Giảng dạy môn nghệ thuật trong trường học: Đậm, nhạt tùy nơi

Năm học 2024 - 2025 khép lại chu kỳ của CT GDPT 2018 nhưng nhiều địa phương, nhà trường vẫn chưa thể triển khai dạy học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Giờ học nghệ thuật của cô, trò Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội).

Giờ học nghệ thuật của cô, trò Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội).

Nhiều khó khăn

Thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, năm học 2024 - 2025, nhà trường chưa thể triển khai giảng dạy các bộ môn Nghệ thuật. Lý do bởi nhà trường đang trong thời gian xây dựng, cùng với đó là đội ngũ giáo viên chưa đủ để giảng dạy.

Theo thầy Bùi Đức Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT B Duy Tiên (Duy Tiên, Hà Nam), tổ chức dạy học môn Nghệ thuật là khó khăn với nhà trường vì không có giáo viên, phòng học bộ môn. Việc phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để tăng cường giáo viên dạy môn Nghệ thuật cũng chưa có lời giải khả thi. Vì vậy, nhà trường chưa tổ chức dạy môn học này cho học sinh.

Với đặc thù của môn học, giáo viên văn hóa không thể dạy thay thế mà buộc phải có giáo viên chuyên ngành về âm nhạc, mỹ thuật đảm nhiệm. Trong khi đó, nguồn về đội ngũ giáo viên nghệ thuật hiện không có. Một giải pháp tình thế được đưa ra để giải quyết tạm thời cho bài toán giáo viên dạy môn Nghệ thuật là tăng cường giáo viên dạy âm nhạc và mỹ thuật của cấp THCS trên cùng địa bàn hỗ trợ cho trường THPT.

Tuy nhiên, việc làm này không đơn giản bởi hiện nay các địa phương còn đang thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cấp tiểu học. Nhiều giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cấp THCS phải dạy hỗ trợ cho các trường tiểu học. Thời lượng và số tiết dạy của giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cấp THCS đã khá “căng”, nếu phải tăng cường hỗ trợ thêm cho cấp THPT sẽ khó khăn.

Không chỉ thiếu giáo viên, nhiều trường còn trong tình trạng thiếu học sinh theo học. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Vật lý là 75,4%, Hóa học 55,7%, Sinh học 44,8%, Tin học 66%, Địa lý 62,3%, Giáo dục kinh tế và pháp luật 57,9%, Công nghệ nông nghiệp 19,4%.

So với năm học trước tỷ lệ trên có thay đổi, nhưng không nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh đăng ký học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật có chiều hướng thấp hơn so với năm học trước. Cụ thể, môn Âm nhạc là 2,1% và Mỹ thuật là 1%. Một số trường mặc dù đã có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật nhưng cũng chưa thể tổ chức dạy học được do số lượng học sinh đăng ký quá ít.

 Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) tham gia biểu diễn nghệ thuật.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) tham gia biểu diễn nghệ thuật.

Những giải pháp sáng tạo

Tiên phong trong giảng dạy Âm nhạc tại thành phố Hải Phòng, cô Cao Tố Nga - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ: Giáo dục âm nhạc ở trường THPT có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực nghệ thuật và chất lượng toàn diện, đồng thời định hướng rõ ràng nghề nghiệp cho học sinh sau này.

Là ngôi trường có truyền thống với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng từng theo học như Hoàng Quý, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao... Trường THPT Ngô Quyền luôn đề cao các giá trị của nghệ thuật, mong muốn giảng dạy các môn học Mỹ thuật, Âm nhạc đến học sinh và triển khai ngay từ những năm đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10.

Cô Lộc Thị Liên - giáo viên môn Âm nhạc, Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, để triển khai hiệu quả môn Âm nhạc trong nhà trường, cần tạo nên nhiều không gian âm nhạc, giúp khơi gợi tình yêu, niềm hứng thú với âm nhạc, để học sinh được thỏa sức sáng tạo, thể hiện và phát huy năng lực âm nhạc.

Trong quá trình dạy học, cô luôn ấp ủ những dự định cho tương lai như làm thế nào để học sinh vùng núi được tiếp cận với âm nhạc hiện đại; học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có thể chơi được một nhạc cụ bất kỳ, gây dựng nên những ban nhạc ở trường phổ thông.

Đóng chân ở ngoại thành, nhưng sau 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, hơn 2000 thầy cô giáo và học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất, Hà Nội) đều biết chơi ít nhất một nhạc cụ. Nghệ thuật đã giúp học sinh tươi vui, yêu đời hơn, không còn nặng nề bởi áp lực học tập như trước.

Thầy Nguyễn Khắc Lý - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan cho biết: Giảng dạy môn Âm nhạc là thách thức với nhiều trường khi triển khai Chương trình GDPT 2018 bởi các nguyên nhân như thiếu biên chế giáo viên, cơ sở vật chất... Tuy nhiên, nhà trường đã có một sáng kiến để khắc phục khó khăn này, đó là ứng dụng công nghệ để dạy học trực tuyến.

Các tiết học luyện tập, thực hành học sinh sẽ học trực tiếp tại trường nhằm hỗ trợ và giải đáp các vấn đề luyện tập, thực hành. Các tiết lý thuyết học online dựa trên nền tảng MS Teams do nhà trường cấp tài khoản để đảm bảo chất lượng dạy, học cũng như giám sát chuyên cần.

Sau mỗi buổi học, học sinh phải làm bài tập do giáo viên giao rồi đăng lên nhóm Facebook được nhà trường quản lý. Giáo viên sẽ sửa riêng cho từng em nhằm đảm bảo không có bất kỳ học sinh nào không hiểu bài. Tất cả học sinh được kiểm tra bài một cách xác thực nhất.

Giảng dạy âm nhạc Trường THPT Everest (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cô Nguyễn Hà Giang cho rằng, giáo dục nghệ thuật luôn là phần quan trọng và được áp dụng tại môt số trường học tại Việt Nam. Các giờ học âm nhạc giúp học sinh giải tỏa áp lực học tập và trong cuộc sống, đồng thời giúp phát hiện tài năng nghệ thuật của các em.

Mong muốn học sinh được trải nghiệm âm nhạc không chỉ qua lý thuyết mà còn qua những trải nghiệm thực tế đầy màu sắc, cô đã giúp học sinh tham gia nhiều sân chơi như Liên hoan Hợp xướng, các sự kiện giao lưu văn hóa. Tại đây, cô trò được trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, giúp học sinh có điều kiện thực hành, tạo cảm hứng đối với môn Âm nhạc.

PGS.TS Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Thời gian qua, nhiều địa phương chưa quan tâm tới môn Âm nhạc và Mỹ thuật, mà chỉ quan tâm tới các môn chính như Văn, Toán dẫn đến các bộ môn này khi triển khai chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, trình độ giáo viên chưa đồng đều, chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục vênh nhau khá nhiều. Do đó, cần có chương trình bồi dưỡng, đào tạo cho các giáo viên mới đáp ứng được yêu cầu của trường phổ thông.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giang-day-mon-nghe-thuat-trong-truong-hoc-dam-nhat-tuy-noi-post713152.html
Zalo