Giáng sinh ấm áp và an lành

Những năm gần đây, lễ Giáng sinh không chỉ là lễ trọng của đồng bào Công giáo, mà là ngày vui của đông đảo người dân. Năm 2024, không khí đón Giáng sinh rộn ràng hơn bởi kinh tế-xã hội đất nước có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào Công giáo nói riêng, của nhân dân cả nước nói chung đều được cải thiện.

Nhà thờ Lớn Hà Nội lung linh, rực rỡ sắc mầu trong đêm Giáng sinh. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Nhà thờ Lớn Hà Nội lung linh, rực rỡ sắc mầu trong đêm Giáng sinh. (Ảnh THẾ ĐẠI)

Không khí chào đón lễ Giáng sinh 2024 tràn ngập trên khắp phố phường Hà Nội. Các nhà thờ, trung tâm thương mại rộn ràng, lung linh và rực rỡ sắc mầu bởi ánh đèn trang trí, tiểu cảnh, cây thông Noel, người tuyết, hộp quà tặng… thu hút đông đảo người dân và du khách tới thưởng lãm, chụp ảnh lưu niệm.

Hòa trong dòng người hân hoan chào đón Giáng sinh ở Nhà thờ Lớn Hà Nội, gia đình ông Trần Thanh Tùng ở phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm rất háo hức, bởi đây là dịp ông Tùng gặp gỡ họ hàng, bạn hữu để cùng ngắm cảnh trí nhà thờ, phục vụ các vị chức sắc, chức việc thực hiện lễ trọng. Ông Tùng chia sẻ: Lễ Giáng sinh mang lại niềm hứng khởi không chỉ riêng cho giáo dân, nhất là năm nay, kinh tế Thủ đô và đất nước có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân nói chung, của giáo dân nói riêng được cải thiện rõ rệt.

Các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm tại khu vực Nhà thờ lớn tại Hà Nội trong đêm Giáng sinh. (Ảnh: QUỐC TOẢN)

Các bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm tại khu vực Nhà thờ lớn tại Hà Nội trong đêm Giáng sinh. (Ảnh: QUỐC TOẢN)

Tại Giáo xứ Tình Lam, xã Đại Thành (huyện Quốc Oai, Hà Nội), những ngày này, giáo dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, trang hoàng đường làng, ngõ xóm, khu vực tổ chức lễ thánh khang trang, sạch đẹp. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của bà con trong giáo xứ ổn định. Giáo dân tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới nâng cao, đóng góp tiền của và ngày công lao động, hiến đất làm đường, chung sức xây dựng xã Đại Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ngày càng giàu đẹp.

Đến thăm, chúc mừng Giáo phận Hưng Hóa (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) nhân dịp lễ Giáng sinh 2024 , Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, năm 2024, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế-xã hội; dự kiến có 23 trong số 24 chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch đề ra, trong đó 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Những thành công, kết quả nổi bật nêu trên có sự đóng góp tích cực của các tầng lớp nhân dân, trong đó đồng bào Công giáo Thủ đô luôn đồng hành với những hoạt động chung của thành phố. Đồng chí mong muốn đồng bào Công giáo sống tốt đời, đẹp đạo; chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống của địa phương; phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân tương ái, thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, tiếp tục đóng góp xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh...

Giám mục chính tòa Giáo phận Hưng Hóa Hoàng Minh Tiến cho biết, nhiều năm qua, các linh mục, tu sĩ và giáo dân của Giáo phận Hưng Hóa luôn đồng hành cùng mọi hoạt động của thành phố, tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. "Chúng tôi cảm ơn các cấp chính quyền luôn tạo điều kiện thuận lợi để giáo dân được sinh hoạt tôn giáo. Đặc biệt, cả nước đang triển khai thực hiện tư tưởng, định hướng lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", đồng bào Công giáo Thủ đô luôn sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển chung này", Giám mục Hoàng Minh Tiến bày tỏ.

Giáo dân, du khách khắp nơi đến với nhà thờ La Vang trong dịp Giáng sinh 2024. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)

Giáo dân, du khách khắp nơi đến với nhà thờ La Vang trong dịp Giáng sinh 2024. (Ảnh: LÂM QUANG HUY)

Nhà thờ La Vang thuộc xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) trong đêm Giáng sinh 2024 có hàng nghìn giáo dân đến cầu nguyện và du khách khắp nơi đến hòa mình vào không khí thiêng liêng và trang nghiêm. Nhà thờ La Vang không chỉ là trung tâm hành hương quan trọng của cộng đồng Công giáo Việt Nam, mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn của du khách. Không khí đón Giáng sinh năm 2024 tại đây vừa linh thiêng vừa đậm chất truyền thống. Chương trình canh thức Giáng sinh tại linh đài, thánh lễ vọng Giáng sinh tại nhà nguyện diễn ra mang một ý nghĩa sâu sắc và đặc biệt trong đời sống của người Công giáo.

Anh Trần Xuân Huy, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch quốc tế Hạ Long có trụ sở tại thành phố Đông Hà đưa gia đình đến đón Giáng sinh ở nhà thờ cho biết: Các bài hát thánh ca được hát bằng tiếng Việt với giai điệu dân gian, và cách bài trí cũng mang nét mộc mạc, gần gũi với đời sống. Điều này thu hút không chỉ giáo dân mà còn cả du khách trong và ngoài nước.

