Giằng co cuộc chiến lãi suất giữa ông Trump và chủ tịch Fed

Quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jeremy Powell đang là tâm điểm chú ý khi ông Trump liên tục thúc giục Fed hạ lãi suất để kích thích hoạt động kinh tế còn ông Powell chủ trương không vội vì lo lạm phát bùng lại đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang diễn biến bất ổn và phức tạp.

Quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jeremy Powell đang ngày càng căng thẳng xoay quanh vấn đề lãi suất - một trong những chỉ số kinh tế được quan tâm hàng đầu tại Mỹ hiện nay.

Giằng co hạ hay giữ lãi suất

Sự bất mãn của Tổng thống Trump với ông Powell vốn đã kéo dài từ trước. Chủ ý của ông Trump là muốn Fed giảm lãi suất để kích thích các hoạt động kinh tế và tăng trưởng, song ông Powell cho rằng điều này không an toàn khi lạm phát chưa ổn định và diễn biến thị trường còn khó lường.

Căng thẳng giữa ông Trump và ông Powell thêm nghiêm trọng sau phát biểu hôm 16-4 của chủ tịch Fed. Ông Powell nêu quan điểm rằng sự bất định kéo dài xung quanh chính sách tăng thuế quan của ông Trump có thể gây ra thiệt hại kinh tế lâu dài, theo đài CNN.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Fed Jeremy Powell. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Fed Jeremy Powell. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo ông Powell, trong bối cảnh này động thái tốt nhất của Fed hiện tại là giữ nguyên lãi suất cho đến khi dữ liệu kinh tế cho thấy được rõ rằng nền kinh tế Mỹ đang phản ứng như thế nào với các chính sách của ông Trump.

“Chúng ta có thể thấy mình đang ở trong một viễn cảnh đầy thách thức khi các mục tiêu kép [tỉ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát thấp] của chúng ta đang rơi vào tình trạng căng thẳng” - Chủ tịch Fed Jeremy Powell.

Ngày 17-4, Tổng thống Trump tăng áp lực thậm chí nói đến cả khả năng sa thải để chủ tịch Fed giảm lãi suất kích thích tăng trưởng kinh tế. Ông Trump đề cập quyết định giảm lãi suất cùng ngày của Ngân hàng Trung ương châu Âu và so sánh rằng ông Powell quá chậm chạp.

“Ông Jerome Powell của Fed, người luôn quá muộn và sai lầm, hôm qua lại đưa ra một bản báo cáo 'hỗn độn' điển hình! Việc sa thải ông Powell không thể chậm trễ hơn nữa!” - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.

Áp lực sa thải một lần nữa được ông Trump nói trước các phóng viên tại Nhà Trắng sau đó cùng ngày, rằng ông Powell sẽ “ra đi nếu tôi yêu cầu ông ấy phải ra đi”.

Liên tục mỗi ngày từ đầu tuần này, ông Trump cho thấy sự sốt ruột về lãi suất. Ngày 21-4, ông Trump chỉ trích ông Powell và cảnh báo rằng nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng chậm lại nếu Fed không hạ lãi suất ngay lập tức, theo hãng tin Reuters.

"Lạm phát gần như không thể xảy ra, nhưng nền kinh tế có thể chậm lại trừ khi Ngài Quá Muộn [chỉ ông Powell] hạ lãi suất ngay bây giờ. Châu Âu đã hạ lãi suất 7 lần rồi nhưng ông Powell vẫn còn chậm trễ" - ông Trump nói.

Ngày sau đó, ông Trump tiếp tục lặp lại thông điệp kêu gọi hạ lãi suất, nói rằng đây là “thời điểm hoàn hảo” để Fed hành động.

Sang ngày 23-4, ông Trump tiếp tục lên tiếng rằng ông Powell "đang giữ mức lãi suất quá cao" và cho biết có thể sẽ gọi điện chủ tịch Fed.

"Tôi tin rằng ông ấy đang mắc sai lầm khi không hạ lãi suất và tôi nghĩ rằng, với những gì chúng ta đang làm, chúng ta có thể làm tốt hơn nhiều" - ông Trump nói.

Về phần mình, ông Powell luôn tránh đề cập hay chỉ trích ông Trump, nhưng nhấn mạnh rằng Fed phải duy trì tính độc lập với chính phủ Mỹ và lưu ý rằng pháp luật Mỹ không cho phép tổng thống cách chức chủ tịch Fed, theo CNN.

Sự chú ý dồn vào cuộc họp tháng 5 của Fed

Trong bối cảnh ông Trump liên tục thúc giục ông Powell và Fed giảm lãi suất, sự chú ý đang dồn về cuộc họp dự kiến của Fed vào ngày 6 và ngày 7-5 tới để quyết định về vấn đề lãi suất.

