Giản dị chổi tranh lươn

9 giờ sáng, sau phiên chợ ồn ã bán mua, bà Phan Thị Gái (Quảng Vinh, Quảng Điền) đã có mặt trên trảng cát trắng heo hút. Tay thoăn thoắt chiếc liềm, mắt dò tìm cụm tranh lươn xanh tốt, bà vội vàng thu hái để phơi cho kịp nắng trước khi những cơn mưa của gió mùa đông bắc tràn về.

Chổi tranh lươn được các bà, các mẹ ở quê ưa chuộng

Chổi tranh lươn được các bà, các mẹ ở quê ưa chuộng

Đã nhiều năm nay, chổi tranh lươn được các bà, các mẹ ở chợ quê ưa chuộng vì vừa rẻ, vừa bền. Những ôm chổi bó gọn ghẽ, đẹp mắt sẽ được bày bán ở chợ hoặc được treo cẩn thận sau những chiếc xe máy, xe đạp len lỏi khắp các đường làng ở quê với tiếng rao thân thuộc.

Dù chỉ là những bó chổi giản đơn được làm thủ công, thế nhưng đó là cả bao nhiêu tâm sức của người làm chổi. Hơn 20 năm nay, lặng thầm cung cấp chổi tranh lươn cho các mối hàng, bà Gái đã tỉ mỉ từng li từng tí để làm nên những chiếc chổi chắc tay, bền đẹp. Bà kể: “Vùng trảng cát Quảng Vinh đất đai cằn cỗi lắm, nhưng may mắn vì loại đất này lại phù hợp để cho cây tranh lươn sinh sôi. Mùa nào tranh lươn cũng có, nhưng những đợt tháng 10, tháng 11, cây tranh lươn có thêm nước mưa nên tốt tươi hơn và tăng thêm màu xanh cho vùng cát hoang vu”.

Đều đặn mỗi ngày, chỉ trừ những hôm mưa gió, bà Gái luôn có mặt trên vùng trảng cát. Đã thuộc nằm lòng từng khu vực nhỏ, bà biết chỗ nào tranh lươn đang lên, chỗ nào phải cần mươi, mười lăm ngày nữa mới nên cắt hái. Thuần thục dùng chiếc liềm đã được mài bén ngọt, bà Gái thoăn thoắt bứt từng nắm tranh lươn ra khỏi bụi. Cẩn thận bó lại thành từng ôm to, bà mang tranh lươn về nhà từ chuyến này sang chuyến khác.

Sau khi phân loại to, nhỏ, cao, thấp, tranh lươn sẽ được trải mỏng ra trên nền xi măng để phơi khô. “Nếu nắng to tôi sẽ phơi 2 ngày, những ngày trời mát nhiều mây, tranh lươn phải được phơi từ 3 – 4 ngày để tránh ẩm mốc”, bà Gái nói.

Mỗi ngày, bà gái có thể bứt được lượng tranh lươn đủ để bó hơn 15 bó chổi. Tùy kích thước và chiều dài mà tranh được phân loại và bó riêng thành từng bó với đủ kích cỡ. Những bó chổi này được ép chặt vừa bàn tay người nắm và dùng dây cao su thắt lại thật khéo léo để dù có quét mạnh, những cọng tranh lươn vẫn không rơi khỏi bó. Với chổi tranh lươn có cọng to, đẹp, giá bán thường dao động từ 8 – 10 nghìn đồng/chiếc. Các bó chổi khác nhỏ cọng, ít đều thì giá thấp hơn, khoảng từ 5 – 7 nghìn đồng/chiếc.

Hiện nay các loại chổi tre, chổi nhựa với đủ kích cỡ, mẫu mã được người tiêu dùng ưa chuộng hơn, thế nhưng những chiếc chổi tranh lươn gọn nhẹ, giản dị vẫn có chỗ đứng của riêng mình. Bà Trần Thị Xuân (TX. Hương Trà), một người quen dùng chổi tranh lươn cho biết: “Nhà có gian bếp củi nhỏ nên tôi thường mua chổi tranh lươn về quét. Chổi nhỏ gọn, cầm vừa tay, rất tiện”.

Bà Trương Thị Ái, một người chuyên buôn các loại chổi, trong đó có chổi tranh lươn chia sẻ: “Hiện tôi mua chổi của bà Gái rồi bỏ sỉ cho các chợ ở Quảng Điền và TX. Hương Trà. So với các loại chổi khác, nhiều chị em thích chổi tranh lươn vì giá rẻ, mùi thơm dễ chịu, ít bị mốc và quét cũng khá bền. Các tháng cuối năm, số lượng chổi tôi cần mua sẽ nhiều hơn vì nhu cầu của khách hàng sẽ lớn hơn nhiều”.

Để đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng vào dịp giáp Tết, tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà Gái lại bận rộn hơn bao giờ hết. Tận tụy với nghề, dù thu nhập không quá cao nhưng những bó chổi tranh lươn vẫn giúp bà có cuộc sống ổn định. Bà Gái hiền lành nói: “Tôi chỉ mong mình có sức khỏe tốt để làm chổi thêm bền, thêm đẹp. Những chiếc chổi được khách hàng yêu thích và sử dụng lâu, bền, đối với tôi như vậy đã là vui rồi”.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/gian-di-choi-tranh-luon-149815.html
Zalo