Nhà thờ Giáo xứ Quần Phương (huyện Hải Hậu, Nam Định) trang hoàng đón Giáng sinh. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG)

Nhà thờ Giáo xứ Quần Phương (huyện Hải Hậu, Nam Định) trang hoàng đón Giáng sinh. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG)

Tại tỉnh Nam Định, không khí đón Giáng sinh của 470 nghìn giáo dân (chiếm 25% dân số toàn tỉnh) ở hơn 710 nhà thờ xứ, nhà thờ họ cũng rất rộn ràng. Giám mục Giáo phận Bùi Chu Tôma Vũ Đình Hiệu chia sẻ, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Nam Định luôn quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành, giúp đỡ để chức sắc và giáo dân được thực hành tôn giáo. Các chức sắc Công giáo sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng hành cùng dân tộc, thực hiện phương châm "Kính Chúa, yêu nước", "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc"; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vì sự phát triển chung của tỉnh.

Từ năm 2017 đến nay, đồng bào Công giáo Nam Định đã tự nguyện hiến hơn 180 ha đất nông nghiệp, đất thổ cư, đóng góp hàng tỷ đồng, ngày công lao động để xây dựng hạ tầng nông thôn mới. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự của tỉnh có nhiều mô hình sáng tạo, mang lại hiệu quả tích cực, tiêu biểu như mô hình "Xứ, họ đạo, gia đình Công giáo gương mẫu"; "Khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội"; "Giáo xứ, họ đạo không có ma túy"... Đến nay, toàn tỉnh đã có 1.452 lượt xứ, họ đạo đạt tiêu chí "Xứ, họ đạo tiên tiến"; có 92% số giáo xứ, giáo họ đạt "An toàn về an ninh trật tự" và 98.793 lượt gia đình Công giáo đạt danh hiệu "Gia đình công giáo gương mẫu".

Cây thông Noel được làm để đón mùa Giáng sinh tại nhà thờ Giáo xứ Hà Nội, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Cây thông Noel được làm để đón mùa Giáng sinh tại nhà thờ Giáo xứ Hà Nội, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)

Tỉnh Đồng Nai có 1,2 triệu người dân theo đạo Công giáo, chiếm một phần ba dân số toàn tỉnh. Ngay từ đầu tháng 12, các nhà thờ, tuyến đường chính, ngõ xóm ở các xứ đạo đã được đồng bào trang trí rực rỡ để đón mùa Giáng sinh và năm mới. Năm 2024, các chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo ở Đồng Nai tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhất là chung tay chăm lo an sinh xã hội, góp phần quan trọng làm nên thành công chung của tỉnh. Đồng bào Công giáo đóng góp hơn 212 tỷ đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; trợ giúp người nghèo…, ủng hộ hơn 6,5 tỷ đồng giúp đỡ người dân các tỉnh miền bắc bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trong số các huyện, thành phố ở tỉnh Đồng Nai, huyện Thống Nhất có tỷ lệ đồng bào có đạo lớn nhất tỉnh, chiếm hơn 87,8% dân số toàn huyện, trong đó số người theo đạo Công giáo chiếm hơn 72%. Giáo dân đã đoàn kết vượt khó, năng động, sáng tạo đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024 và hồ sơ đang trình Trung ương xem xét, chính thức công nhận. Thành công này có được bởi hầu hết cán bộ chủ chốt cấp xã là người có đạo và tinh thần gương mẫu của hàng nghìn giáo dân là đảng viên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, Nguyễn Hữu Thắng cho biết, xã có hơn 99% số dân là người theo đạo Công giáo, giáo dân sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở. Người dân đóng góp hàng tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Thu nhập bình quân hơn 92 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn rất ít.

Tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) nhộn nhịp cảnh mua bán đồ trang trí Noel. (Ảnh: QUANG QUÝ)

Tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) nhộn nhịp cảnh mua bán đồ trang trí Noel. (Ảnh: QUANG QUÝ)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời tiết se lạnh khiến không khí chào đón Noel càng đầm ấm, hạnh phúc. Tại các tuyến đường trung tâm thành phố, khách sạn lớn, các tiểu cảnh trang trí Noel được dựng lên để người dân tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Anh Hà Minh Nam, ngụ thành phố Thủ Đức cho biết: "Các dịp cuối tuần, chúng tôi thường đưa các con đến đây chơi. Năm nay, nhiều điểm ngoài trang trí cây thông, ông già Noel còn có hệ thống phun tuyết nhân tạo càng khiến lũ trẻ thích thú. Năm nay, dù đang trong quá trình sửa chữa nhưng với việc trang hoàng hàng triệu đèn led đã biến Nhà thờ Đức Bà thành điểm chụp ảnh lý tưởng mỗi buổi tối. Nhìn từ trên cao, Nhà thờ Đức Bà trở thành điểm nhấn lung linh, rực rỡ do được phản chiếu từ ánh sáng của hệ thống đèn được bao phủ dày đặc".

Không khí đón Giáng sinh cũng ngập tràn tại các xóm đạo trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tại xóm đạo Từ Đức, xóm đạo Tam Hà, những cây thông, ông già Noel khổng lồ càng trở nên rực rỡ hơn nhờ hệ thống đèn nháy… gắn kèm. Chị Hồng Nhung, ngụ phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức chia sẻ: Mỗi dịp Noel đến, các xóm đạo tại đây luôn trang trí lộng lẫy để đón Giáng sinh. Mọi người quây quần bên nhau, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp chào năm mới.

Những ngày qua, để chung vui, chúc mừng mùa Giáng sinh 2024 và đón Tết Dương lịch 2025 an lành, lãnh đạo Trung ương, nhiều địa phương trong cả nước đã đến chúc mừng đồng bào Công giáo; mong muốn đồng bào tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/giang-sinh-am-ap-va-an-lanh-post852405.html
Zalo