD, IDC mất điểm…

Cổ phiếu PVS vẫn giữ mốc tham chiếu 26.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch lớn nhất thị trường, đạt hơn 5,58 triệu đơn vị. Trong khi đó, PVB có cú bứt mạnh và đóng cửa tăng 9,9% lên mức giá trần 21.000 đồng/CP, khớp lệnh gần 1,5 triệu đơn vị; còn PVC tăng 1,5% lên 20.800 đồng/CP và khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng giảm sâu hơn, trong đó, SHS giảm 1,8% xuống mức giá thấp nhất ngày 11.200 đồng/CP và khớp lệnh 5,55 triệu đơn vị, MBS và APS cùng giảm 2,8%, TVC giảm 1,3%...

Đáng chú ý, cặp đôi nhỏ BII và AMV vẫn giữ vững sắc tím với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 3 triệu đơn vị, thuộc top 5 mã thanh khoản tốt nhất thị trường.

Trên UPCoM, mặc dù chủ yếu thời gian phiên chiều thị trường giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng may mắn hồi phục về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,05%), lên 88,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,87 triệu đơn vị, giá trị 572,09 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,48 triệu đơn vị, giá trị 195,44 tỷ đồng.

Bộ 3 gồm BSR, C4G, PVX vẫn là các mã giao dịch sôi động nhất thị trường. Trong đó, BSR kết phiên tăng 2,7% lên 22.800 đồng/CP và khớp 8,66 triệu đơn vị; C4G tăng 2,9% lên 14.400 đồng/Cp và khớp 4,9 triệu đơn vị; PVX tăng 2,4% lên 4.200 đồng/CP và khớp 2,6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu khác nhóm dầu khí là OIL cũng giữ được đà tăng khi kết phiên đứng tại mức 12.200 đồng/CP, tăng 2,5% và khớp lệnh xấp xỉ 1 triệu đơn vị.

Một số mã nhỏ như DTE, KSH, HLA, GTT kết phiên tăng trần và khớp lệnh trên dưới 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều mất điểm, với VN30F2210 giảm 15 điểm, tương đương giảm 1,2% xuống 1.210 điểm, khớp lệnh hơn 280.780 đơn vị, khối lượng mở 50.566 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ vẫn chi phối, trong đó, dẫn đầu thanh khoản là CSTB2211 khớp 1,87 triệu đơn vị, kết phiên đứng giá tham chiếu 320 đồng/CQ. Tiếp theo đó là CVHM2210 khớp 1,24 triệu đơn vị, kết phiên giảm 7,7% xuống 120 đồng/CQ.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-23-9-co-phieu-ngan-hang-phan-ung-voi-lai-suat-tang-vn-index-ve-gan-moc-1-200-diem-post306335.html
Zalo