Gian nan đường xuất ngoại
Khi Thanh Thúy bị CLB Kuzeyboru tuyên bố chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, người hâm mộ 4T và bộ môn bóng chuyền nói riêng cũng như thể thao nước nhà nói chung lại có thêm một nỗi buồn. Buồn vì những ngôi sao hàng đầu của thể thao Việt Nam khi xuất ngoại gặp quá nhiều gian nan và đều trở về trong 'thất bại'.
Ngày 26/8/2024, Thanh Thúy có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ để chính thức gia nhập CLB Kuzeyboru với bản hợp đồng có thời hạn 10 tháng, dự kiến kết thúc vào tháng 5/2025. Với bản hợp đồng này, chủ công của đội tuyển Việt Nam nhận mức lương không dưới 250 nghìn USD (khoảng 6 tỷ VNĐ). Người hâm mộ vui mừng cho 4T và bóng chuyền Việt Nam, không chỉ ở chế độ đãi ngộ cao “ngất ngưởng”, mà còn vui Thanh Thúy sẽ được thi đấu tại một giải VĐQG chất lượng nhất thế giới hiện nay, qua đó nâng cao trình độ cá nhân, đóng góp nhiều hơn cho đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, sau những ngày đầu gia nhập và được 2 lần ra sân thi đấu, trong đó có một trận ở CEV Cup và một trận tại giải vô địch quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, thì thời gian còn lại cái tên 4T gắn liền với băng ghế dự bị, có khi còn không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của Kuzeyboru. Và điều gì đến cũng phải đến, Thanh Thúy đã phải chính thức chia tay Kuzeyboru. Lý dokhiến đôi bên phải đi đến quyết định chia taylà do Thanh Thúy gặp chấn thương quá nhiều, không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của một trong những đội bóng hàng đầu của bóng chuyền nữ Thổ Nhĩ Kỳ ở giai đoạn quan trọng của mùa giải, hiện Thanh Thúy đã trở về với CLB VTV Bình Điền Long An. Một cái kết buồn cho tay đập hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam trên hành trình “hội nhập” sân chơi quốc tế.
Từ “câu chuyện buồn” mới đây của Thanh Thúy, chúng ta không thể không nhớ đến những cuộc “phiêu lưu” của 2 ngôi sao bóng đá hàng đầu của Việt Nam là Quang Hải và Công Phượng. Điểm chung của cả hai là những tài năng trên sân cỏ với những cú bứt phá dũng mãnh, những pha qua người “ma thuật, những đường chuyền “như đặt” và những cú sút vẽ lên “cầu vồng” khiến cho thủ môn đối phương không thể cản phá… đã làm thổn thức hàng triệu trái tim người hâm mộ. Nhưng đó chỉ là những khi cả 2 thi đấu ở các CLB trong nước hoặc đội tuyển quốc gia, còn khi thi đấu cho các CLB nước ngoài thì Quang Hải và Công Phượng chỉ là những con số 0 tròn trĩnh. Với Quang Hải, anh phải chấm dứt hợp đồng cùng CLB Pau FC - đội bóng đang chơi ở giải hạng 2 nước Phápsớm hơn một năm so với thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng. Nguyên nhân đến từ việc Quang Hải không có nhiều cơ hội thể hiện khi khoác áo Pau FC.
Còn đối với Công Phượng, anh thi đấu cho khá nhiều CLB ở nước ngoài, song “đau khổ” nhất có lẽ là thời gian thi đấu cho CLB Yokohama của Nhật Bản. Gia nhập Yokohama vào ngày 25/12/2022. Nhưng phải tới tháng 4/2023, sau nhiều trận không được đăng ký thi đấu thì Công Phượng mới có trận đấu đầu tiên cho câu lạc bộ khi được vào sân vỏn vẹn 6 giây. Sau đó tin tức về hoạt động bóng đá của Công Phượng gần như biến mất vì hơn 1 năm sau đó anh không được đăng ký thi đấu. Sau đó Yokohama thông báo Công Phượng sẽ rời câu lạc bộ và chuyển sang thi đấu cho một đội bóng ngoài Nhật Bản. Và nơi anh trở về chính là quê hương của mình: Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường xuất ngoại đầy gian nan và hầu như “thất bại” của 3 ngôi sao thể thao Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy thể thao nước nhà vẫn còn nằm trong “vùng trũng” so với thể thao thế giới. Dù cả 3 đều nổi trội ở “sân nhà” và khu vực Đông Nam Á, nhưng khi đầu quân cho các đội bóng ở những quốc gia có nền thể thao mạnh như Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật… thì những ngôi sao ấy tự nhiên “tắt lịm”. Như vậy những giải pháp đầu tư mang tính chiến lược lâu dài cho thể thao Việt Nam thực sự cần phải được đặt ra cho các nhà quản lý ngành thể thao từ Trung ương đến các địa phương, thì mới mong có ngày người hâm mộ Việt Nam được chứng kiến những ngôi sao của thể thao nước nhà tung hoành trên đấu trường quốc tế.