Gian nan hành trình đưa vaccine sởi đến với trẻ vùng biên

Để trẻ em vùng núi, biên giới được an toàn trước bệnh sởi, cán bộ y tế phải vượt khó chở vaccine đến tận từng bản, thông báo, vận động phụ huynh cho con em tiêm chủng.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận hơn 70 ca mắc sởi. Ngành y tế triển khai các biện pháp nhằm khống chế, không để từ các ca bệnh sởi bùng phát dịch.

Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ghi nhận hơn 70 ca mắc sởi.

Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình ghi nhận hơn 70 ca mắc sởi.

Cùng với việc theo dõi tình hình bệnh sởi để có các biện pháp ứng phó kịp thời, các đơn vị, địa phương cũng tăng cường thông tin, tuyên truyền người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ động phòng, chống dịch bệnh và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Quảng Bình là tỉnh có nhiều xã, huyện miền núi, biên giới. Phần lớn cư dân khu vực này là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Trong đó có công tác tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh ở trẻ nhỏ.

Dân Hóa là xã biên giới rẻo cao của huyện Minh Hóa. Địa phương này có địa hình phức tạp, đồi núi quanh co, giao thông đi lại khó khăn. Phần lớn cư dân nơi đây là bà con đồng bào Chứt, Bru – Vân Kiều. Nhận thức của bà con về việc phòng chống bệnh tật còn hạn chế.

Cán bộ y tế vùng cao nỗ lực nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh của bà con đồng bào.

Cán bộ y tế vùng cao nỗ lực nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống dịch bệnh của bà con đồng bào.

Những ngày qua, để trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn được tiêm đầy đủ vaccine sởi, cán bộ y tế phải "chạy đôn, chạy đáo". Các bản làng nằm xa trung tâm, đường xá gập ghềnh, mạng lưới thông tin còn hạn chế nên việc vận động phụ huynh đưa con em ra trạm tiêm chủng là điều khó khăn.

"Sau khi điều tra, lập danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm vaccine sởi chúng tôi chia nhau đến các bản nhờ già làng, trưởng bản, bộ đội biên phòng thông tin tới từng nhà. Các cháu độ tuổi học sinh thì phối hợp với nhà trường tổ chức tiêm tại các điểm trường", bác sĩ Cao Xuân Tiêm, Trưởng Trạm Y tế xã Dân Hóa chia sẻ.

Bác sĩ Tiêm cùng đồng nghiệp thống kê danh sách và thông báo tới phụ huynh, nhà trường để tổ chức tiêm vaccine sởi cho trẻ trong độ tuổi.

Bác sĩ Tiêm cùng đồng nghiệp thống kê danh sách và thông báo tới phụ huynh, nhà trường để tổ chức tiêm vaccine sởi cho trẻ trong độ tuổi.

Ấy vậy mà có nhiều phụ huynh vì nhận thức hạn chế nên không đưa con tới điểm tiêm. Cán bộ y tế phải đến tận nhà giải thích và tiêm vaccine cho các cháu.

"Các bản biệt lập, nằm xa trung tâm nên chúng tôi phải chạy xe máy, lội suối, băng rừng đến từng bản tiêm cho trẻ. Nhiều phụ huynh không đưa con tới điểm tiêm chúng tôi lại đến nhà tuyên truyền, giải thích và tiêm cho các cháu", bác sĩ Tiêm cho biết thêm.

Trẻ được thăm khám trước và theo dõi sau tiêm.

Trẻ được thăm khám trước và theo dõi sau tiêm.

Tại xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cũng vậy, những bản làng của đồng bào Bru – Vân Kiều cách xa, có nơi biệt lập với vùng trung tâm xã. Để vào bản Hôi Rấy, Nước Đắng chỉ có cách duy nhất là ngồi thuyền hàng giờ, xuôi dòng sông Long Đại. Với bản biệt lập Dốc Mây phải mất hơn nửa ngày trời men theo những lối mòn giữa rừng để tiếp cận. Rồi những bản xa như bản Sắt, Zìn Zìn, Ploang... cũng không dễ dàng đến nơi.

"Địa bàn xã rất rộng, các bản nằm cách xa nhau, việc đi lại rất khó khăn. Chúng tôi phải mang vaccine đến từng bản để tiêm", bác sĩ Hồ Puôn, Trưởng Trạm Y tế xã Trường Sơn chia sẻ.

Tại xã biên Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, trạm y tế xã này cũng tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động. Với bản có đường xá thuận lợi họ di chuyển bằng xe máy, bản nào khó đi cán bộ y tế phải xách từng thùng vaccine leo dốc, vượt suối.

Cán bộ y tế xách vaccine đến điểm trường ở bản xa để tiêm cho trẻ.

Cán bộ y tế xách vaccine đến điểm trường ở bản xa để tiêm cho trẻ.

Những ngày qua, 9 cán bộ, y bác sĩ của trạm lại tất tả chia nhau tới 18 bản gần xa của xã Thượng Trạch để tiêm vaccine sởi cho trẻ. Dù có nhiều vất vả, những người thầy thuốc vùng cao vẫn vui cười vì đóng góp vào việc nâng cao chất lượng sức khỏe Nhân dân.

"Ở vùng đồng bằng, người dân sẽ đến cơ sở y tế để tiêm vaccine tập trung. Nhưng ở đây, do bà con chưa hiểu hết tầm quan trọng của tiêm chủng, chúng tôi phải đến tận bản, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, sau đó tiêm cho con em. Quá trình đó, việc vận chuyển, bảo quản vaccine đúng quy trình, đảm bảo chất lượng cũng rất quan trọng", bác sĩ Phan Văn Huệ, Trưởng Trạm Y tế xã Thượng Trạch cho biết.

Hành trình chăm sóc sức khỏe cư dân vùng núi, biên giới có nhiều vất vả nhưng mang lại nhiều niềm vui, ý nghĩa trong quá trình công tác của nhiều cán bộ y tế.

Hành trình chăm sóc sức khỏe cư dân vùng núi, biên giới có nhiều vất vả nhưng mang lại nhiều niềm vui, ý nghĩa trong quá trình công tác của nhiều cán bộ y tế.

Theo bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra đối với trẻ em trong đó có bệnh sởi.

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gian-nan-hanh-trinh-dua-vaccine-soi-den-voi-tre-vung-bien-169250328210306488.htm
Zalo