Hiện tại, các ảnh hưởng từ chính sách áp thuế quan của Tổng thống Trump lên nền kinh tế Mỹ vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed. Thị trường việc làm ổn định. Chính vì thế, các chuyên gia kinh tế nhận định Fed có rất ít lý do để cắt lãi suất theo yêu cầu từ ông Trump.

 Các chuyên gia kinh tế nhận định Fed có rất ít lý do để cắt lãi suất theo yêu cầu từ Tổng thống Trump. Ảnh: AFP

Các chuyên gia kinh tế nhận định Fed có rất ít lý do để cắt lãi suất theo yêu cầu từ Tổng thống Trump. Ảnh: AFP

Ông Richard Clarida - cựu Phó Chủ tịch Fed từ năm 2018 đến năm 2022 - nhấn mạnh rằng cơ quan này "sẽ không có ý định chủ động cắt giảm lãi suất chỉ để tránh những gì được cho là suy thoái".

"Họ chỉ hành động sau khi đã chứng kiến rõ biến động thực sự trên thị trường lao động” - ông Clarida nói.

Bản thân chủ tịch Fed Powell và các quan chức khác của cơ quan này cũng đã làm rõ quan điểm rằng Fed sẽ chỉ quyết định cắt giảm lãi suất khi nào thấy được những dấu hiệu đáng lo ngại của nền kinh tế đòi hỏi Fed phải hành động.

Tại cuộc họp ngày 29-1, ông Powell đã xác định rằng Fed sẽ cần phải thấy “tiến triển thực sự về lạm phát hoặc một số điểm yếu trên thị trường lao động” để bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Susan Collins ngày 10-4 đã nhấn mạnh chính sách tiền tệ của Mỹ hiện tại “đang ở vị thế tốt để giải quyết nhiều tác động kinh tế tiềm tàng trong môi trường cực kỳ bất ổn này".

"Rủi ro lạm phát hiện nay cao hơn so với một năm trước, do đó, hậu quả là chúng ta có thể phải giữ chính sách chặt chẽ hơn trong thời gian dài hơn dự kiến" - Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly nói hôm 18-4.

Với các diễn biến trên, dự kiến trong cuộc họp vào đầu tháng 5 tới, Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,5% hiện tại như các chuyên gia và các nhà đầu tư kỳ vọng, bất chấp sức ép lớn từ Tổng thống Trump.

Dữ liệu lạm phát ổn định, dự báo tăng trưởng ảm đạm

Lạm phát ở Mỹ bất ngờ giảm vào tháng 3-2025, trái ngược dự đoán trước đó của các chuyên gia rằng bất ổn xung quanh chính sách thuế quan của Tổng thống Trump sẽ làm tăng áp lực giá cả.

New York Times dẫn báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố ngày 10-4 rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ tháng 3-2025 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 2,8% của tháng 2-2025 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 9-2024. Lạm phát lõi của tháng 3-2025 ở mức 2,8%, là mức thấp nhất kể từ năm 2021.

Tốc độ lạm phát ở Mỹ giảm nhẹ trong tháng 3 xuất phát từ việc giá năng lượng giảm mạnh, cùng với sự sụt giảm giá cả ở các mặt hàng liên quan đến giao thông vận tải như giá vé máy bay, bảo hiểm xe hơi,...

Trong khi đó, giá thực phẩm tại siêu thị tăng 0,5% so với tháng 2, và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý nhất, giá trứng tháng 3 tăng gần 6%, là yếu tố đóng góp lớn nhất vào mức tăng giá cả thực phẩm.

Mặt khác, tỉ lệ thất nghiệp tháng 3 ở Mỹ tăng nhẹ lên mức 4,2% từ 4,1% vào tháng 2. Thu nhập trung bình theo giờ tăng 0,3% so với tháng trước. Tiền lương hàng năm cũng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy thị trường lao động đang duy trì ổn định, theo Reuters.

Tuy những chỉ số trên mang đến tín hiệu đáng mừng cho chính quyền Tổng thống Trump, các nhà kinh tế cảnh báo rằng tin tức tích cực này khó có thể kéo dài trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan vẫn đang tiếp diễn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 22-4 đã dự báo triển vọng tăng trưởng GDP của Mỹ ở mức 1,8% vào năm 2025, giảm 0,9% so với dự báo hồi tháng 1-2025, theo đài CNBC.

IMF cũng dự báo lạm phát ở Mỹ sẽ ở mức 3%, điều chỉnh tăng cao hơn 1% so với dự báo trước đó. Điều này cho thấy tình hình kinh tế của nước Mỹ có thể sẽ diễn tiến khó lường hơn, và có thể ảnh hưởng tới các quyết định lãi suất của Fed trong thời gian tới.

TRỌNG TẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/giang-co-cuoc-chien-lai-suat-giua-ong-trump-va-chu-tich-fed-post846207.html
Zalo