Gian nan tuyển chọn vận động viên năng khiếu
Dù đã mở rộng địa bàn, tăng chế độ thưởng nhưng công tác tuyển chọn, tìm kiếm các vận động viên năng khiếu của các trung tâm huấn luyện thể thao nói chung, các bộ môn nói riêng gặp không ít khó khăn. Những nhà tuyển quân, các huấn luyện viên vẫn phải đau đầu tìm lời giải cho bài toán tuyển chọn sau mỗi mùa tuyển vận động viên năng khiếu…
Không dễ thu hút tài năng trẻ
Nhiều năm qua, bên cạnh nguồn vận động viên trên địa bàn thành phố, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội tuyển chọn không ít tài năng thể thao từ các tỉnh ngoài, trong đó có những người đang thành danh như võ sĩ Nguyễn Thị Tâm (boxing), Nguyễn Thị Nga (bóng bàn) đến từ Thái Bình; Bùi Yến Ly (muay) từ Bắc Giang; Vũ Thị Hoa (bóng đá nữ) từ Nghệ An... Có được đội ngũ vận động viên xuất sắc như vậy là nhờ các bộ môn của thể thao Hà Nội đều có đội ngũ cộng tác viên ở các tỉnh, thành phố cũng như quận, huyện, thị xã. Tuy nhiên, do những thay đổi về quy định tài chính của ngành Thể thao Hà Nội cách đây gần chục năm nên nguồn kinh phí hỗ trợ đội ngũ cộng tác viên thể thao cơ sở đã không còn, gây ảnh hưởng đến việc tuyển sinh.
Phụ trách bộ môn muay và kickboxing Hà Nội Dương Ngọc Hải, trăn trở: “Khó khăn của chúng tôi cũng là thách thức chung của các bộ môn võ. Nhiều gia đình ngăn cấm con em theo muay và kickboxing vì sợ con khổ, suốt ngày đấm, đá sẽ không có tương lai. Thể thao lâu nay gắn với hình ảnh con nhà nghèo theo nghề để bớt khổ, khi cuộc sống được nâng cao thì phụ huynh lại định hướng con theo việc nhàn hạ. Chúng tôi đã mở rộng địa bàn, kết nối thêm “vệ tinh” nhưng khó khăn vẫn chưa được giải quyết”.
Huấn luyện viên bộ môn bóng bàn Hà Nội Lê Huy cho biết, điều khó nhất là làm thế nào thuyết phục được gia đình cho con em mình đi theo thể thao chuyên nghiệp. Nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn con mình tập rèn luyện sức khỏe thể chất và đến một giai đoạn, nhiều em chia tay để tập trung vào việc học văn hóa.
Tương tự như với công tác tuyển chọn của các môn thể thao tại Hà Nội, với bộ môn bóng đá nữ Sơn La cũng không khác nhiều. Theo huấn luyện viên trưởng Câu lạc bộ bóng đá nữ Lường Văn Chuyên (tỉnh Sơn La), bóng đá nữ ngày càng được quan tâm và hiệu ứng tấm vé dự World Cup nữ 2023 của đội tuyển nữ Việt Nam đã giúp nhiều cầu thủ thay đổi suy nghĩ, không vì cuộc sống khó khăn mà bỏ bóng đá giữa chừng. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh năng khiếu vẫn còn gặp nhiều thách thức do Sơn La nằm ở địa bàn miền núi, nhiều gia đình ở đồng bằng không sẵn lòng cho con gái tham gia tập luyện.
Tìm hướng đi đúng
Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng, lợi thế của thể thao Hà Nội trong đào tạo trẻ chính là chất lượng đào tạo đã được khẳng định trong nhiều năm qua nhờ đội ngũ huấn luyện viên giỏi nghề. Dù vẫn mong được hỗ trợ nhiều hơn về cơ chế, chính sách trong việc tuyển sinh, phát hiện tài năng ở cơ sở nhưng trước mắt, Trung tâm phải tận dụng tối đa lợi thế trong đào tạo vận động viên để các phụ huynh yên tâm cho con tập luyện trong môi trường thể thao thành tích cao Hà Nội.
Trưởng bộ môn wushu (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) Phan Quốc Vinh cho hay, một số năm gần đây, bộ môn wushu Hà Nội đã chú ý tuyển chọn những vận động viên nội dung đối kháng đã qua đào tạo ban đầu, có tố chất tốt từ một số tỉnh khác. Qua đó, mở rộng nguồn tuyển chọn, đồng thời rút ngắn thời gian đào tạo ban đầu, để vận động viên sớm có khả năng tranh huy chương quốc gia, quốc tế…
Còn Trưởng bộ môn bóng chuyền - bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) Bùi Đình Lợi cho hay: “Muốn giữ chân được các vận động viên tốt, bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn lực, cải thiện mức thu nhập thì cũng cần lo “đầu ra” cho các vận động viên sau khi đã qua thời kỳ thi đấu đỉnh cao. Vì vậy, cần quan tâm, tạo điều kiện cho vận động viên học văn hóa, theo học chuyên môn thể dục thể thao bậc đại học, được tham gia bảo hiểm xã hội... Hiện chúng tôi đang nhận được sự quan tâm từ Trung tâm trong vấn đề này và đó sẽ là thuận lợi để tuyển chọn vận động viên".
Liên quan đến vấn đề này Phó cục trưởng Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Hoàng Yến cho biết: Những năm qua, ngành Thể thao đã chủ động phối hợp với nhiều doanh nghiệp để tạo mọi điều kiện cho các vận động viên thành tích cao sau khi giải nghệ được ưu tiên xét tuyển, đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng... Ngoài ra, Cục Thể dục thể thao tiếp tục phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp tìm nguồn để hỗ trợ học nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm cho các vận động viên sau khi nghỉ thi đấu.