Giận quá mất khôn

Những vụ việc đáng tiếc, thậm chí là án mạng, mà nguyên nhân bắt nguồn từ mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống là hồi chuông báo động, cảnh tỉnh chúng ta về cách ứng xử trong gia đình và xã hội.

Thậm chí, có vụ án mà người “đầu ấp tay gối” trở thành bị cáo và nạn nhân, để lại nỗi đau khôn nguôi cho người trong cuộc mà còn là vết thương sâu sắc cho người thân. Để tránh bi kịch không thể cứu vãn xảy ra, mỗi người cần biết nhẫn nhịn, kiềm chế để tránh những phút giây “giận quá, mất khôn”.

Giá như “cơm sôi bớt lửa…”

Sau một ngày làm việc vất vả dưới cái nắng gay gắt của tháng 6, người dân xóm Khục, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An ai nấy đều mệt nhoài nên sau bữa cơm tối đều đi ngủ sớm. Không gian làng quê chìm vào màn đêm tĩnh mịch, chỉ còn nghe tiếng côn trùng râm ran và tiếng quạt quay đều. Tuy nhiên, trong đêm khuya, tiếng hô thất thanh, gào khóc khản giọng vang lên phá tan sự im lặng, khiến người dân ai nấy đều bừng tỉnh.

Người dân bàng hoàng khi hay tin bà Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1967) trú cùng xóm đã đâm chết chồng. Vụ án mạng đau lòng khiến xóm Khục xôn xao, bởi bấy lâu nay, bà Dung được biết đến là người phụ nữ tần tảo, cam chịu, luôn vun vén cho gia đình.

Người thân của vợ chồng bị cáo Nguyễn Thị Dung ngậm ngùi đến dự phiên tòa.

Người thân của vợ chồng bị cáo Nguyễn Thị Dung ngậm ngùi đến dự phiên tòa.

Vợ chồng bà Dung và ông Q. có với nhau 2 đứa con. Hơn 30 năm chung sống, cũng như nhiều cặp vợ chồng khác, ông bà cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn, cãi vã. Nhất là mỗi lần ông Q. đi uống rượu về, do ảnh hưởng của “ma men”, ông thường có những lời nói nặng nhẹ, thậm chí là đánh vợ. Dù vậy, bà Dung luôn chọn cách cam chịu và giấu các con để gìn giữ gia đình. Thế nhưng, vụ việc xảy ra vào đêm 22/6/2024 đã đẩy gia đình vào bi kịch.

Chiều cùng ngày, ông Q. nói với vợ đưa máy cắt cỏ đi sửa nhưng đến tối vẫn chưa về. Vì thế, khi đến giờ ăn cơm, bà Dung gọi điện, nhưng người chồng bảo chưa xong việc. Sau khi ăn cơm xong, bà Dung nhiều lần gọi điện cho chồng thì ông Q. trả lời đang có việc chưa về. Đến 23 giờ, bà Dung nghe tiếng xe máy và tiếng ho, khạc của ông Q. nên biết chồng về. Tuy nhiên, do đau khớp nên không dậy được.

Lúc này, ông Q. đi vào khu vực nhà tắm và lên tiếng nói mình say rượu, nhờ bật điện. Khi thấy vợ, ông Q. trách móc vợ “chẳng biết quan tâm, không biết hỏi han xem đã ăn uống gì chưa”. Bà Dung có nói lại: “Giờ này còn đòi ăn cơm, biết mấy giờ rồi không, đã quá giờ, ai ăn nữa. Khi tôi gọi thì ông không về ăn”.

Ông Q. đuổi đánh và đá 2 phát trúng vào chân vợ khiến bà ngã xuống nền cạnh giếng nước. Bà Dung đứng dậy thì nhìn thấy con dao nên cầm lấy và nói: “Ông vào đây, vào đây”. Ông Q. trả lời: “Bà thích làm gì thì làm”, rồi tiến đến phía vợ. Khi chồng tiến đến sát cạnh thì bị bà Dung đâm 2 nhát vào người khiến ông Q. gục xuống.

Sau khi đâm chồng, bà hô hoán mọi người đến đưa ông Q. đi cấp cứu. Tuy nhiên, nạn nhân đã tử vong do suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp vì vết thương làm thủng tim, phổi… Nhận thức hành vi của mình là sai, Nguyễn Thị Dung đã đến Công an đầu thú, thừa nhận hành vi phạm tội.

