Giảm tiền thuê đất 30% sẽ giúp DN phục hồi, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng trong bối cảnh dự báo kinh tế năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, việc giảm tiền thuê đất là cần thiết, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng hướng đến mục tiêu tăng trưởng 'hai con số'.
Trong dự thảo chính sách giảm tiền thuê đất trong năm 2025, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp: phương án 1 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp; phương án 2 là mức giảm khác”.
Sau khi Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025, nhiều ý kiến đồng thuận và cho rằng chính sách này hỗ trợ trực tiếp vào dòng tiền của doanh nghiệp giúp họ có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản xoay quanh vấn đề này.
Dưới góc độ chuyên gia, quan điểm của ông thế nào về đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025?
Ông Nguyễn Văn Đỉnh: Tôi quan tâm vấn đề này dưới 2 góc độ là tính hợp pháp và tính hợp lý.
Về tính hợp pháp, tại Điều 157 Luật Đất đai 2024 đã liệt kê các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ngoài ra để bảo đảm linh hoạt trong thực thi thì khoản 2 Điều 157 còn có quy định “quét” về việc Chính phủ được quy định thêm các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như vậy, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có thể ban hành Nghị định để quy định việc giảm tiền thuê đất trong năm 2025 cho doanh nghiệp. Do đó, đề xuất của Bộ Tài chính là hợp pháp, phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2024.
![Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_287_51432686/3fb7bd74863a6f64362b.jpg)
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh
Về tính hợp lý, tôi cũng hoàn toàn đồng ý với đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc giảm tiền thuê đất trong năm 2025 cho doanh nghiệp. Tôi tin rằng đề xuất này cũng sẽ nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dự báo kinh tế năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, việc giảm tiền thuê đất là cần thiết, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một giải pháp quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng “hai con số” như Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
Cần nhấn mạnh rằng chính sách giảm tiền thuê đất đã được Chính phủ duy trì ổn định trong thời gian qua, cụ thể là giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2024, là một giải pháp quan trọng để phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch COVID-19. Chẳng hạn năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất.
Về mặt pháp lý thì có một điểm đáng lưu ý là trước đây, thẩm quyền cho phép giảm tiền thuê đất đối với các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên hiện nay, thẩm quyền này thuộc Chính phủ và phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như vậy về trình tự, thủ tục và thẩm quyền sẽ trở nên chặt chẽ hơn, được đánh giá kỹ lưỡng hơn để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách.
Trong hai phương án mà Bộ Tài chính đưa ra. Theo ông thì phương án nào sẽ là khả thi nhất?
Ông Nguyễn Văn Đỉnh: Tôi thiên về phương án 2, theo tôi việc giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước trong năm 2025 là cần thiết nhưng không nên cố định chung một mức 30% mà có thể linh hoạt hơn.
Theo đó, một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn hơn thì có thể được giảm ở mức cao hơn, ngược lại, những lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng bởi những tác động kinh tế, địa chính trị… sẽ được giảm ở mức thấp hơn.
![Đề xuất giảm tiền thuê đất 30% năm 2025](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_287_51432686/824e1a8d21c3c89d91d2.jpg)
Đề xuất giảm tiền thuê đất 30% năm 2025
Trường hợp nếu đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2025 được thông qua, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước bị giảm thu. Ông có ý kiến gì không?
Ông Nguyễn Văn Đỉnh: Đúng là việc cho phép giảm tiền thuê đất năm 2025 sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước đối với khoản thu từ tiền thuê đất. Tuy nhiên, thu từ đất chỉ là một trong số các nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Việc giảm thu từ tiền thuê đất sẽ trở thành trợ lực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, yên tâm sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu tăng trưởng “hai con số” như Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Từ đó, ngân sách nhà nước sẽ có thể thu thêm từ các nguồn thuế, phí, lệ phí để bù lại phần “hụt” từ tiền thuê đất.
Theo tôi, đây mới là giải pháp để hướng đến “dân giàu - nước mạnh” (cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng được hưởng lợi). Trong khi đó, nếu không cho phép giảm tiền thuê đất thì ngân sách nhà nước có thể gia tăng nguồn thu nhưng sẽ làm giảm khả năng sản xuất của doanh nghiệp do áp lực về trả nợ, lãi ngân hàng, trái phiếu, lại phải “gồng” thêm gánh nặng từ tiền thuê đất (có xu hướng tăng do đà tăng của bảng giá đất).