Gian dối trong hoạt động từ thiện có thể bị phạt tù

Những ngày qua, hình ảnh những sao kê từ thiện ủng hộ người dân vùng lũ do một số cá nhân tự chế đã làm nóng mạng xã hội. Một số người sử dụng hình ảnh đã qua chỉnh sửa để 'thổi phồng' số tiền ủng hộ, nhằm đánh bóng tên tuổi. Đáng lo ngại hơn, có người còn sử dụng hình ảnh giả mạo nhằm mục đích trục lợi tiền từ thiện từ tập thể, tổ chức quyên góp. Chỉ đến khi 'cơn bão sao kê' ập đến, các trường hợp làm giả thông tin chuyển khoản tiền từ thiện ngay lập tức bị phát hiện và gây bức xúc trong dư luận.

Thói “phông bạt” bị bóc mẽ

Ngày 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công khai 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão Yagi (bão số 3) với tổng số tiền lên tới 527,8 tỷ đồng. Trong hơn 12.000 trang sao kê này, mọi giao dịch quyên góp của người dân đều được ghi nhận chi tiết như thời gian, số tiền, nội dung chuyển khoản...

Nhiều đoàn từ thiện đã chọn phương án đến trực tiếp các địa bàn bị ảnh hưởng của bão lũ để thăm hỏi, động viên người dân.

Nhiều đoàn từ thiện đã chọn phương án đến trực tiếp các địa bàn bị ảnh hưởng của bão lũ để thăm hỏi, động viên người dân.

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Cao Xuân Thạo, Trưởng ban Phong trào (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) khẳng định, mỗi sự đóng góp về vật chất, tinh thần dù nhỏ bé của các tập thể, cá nhân với tấm lòng hướng tới đồng bào đang gặp khó khăn đều rất đáng trân quý. Theo ông Cao Xuân Thạo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ và đăng ký ủng hộ có thể thấy được sự công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí; yên tâm khi sự đóng góp của mình đã được gửi gắm đúng địa chỉ và các nguồn lực ủng hộ được sử dụng đúng mục đích, đến được với đúng đối tượng là những người dân bị thiệt hại.

Có thể thấy, giao dịch vài nghìn đồng hay vài trăm triệu đồng đều là tấm lòng chia sẻ của hàng vạn người dân gửi gắm đến đồng bào bị thiệt hại do bão gây ra. Đây là tinh thần, truyền thống chia sẻ trong lúc khó khăn hoạn nạn của người Việt. Tuy nhiên, nhờ có việc sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng mạng đã đem so sánh, đối chiếu với một số ảnh chụp màn hình chuyển khoản của các cá nhân những ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng…

Bất ngờ, cộng đồng mạng phát hiện nghi có hành vi làm giả tin nhắn chuyển tiền, có dấu hiệu ăn chặn tiền từ thiện của một số cá nhân, tập thể, tổ chức. Cụ thể, theo đối chiếu từ danh sách sao kê ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai, xuất hiện nhiều nội dung chuyển khoản mang danh nghĩa của tập thể nhưng số tiền chuyển khoản lại rất nhỏ. Hay sao kê này có nội dung thiếu “nhiều số 0” - lên đến trăm triệu đồng so với những hình ảnh mà một số người nổi tiếng đã đăng tải trên mạng.

Trong số những người bị “bóc mẽ” phải kể đến một số cá nhân, hội, nhóm có hành vi lợi dụng tình hình bão lũ để “ăn chặn” tiền ủng hộ. Trong ngày 13/9, nhiều cá nhân, quản lý các fanpage đồng loạt đăng clip, bài viết xin lỗi tới cộng đồng mạng xã hội, người theo dõi, đặc biệt là người dân cả nước, đồng thời thực hiện khắc phục, “sửa sai”. Việc sửa sai và có lời xin lỗi, dù muộn cũng còn hơn không. Tuy nhiên, những hành động này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Anh Trần Nam Hải (Thanh Xuân) cho biết, những năm qua đã dấy lên nhiều tranh cãi quanh chuyện thực chất của hoạt động cứu trợ, chuyện sao kê của những người nổi tiếng. Do đó, công khai minh bạch số tiền ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Bắc mang một ý nghĩa to lớn, vì hàng vạn người dân quyên góp tiền được trực tiếp tiếp cận bảng sao kê và cảm thấy tấm lòng của mình được ghi nhận một cách đầy đủ.

Còn chị Giang Thanh Thúy (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, việc công khai sao kê không chỉ tăng cường sự tin tưởng của cộng đồng mà còn thu hút thêm nhiều nhà hảo tâm tham gia vào các hoạt động từ thiện, ủng hộ đồng bào khó khăn vì thiên tai. Hành động chỉnh sửa hóa đơn tiền ủng hộ, đăng lên mạng để đánh bóng tên tuổi cá nhân, không làm tổn hại ai thì không bị xử phạt, tuy nhiên sẽ bị xã hội lên án, bản thân người này sẽ chịu sự phát xét của xã hội.

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hoàng (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, trường hợp người nào đó thực hiện yêu cầu của người khác chuyển tiền để thực hiện cứu trợ mà giả mạo hóa đơn, ví dụ chuyển khoản 50 triệu đồng, thực tế chỉ chuyển có 50.000 đồng để trục lợi tiền của người khác, thì đó là hành vi tham ô, sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 353 của Bộ luật Hình sự. Mức án tù có thể từ 2-7 năm khi chiếm đoạt từ 2 triệu đến 100 triệu đồng.

Trường hợp cá nhân A đưa cho cá nhân B 10 triệu đồng để góp cùng người B chuyển tiền từ thiện, nhưng người B chỉ chuyển vài trăm ngàn đồng, trong khi vẫn nhận 10 triệu đồng của người A thì người B đó bị xếp vào hành vi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị khung hình phạt cải tạo không giam giữ là 3 năm, phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm. “Trái với mục đích nhân đạo, một số đối tượng đã lợi dụng các hoạt động quyên góp, từ thiện này để trục lợi. Điều này thật đáng lên án, phê phán. Cơ quan chức năng cần chủ động vào cuộc để ngăn chặn, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có. Nhà nước cũng cần có những biện pháp kịp thời để cảnh báo lừa đảo tới người dân”, luật sư Nguyễn Hoàng nhấn mạnh.

Tương tự, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Do đó, giả sử cơ quan chức năng xác định các đối tượng có hành vi trục lợi tiền từ thiện, vi phạm pháp luật thì tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà các đối tượng có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Đối với hành vi làm giả ảnh chuyển khoản ngân hàng nhằm mục đích ăn chặn tiền từ thiện, đây là hành vi cấu thành tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi phạm tội này nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, thì người phạm tội có thể đối diện với mức án cao nhất là tù chung thân…

Dư luận mong rằng, ngoài việc công khai thông tin sao kê cứu trợ, thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục công khai, minh bạch việc phân bổ tiền cứu trợ đến các địa phương, từng hộ dân, để các tầng lớp nhân dân giám sát, đồng thời làm rõ động cơ, mục đích của những hành động thiếu trung thực trên mạng xã hội, nhằm vạch trần những ý đồ xấu.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/gian-doi-trong-hoat-dong-tu-thien-co-the-bi-phat-tu-177529.html
Zalo