Bị cáo Nguyễn Thị Dung bật khóc khi nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng.

Bị cáo Nguyễn Thị Dung bật khóc khi nghe đại diện Viện Kiểm sát đọc cáo trạng.

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên xét xử bị cáo Nguyễn Thị Dung về tội Giết người vào ngày 15/10/2024 vừa qua. Khi nghe đại diện Viện kiểm sát đọc cáo trạng, bị cáo Dung liên tục khóc nấc. Bị cáo khai rất ân hận vì hành vi của bản thân. Song bị cáo cũng trình bày với HĐXX về nỗi khổ tâm mỗi lúc chồng say rượu, nổi nóng, đánh đập. Bao biện cho hành vi của mình, bị cáo Nguyễn Thị Dung nói rằng, sau khi bị chồng đá mạnh vào hai chân nên cầm dao dọa nhưng vì mất kiểm soát nên bị cáo đã gây ra án mạng…

HĐXX phân tích cách cư xử của bị cáo không đúng, khi người chồng đang trong cơn say rượu thì bị cáo nên “cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời”, không nên đôi co. Bị cáo nên nhẫn nhịn, chờ lúc chồng tỉnh táo rồi vợ chồng nói chuyện cũng chưa muộn. Nghe những lời phân tích của HĐXX, bị cáo Dung bật khóc nức nở. “Từ ngày xộ khám, đêm nào bị cáo cũng ám ảnh, dằn vặt, không thể nào chợp mắt được. Bị cáo có lỗi nhiều lắm, ước gì giá như đêm hôm ấy nhẫn nhịn, không để hành vi mất kiểm soát thì 2 đứa con không mất bố, cháu không mất ông, bản thân không mất chồng, vướng vòng lao lý… Bị cáo xin tòa xem xét cho mình bản án thấp nhất để sớm trở về hoàn lương”, bị cáo Dung nói.

Có mặt tại tòa, hai người con của bị cáo trình bày rất đau lòng trước sự việc của bố mẹ. Dù mẹ là người gây ra cái chết của bố nhưng họ xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mẹ mình. HĐXX nhận định, trong vụ án này bị cáo được hưởng một số tình tiết khoan hồng như thành khẩn, ăn năn hối cải, ra đầu thú, phía bị hại có được xin giảm nhẹ hình phạt. Do đó, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Thị Dung bản án 8 năm tù về tội Giết người.

Giận quá mất khôn…

Vào tháng 7/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An cũng đã tuyên phạt bị cáo Võ Văn Nghĩa (sinh năm 1966), trú tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An 19 năm tù về tội giết người. Nạn nhân trong vụ án chính là vợ của bị cáo - bà Nguyễn Thị L. (sinh năm 1969). Theo cáo trạng, khoảng cuối năm 2022 vì xảy ra mâu thuẫn nên vợ chồng Nghĩa không ngủ chung mà ngủ riêng mỗi người một phòng. Đêm khuya ngày 13/3/2023, sau khi đi tập thể dục về, Nghĩa thấy vợ nằm một mình trong phòng nên vào nói chuyện “có chi bỏ qua mà sống để cho con cháu vui”. Đáp lời, bà L. nói: “Tôi với ông không còn gì nữa cả, ông sang phòng ông mà ngủ”.

Lúc này, Nghĩa nói với vợ, “không ngủ với chồng thì ngủ với ai”. Việc bà L. nói ngủ với một loài động vật khiến Nghĩa bực tức nên dọa “vậy thì tao cho biết tay”. Sau lời nói của vợ “ông làm chi thì làm đi” thì Nghĩa bỏ về phòng mình. Dù đã về phòng nằm nhưng khi nghĩ lại những lời nói của vợ, Nghĩa rất bực tức. Chỉ vì phút nóng giận mà Nghĩa “mất khôn” khi lấy dao rồi xuống tay với chính người vợ của mình. Bị đâm bất ngờ, bà L. vùng dậy kêu cứu. Dù được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong do 13 nhát dao đâm thủng phổi, đứt các xương sườn…

Dù đau đớn khi mất mẹ nhưng những người con của bị cáo Võ Văn Nghĩa vẫn mong hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bố mình.

