Giành giật với tử thần

Trận lũ quét chưa từng có đã khiến bản Tày yên bình dưới chân núi Con Voi chìm trong đau thương, tang tóc. Hàng quan tài xếp dài, mỗi ngày lại thêm những chiếc khăn tang. Với những người đã thoát khỏi 'tử thần', không biết là may mắn hay kỳ diệu chỉ biết rằng, nếu không có sự can trường, quyết giành giật sự sống thì Làng Nủ sẽ trắng thêm màu khăn tang.

2 ngày sau trận lũ quét kinh hoàng, anh Hà Xuân Giang vẫn chưa hết bàng hoàng và không nghĩ mình còn sống. Kể lại thời khắc xảy ra trận lũ quét, anh Giang vẫn run rẩy trong nỗi sợ: “Theo thói quen, tôi dậy sớm nhất nhà để đi xem nước. Lúc này, khoảng gần 6 giờ, khi đi được một đoạn thì bỗng nghe thấy những âm thanh lạ từ phía xa vọng lại, vài giây sau có thêm tiếng nổ lớn. Trong chốc lát, nước kèm theo bùn đất bắn tung lên. Theo phản xạ, tôi nhanh chân chạy về phía trước. Khi nhìn lại phía sau, chỉ trong chốc lát, cả ngôi làng đã bị vùi lấp hoàn toàn trong bùn đất".

Lúc này, không nghĩ đến nguy hiểm, tôi và một số người trong thôn chạy theo dòng lũ với hy vọng có thể tìm kiếm được người dân trong thôn và cả vợ con của mình. Vừa gạt nước mưa lẫn nước mắt, tôi căng mắt để tìm kiếm, thấy có người bị lũ, bùn đẩy vào sát bờ, mặt mũi lấm lem, không còn nhận ra được, đang vùng vẫy, tôi và 3 người lao đến, kéo lên. Cách đó không xa phát hiện thêm 2 người đang quằn quại trong bùn đất, chúng tôi tiếp tục lao đến cứu vớt kịp thời. Do cả 3 người này bị đất, đá va đập nên chúng tôi nhặt lấy chiếc chăn lẫn trong bùn đất để làm cáng, khiêng lên khu đồi cao, cách đó khoảng 200 m. Cứu được 3 người, chúng tôi tiếp tục lao đi tìm kiếm những người khác.

Rồi điều kỳ diệu đã đến với anh Hà Xuân Giang khi có người báo tin là vợ và con của anh vẫn còn sống nhờ một người trong thôn phát hiện, kịp thời cứu vớt, đang được đưa đến Trạm Y tế xã. Anh Giang đã đội mưa, vừa đi, vừa khóc, làm sao nhanh nhất có thể để gặp vợ con. Do vợ con của anh bị chấn thương nặng nên đã được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên.

Những ngày ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên, anh Hà Xuân Giang luôn túc trực bên giường bệnh, không rời xa vợ, con. Con gái mới 3 tuổi, do chấn thương tương đối nặng nên thỉnh thoảng lại bật khóc. Mỗi khi thấy con khóc, nhìn cơ thể con với những vết trầy xước, anh Giang lại rưng rưng nước mắt và liên tục dỗ dành con.

Mấy ngày sau trận lũ quét, một người đàn ông gầy gò, sạm đen, tay cầm chiếc sào dài, dầm mưa dãi nắng, ngược theo dòng nước, vừa đi, vừa tìm kiếm người mất tích đã gây sự chú ý của không ít người có mặt tại đây. Đó là anh Hoàng Văn Luấn. Điều đặc biệt hơn cả, chính anh Luấn là một trong những người cứu vợ con anh Hà Xuân Giang khỏi trận lũ quét.

Gạt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt đen sạm vì thức trắng mấy ngày qua, anh Luấn chia sẻ: Khi tôi đang ở nhà thì nghe thấy nhiều tiếng la hét, nhìn ra dòng nước chảy cuồn cuộn kéo theo đất, đá, cây cối. Thấy vậy, tôi lao ra ngoài, cùng với một số người đang có mặt tại đây phát hiện có một trẻ nhỏ và một phụ nữ đang chới với giữa dòng. Rất may, đứa trẻ bị nước lũ đẩy dạt vào sát bờ nên anh Hoàng Quang Thiều đã kịp thời vớt lên. Còn người phụ nữ, trước nguy cơ bị nước lũ cuốn ra xa, tôi và một số người trên bờ nhặt được đoạn dây cáp viễn thông, ném ra để người phụ nữ bám chặt vào, sau đó tất cả hợp sức kéo chị vào bờ. Khi đưa được người phụ nữ lên bờ an toàn thì cũng là lúc nước lũ ập đến rất khủng khiếp, chỉ cần chậm vài giây là sẽ không biết điều gì xảy ra.

