Giao dịch chứng khoán chiều 13/1: Thanh khoản tăng tốt, VN-Index chỉ nhích bước

Sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip với điểm nhấn là ngân hàng vẫn là động lực chính giúp thị trường thoát hiểm và VN-Index may mắn duy trì sắc xanh nhạt phiên thứ 3 liên tiếp.

Phiên giao dịch sáng 13/1 diễn ra khá thuận lợi nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bluechip, chỉ số VN-Index biến động quanh vùng giá 1.065 điểm cùng thanh khoản cải thiện tích cực nhờ giao dịch sôi động ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường dần hạ độ cao khi nhiều cổ phiếu quay đầu điều chỉnh. Thị trường chung và nhóm cổ phiếu bluechip chuyển sang trạng thái phân hóa mạnh khiến VN-Index giật lùi về dưới mốc 1.060 điểm, thậm chí đảo chiều giảm điểm sang hơn 1 giờ giao dịch.

Tuy nhiên, lực cầu khá tốt đã giúp VN-Index thoát hiểm và lấy lại mốc 1.060 điểm trong đợt khớp lệnh ATC. Đặc biệt, dòng tiền sôi động đã giúp thanh khoản thị trường tăng tốt, cao nhất trong gần 1 tháng qua, kể từ 22/12/2022.

Thị trường đang đi ngang kéo dài, việc tăng điểm nhẹ mặc dù giúp VN-Index nhích bước qua vùng giá 1.060 điểm, tuy nhiên trạng thái không mấy tích cực khi sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn và xu hướng tăng của thị trường được bảo toàn vẫn chủ yếu nhờ sự đóng góp của nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là nhóm ngành tài chính. Với diễn biến hiện tại thì việc đoán định xu hướng thị trường các phiên tới là khó khăn, đặc biệt kỳ nghỉ lễ kéo dài đã đến gần.

Đóng cửa, sàn HOSE có 168 mã tăng và 197 mã giảm, VN-Index tăng 3,78 điểm (+0,36%), lên 1.060,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 506,4 triệu đơn vị, giá trị 8.711,7 tỷ đồng, tăng 32,35% về khối lượng và 42,28% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 194,53 triệu đơn vị, giá trị 4.505,31 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể có 134,15 triệu cổ phiếu EIB, trị giá hơn 3.421 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm ngành tài chính là điểm tựa chính của thị trường với các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm đều đóng cửa trong sắc xanh.

Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, VPB là mã tăng tốt nhất khi đóng cửa tăng 3,74% lên 19.400 đồng/CP, nhưng bộ 3 cổ phiếu lớn là VCB tăng 1,2%, BID và CTG tăng nhẹ 0,7-0,8%. Ngoài ra, một số mã khác như STB, VIB, SHB và LPB đều tăng hơn 1%, cổ phiếu có đột biến ở giao dịch thỏa thuận là EIB cũng tăng khá tốt là 3%. Trong khi đó, chỉ còn TCB giảm nhẹ 0,2%, cùng ACB và OCB giảm hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, VCI tăng tốt nhất ngành khi đóng cửa tăng 3,4% lên 27.750 đồng/CP, FTS tăng 2,9%, BSI tăng 2,2%, CTS tăng 2%, VND tăng 1,4%... trong đó, VND là một trong 3 mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 23,73 triệu đơn vị khớp lệnh; VIX cũng sôi động với hơn 14,46 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm còn lại của ngành tài chính là bảo hiểm với sự khởi sắc của BIC tăng sát trần 6,7%, MIG tăng 3,3%, PVI tăng 2,1%, tuy nhiên BVH đảo chiều giảm nhẹ 0,4%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu điện cũng có phiên giao dịch tích cực. Trong đó, GEX là một điểm sáng khi ghi nhận giao dịch đột biến trong những ngày gần cuối năm với thanh khoản tăng vọt dẫn dầu thị trường với 26,79 triệu đơn vị được giao dịch thành công và đóng cửa vẫn tăng tốt +3% lên 13.700 đồng/CP.

Ngoài ra, cổ phiếu điện khác như COM tăng 6,3%, PPC tăng 1,8%, CAV tăng 5,3%, VPD tăng 1,7%...

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu thép có phần kém tích cực hơn với bộ 3 gồm HPG, HSG và NKG đều đảo chiều giảm nhẹ gần 1%.

Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên nỗ lực giữ giá, áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường đảo chiều giảm.

Đóng cửa, sàn HNX có 66 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,32%) xuống 211,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 58,74 triệu đơn vị, giá trị 801,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,75 triệu đơn vị, giá trị 77,32 tỷ đồng.

Góp phần tích cực trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, SHS vẫn giữ sắc xanh khi đóng cửa tăng 1,1% lên 9.100 đồng/CP với thanh khoản vượt trội và dẫn đầu thị trường, đạt 18,87 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các cổ phiếu có thanh khoản tốt khác là CEO, PVS và IDC đều đóng cửa giảm từ 1-2%, với khối lượng giao dịch tương ứng 5,47 triệu đơn vị, gần 4,6 triệu đơn vị và hơn 2,97 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, sau biến động mạnh ở phiên sáng, KLF đóng cửa tại mốc tham chiếu 900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,58 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng kết phiên trong sắc đỏ sau gần 10 phút mở cửa thuận lợi đầu phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,14%), xuống 72,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,74 triệu đơn vị, giá trị 311,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,22 triệu đơn vị, giá trị 112,62 tỷ đồng.

Cặp đôi dầu khí BSR và OIL đều đóng cửa tăng nhẹ hơn 1%, trong đó BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 7,59 triệu đơn vị khớp lệnh, còn OIL khớp hơn 1,1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các cổ phiếu có thanh khoản tốt khác giao dịch thiếu tích cực, với PVX khớp 2,3 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 4% xuống 2.400 đồng/CP, C4G khớp hơn 2 triệu đơn vị và đóng cửa đảo chiều giảm nhẹ 0,9% xuống 11.100 đồng/CP, SBS khớp 1,58 triệu đơn vị và đóng cửa tại mốc tham chiếu 5.200 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó hợp đồng tương lai VN30F2301 đáo hạn gần nhất tăng 3,9 điểm, tương đương +0,4% lên 1.069,1 điểm, khớp lệnh gần 240.690 đơn vị, khối lượng mở hơn 49.250 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, trong đó CHPG2215 dẫn đầu thanh khoản với 1,33 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 15,8% xuống 160 đồng/CQ.

Trong khi đó, CSTB2215 có thanh khoản đứng thứ 2 đạt 1,28 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,2% lên 1.040 đồng/CQ.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-131-thanh-khoan-tang-tot-vn-index-chi-nhich-buoc-post313550.html
Zalo