Dù đau đớn khi mất mẹ nhưng những người con của bị cáo Võ Văn Nghĩa vẫn mong hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bố mình.

Tại phiên tòa, bị cáo Nghĩa thể hiện sự ăn năn hối lỗi, xin lỗi gia đình bên ngoại và các con tại phiên tòa. Trước biện mình của bị cáo rằng vì muốn hàn gắn với vợ để gia đình bớt căng thẳng, con cháu vui vẻ nhưng trước sự cự tuyệt của vợ khiến bị cáo không giữ được bình tĩnh dẫn đến hành vi mất kiểm soát, vị chủ tọa phân tích, không thể lấy lý do đó để giết người, nhất là người đó chính là vợ mình. Nếu cuộc sống vợ chồng căng thẳng, bị cáo có nhiều cách lựa chọn, trong đó là ly hôn. Tuy nhiên, bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Nghe những lời phân tích trên cơ sở cái lý, cái tình của HĐXX, Nghĩa cúi đầu.

Có mặt tại tòa, hai người con của bị cáo không yêu cầu bồi thường về phần dân sự, đồng thời xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bố mình. Những đứa con là người phải chịu nỗi đau lớn hơn khi vừa mất mẹ, vừa chứng kiến cảnh bố vướng vào lao lý khi tuổi đã cao…

Thực hiện quyền công tố tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An nêu quan điểm luận tội, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo là hết sức nguy hiểm cho xã hội. Bị cáo là người chồng, người cha trong gia đình, đáng lẽ phải là tấm gương để nuôi dạy các con, nhưng chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, bị cáo đã tước đi sinh mạng của vợ mình. Hành vi phạm tội của bị cáo thể hiện tính côn đồ, sự liều lĩnh, xem thường tính mạng người khác, bất chấp kỷ cương pháp luật.

Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị mức án 19 đến 20 năm tù dành cho bị cáo Nghĩa. Xem xét toàn diện vụ án, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt bị cáo Võ Văn Nghĩa 19 năm tù về tội giết người.

“Một điều nhịn, chín điều lành”

Từ những vụ án đau lòng liên quan đến mâu thuẫn gia đình, đặc biệt là giữa vợ và chồng, cần nhìn nhận sâu sắc hơn về cách ứng xử giữa con người với con người. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới các vụ án thương tâm này thường xuất phát từ việc người trong cuộc không kìm chế được sự tức giận, không làm chủ được cảm xúc của bản thân. Những vụ án cũng chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho cả xã hội về cách ứng xử giữa con người với con người, để làm sao đừng xảy ra những phút “bốc đồng” thiếu kiểm soát, mà giận quá mất khôn dẫn đến hậu quả không thể cứu vãn.

Bị cáo Võ Văn Nghĩa tại phiên tòa.

Bị cáo Võ Văn Nghĩa tại phiên tòa.

Tại các phiên tòa, khi những vụ án này được đưa ra xét xử, trước sự có mặt của đông đảo người dân dự khán, HĐXX đã nhắc nhở mọi người về cách ứng xử với nhau trong cuộc sống vợ chồng. Trong cuộc sống vợ chồng, dù có bền chặt đến đâu cũng không thể tránh khỏi đôi lúc va chạm, “bát đũa còn có khi xô”. Những mâu thuẫn hay tranh cãi trong cuộc sống vợ chồng là điều bình thường và không ai có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, không thể dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, thay vào đó vợ chồng phải biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau, hạ cái tôi của mình, yêu thương nhau nhiều hơn, sống hạnh phúc để cùng làm gương cho con cháu trong nhà.

Mỗi người cần nhẫn nhịn, “một điều nhịn, chín điều lành”, đừng vì những phút nóng giận nhất thời, mất kiểm soát mà dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đây cũng là bài học, lời cảnh tỉnh cho nhiều người; cần kiềm chế mọi mâu thuẫn, dù là nhỏ nhất, để không phải hối hận vì một phút nóng giận mà khiến bản thân và gia đình phải chịu cảnh tan vỡ, trả giá đắt là những tháng ngày tù tội…

Phương Nam

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/gian-qua-mat-khon-i750946/
Zalo