Sau khi đưa hai người lên bờ an toàn, mọi người mới biết đó là hai mẹ con, cùng trong thôn bị nước lũ cuốn trôi và người dân đã khẩn trương đưa cả hai đến Trạm Y tế xã do bị chấn thương.

So với nhiều hộ dân trong thôn Làng Nủ thì hộ anh Hoàng Văn Luấn may mắn hơn cả. Ngôi nhà của anh ở gần nhà văn hóa thôn Làng Nủ (nơi đặt Sở Chỉ huy tiền phương để tìm kiếm, cứu nạn) không bị ảnh hưởng do lũ quét.

Sống hơn nửa đời người nhưng ông Hoàng Ngọc Vinh, 56 tuổi chưa từng chứng kiến một trận lũ quét và sạt lở đất nào khủng khiếp đến vậy. Ông Vinh kể lại: “Sáng hôm đó, trời mưa nhỏ, tôi đi sửa đường dẫn nước lần bị đứt gẫy, đến khi dẫn được nước, chuẩn bị về thì thấy phía ngôi nhà mình đang ở, đất, đá và nước đổ xuống”.

Chạy thật nhanh về nhà, tôi chỉ thấy đất, đá và nước cuồn cuộn đổ về, mọi thứ đang trôi đi và dần bị nhấn chìm. Trong dòng nước lũ, nhìn thấy cánh tay một đứa trẻ giơ lên, do dòng nước chảy mạnh và xiết, tôi bất lực, chỉ biết gọi với theo: “Cháu thấy có gì nổi thì bám vào”. Cháu bé bám vào được téc nước bị móp, tuy nhiên lúc này đã trôi đi khá xa và chuẩn bị cuốn vào gầm cầu. Tôi vẫn chạy theo, trong tích tắc, kịp lôi được cháu bé lên. Cháu còn rất nhỏ, toàn bộ tay, chân và mặt mũi đều bị xước”. “Được biết, cháu đã được gia đình đưa lên bệnh viện tuyến tỉnh cứu chữa, mong cháu sớm phục hồi và sẽ quên nỗi kinh hoàng này”, ông Vinh tâm sự. Dù động viên cháu bé nhưng chính ông Vinh cũng đang gắng gượng vượt qua nỗi đau khi vợ và con trai chết trong trận lũ quét, 1 đứa cháu mất tích, nhà cũng ở không còn.

“Lúc đó, tôi thấy 2 cháu đang chới với, khi này lũ mới bắt đầu nên vợ chồng tôi tìm cách tiếp cận để đưa cả hai lên”, anh Hoàng Văn Duân kể lại.

Đúng lúc này, thấy 2 cháu bé, 1 đứa ngồi trên tấm tôn, 1 đứa đang chới với trong bùn đất, vợ chồng tôi đã khẩn trương tìm cách tiếp cận, nhưng phải mất vài phút mới đến được và kịp thời đưa hai cháu lên bờ. Hai cháu được vợ chồng ông Duân cứu khỏi tử thần là Hoàng Gia Bảo và Nguyễn Thị Tuynh. Cả 2 cháu đều bị chấn thương nặng và được đưa đi điều trị kịp thời tại bệnh viện

Lời kể của anh Duân.

Câu chuyện giành giật với tử thần, mang lại sự sống cho người dân trong cơn lũ quét tại Làng Nủ của ông Hoàng Ngọc Vinh và các anh: Hà Xuân Giang, Hoàng Văn Luấn, Hoàng Văn Duân... đã làm sáng thêm tinh thần dũng cảm, can trường, cũng như tình dân tộc, nghĩa đồng bào của người dân thôn Làng Nủ.

Vũ Thanh Nam - Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/gianh-giat-voi-tu-than-post390554.html
Zalo