Giảm thuế nhập khẩu ô tô, đa dạng hóa nguồn cung xe ngoại nhập
Để giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các dòng xe cao cấp với mức giá hợp lý và đảm bảo cân bằng giữa cam kết hội nhập quốc tế và thực trạng sản xuất trong nước, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số mặt hàng ô tô. Chính sách này sẽ đa dạng hóa nguồn cung xe nhập khẩu, thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường và xây dựng hệ thống thuế phù hợp với xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Sản lượng nhập khẩu ô tô của nước ta là hơn 173.000 xe/năm . Ảnh Internet.
Mức thuế đa dạng
Theo quy định hiện hành, các dòng xe thuộc mã HS 8703.23.63, 8703.23.57 và 8703.24.51 đang chịu mức thuế nhập khẩu MFN tương đối cao.
Đối với mã HS 8703.23.63, đây là dòng xe chở người có khoang chở hành lý chung và ô tô thể thao (trừ các dòng ô tô thể thao loại 4 bánh chủ động), dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc. Hiện nay, thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 64%; cam kết trần WTO là 70%. Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại ATIGA là 0%, không cam kết trong VJEPA, AJCEP. Thuế suất CPTPP là 31,8%; các FTA khác từ 0 - 78%. Thuế tiêu thụ đặc biệt là 50%, thuế bảo vệ môi trường không thu, thuế giá trị gia tăng là 10%.
Năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu dòng ô tô này là 40,8 triệu USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN là 11,8 triệu USD (chiếm 29%) và kim ngạch nhập khẩu theo hiệp định thương mại tự do (FTA) là 29 triệu USD (chiếm 71%). Thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 64%; cam kết trần WTO là 70%.
Mã HS 8703.23.57 áp dụng cho dòng ô tô kiểu sedan có dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc. Thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 64%; cam kết trần WTO là 70%. Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại ATIGA là 0%, không cam kết trong VJEPA, AJCEP. Thuế suất CPTPP là 31,8%; các FTA khác từ 0 - 78%. Thuế tiêu thụ đặc biệt là 50%, thuế bảo vệ môi trường không thu, thuế giá trị gia tăng là 10%.
Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2024 của mã HS 8703.23.57 là 13,23 triệu USD, trong đó không có kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN; kim ngạch nhập khẩu theo FTA là 13,23 triệu USD (chiếm 100%).
Mã HS 8703.24.51 được áp dụng cho các dòng ô tô khác thuộc loại 4 bánh chủ động. Hiện nay, thuế suất thuế nhập khẩu MFN là 45%; mức cam kết trần WTO là 47%. Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại ATIGA là 0%, không cam kết trong VJEPA, AJCEP. Thuế suất CPTPP là 25%; các FTA khác từ 0 đến 59%. Thuế tiêu thụ đặc biệt là 90%, 110%, 130%, 150% tùy theo dung tích xi lanh; thuế bảo vệ môi trường không thu, thuế giá trị gia tăng là 10%.
Với mã này, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN là khoảng 8,1 triệu USD (chiếm 11,36%) và kim ngạch nhập khẩu theo FTA là 63,19 triệu USD (chiếm 88,64%).
Bộ Tài chính cho biết, thị trường ô tô Việt Nam hiện có quy mô khoảng 510.000 xe/năm. Trong đó, sản lượng sản xuất và lắp ráp trong nước đạt 338.000 xe/năm, trong khi hơn 173.000 xe còn lại được nhập khẩu, chủ yếu từ các nước ASEAN đang áp dụng mức thuế suất FTA là 0%. So với các quốc gia trong khu vực, thị trường ô tô Việt Nam vẫn còn khá nhỏ.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2030, nhu cầu tiêu thụ ô tô tại Việt Nam có thể đạt từ 1 đến 1,1 triệu xe/năm. Điều này đồng nghĩa với việc trong vòng 5 năm tới, ngành ô tô trong nước cần phải đạt mức tăng trưởng gấp đôi so với hiện tại để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8,81 triệu USD
Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước chủ yếu tập trung vào các dòng xe có dung tích xi lanh thấp (dưới 2.000cc), phù hợp với đa số nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, các dòng xe có dung tích xi lanh cao hơn chủ yếu phải nhập khẩu do trong nước chưa có cơ sở sản xuất phù hợp.
Căn cứ theo các con số thống kê, nhằm tạo sự đồng bộ trong chính sách thuế và hỗ trợ người tiêu dùng có thêm lựa chọn về xe nhập khẩu, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế MFN đối với ba mã HS trên. Theo đó, mức thuế nhập khẩu đối với các dòng xe thuộc mã HS 8703.23.63 và 8703.23.57 sẽ giảm từ 64% xuống 32%, gần bằng mức thuế suất cam kết theo Hiệp định CPTPP vào năm 2025. Đối với mã HS 8703.24.51, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm từ 45% xuống 32% nhằm thống nhất mức thuế suất giữa các dòng xe có cùng phân khúc.
Theo Bộ Tài chính, kim ngạch nhập khẩu của cả ba dòng ô tô này chủ yếu đến từ các quốc gia có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, trong đó Thái Lan hưởng ưu đãi theo Hiệp định ATIGA và Nhật Bản theo Hiệp định CPTPP.
Việc giảm thuế MFN có thể thúc đẩy dịch chuyển thương mại, giúp người dân tiếp cận các dòng xe cao cấp với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng ô tô không chỉ phụ thuộc vào thuế suất mà còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như thị hiếu, giá cả, dịch vụ hậu mãi, mức tiêu hao nhiên liệu.
Bên cạnh đó, do ô tô là tài sản có giá trị lớn, người Việt Nam thường có xu hướng lựa chọn các dòng xe phổ biến trên thị trường. Đồng thời, ngành sản xuất ô tô trong nước hiện vẫn chưa phát triển các dòng xe có dung tích xi lanh lớn, do đó nhu cầu đối với phân khúc này chủ yếu phải dựa vào nguồn nhập khẩu.
Bộ Tài chính tính toán, việc giảm thuế nhập khẩu MFN theo phương án này dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 8,81 triệu USD (tính theo kim ngạch nhập khẩu chịu thuế MFN của năm 2024). Tuy nhiên, mức giảm này có thể được bù đắp nếu lượng xe nhập khẩu từ các nước MFN tăng lên, thay thế cho xe nhập khẩu từ ASEAN.
Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) của một số mặt hàng tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm Nghị định 26/2023/NĐ-CP. Sau khi hoàn thiện sẽ đề xuất điều chỉnh thuế trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Nếu được thông qua, chính sách này có thể tác động lớn đến thị trường ô tô Việt Nam, không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung xe nhập khẩu mà còn thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận các dòng xe cao cấp với mức giá hợp lý hơn. Bộ Tài chính dự kiến, Nghị định sửa đổi thuế nhập khẩu MFN sẽ được ban hành trong tháng 3 và có hiệu lực ngay.