'Giao' chỉ tiêu tăng trưởng dựa vào đâu?

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ về tăng trưởng kinh tế là một mục tiêu vô cùng thách thức. Năm 2024, với rất nhiều nỗ lực, nước ta chỉ tăng trưởng 7,09% so với năm 2023.

Tăng trưởng GDP từ năm 2008 đến nay chỉ có một năm duy nhất đạt 8%, đó là năm 2022, với mức tăng chính xác là 8,02%. Mức tăng mạnh mẽ có được của năm 2022 là do Việt Nam gỡ phong tỏa sau năm 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Để lấy lại mức tăng 8%, nhất là một năm đầy biến động địa chính trị như năm nay, là điều không dễ dàng. Sự quyết tâm của Chính phủ đã thể hiện rõ ở các chỉ tiêu được giao "cứng" cho từng địa phương. 63 tỉnh, thành phố đều được giao chỉ tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên. Có nghĩa, nếu tất cả các địa phương đều hoàn thành kế hoạch, thì mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chắc chắn vượt xa con số 8%.

Thực ra, tăng trưởng GRDP mỗi địa phương phụ thuộc rất lớn vào quy mô và nguồn lực tăng trưởng của địa phương đó. Ví dụ như TP. HCM là địa phương có quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn lớn nhất cả nước, tốc độ tăng hàng năm không thể cao vượt trội so với các tỉnh thành khác. Vì, về nguyên tắc, một khi thành phố đã căng mình để "lớn lên" suốt nhiều thập kỷ, để có một bộ máy vận hành ổn định, thì sự bứt phá là cực kỳ khó khăn.

Việt Nam cần nhiều năm tăng trưởng 2 chữ số để bứt phá và nâng cao đời sống người dân. Đối với các quốc gia có quy mô kinh tế lớn, thu nhập bình quân đầu người cao thì mức tăng khó có thể cao hơn được.

Tỉnh được giao chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất nước ta năm 2025 là Bắc Giang, với chỉ tiêu tăng trường 13,6%. Năm 2024, Bắc Giang đã có mức tăng trưởng cao nhất cả nước, ở mức 13,8%.

Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đứng thứ 12 cả nước sau một thời gian dài tỉnh này giữ vững mức tăng trưởng vượt trội. Bắc Giang là tỉnh có dư địa tăng trưởng lớn nhờ sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại. Với chủ trương phát triển các khu công nghiệp, năm 2024, tỉnh đã thu hút 2,23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Mô hình tăng trưởng của Bắc Giang không phải tỉnh nào cũng có thể “bắt chước” và làm theo để đạt mức tăng trưởng tương đương. Đó là những lợi thế riêng có của tỉnh này.

Việc các tỉnh hoàn thành chỉ tiêu được giao hay không, khó có thể nói trước. Nhưng để thực hiện chỉ tiêu, bản thân các tỉnh, thành phố đã tạo nên những thành quả lan tỏa. Trên phạm vi cả nước, để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng thách thức đó, người dân và những nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào những khả năng sau:

Thứ nhất, khả năng nới mức tăng trưởng tín dụng. Khi có nguồn tín dụng bơm mạnh mẽ vào nền kinh tế, việc sản xuất kinh doanh cũng như đầu tư đều có cơ hội.

Thứ hai, khả năng nới bội chi ngân sách cũng như trần nợ công. Vấn đề này cũng đã được đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên họp bất thường ngày 14/2 vừa qua.

Thứ ba, việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông nguồn vốn tư nhân.

Không phải tất cả mọi dấu hiệu đều tốt đẹp. Tuy nhiên, trong những dấu hiệu đó có cơ hội dành cho mỗi nhà đầu tư.

Minh Thư

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/giao-chi-tieu-tang-truong-dua-vao-dau-303393.htm
Zalo