Giảm thuế giá trị gia tăng: 'Liều thuốc' kích thích sản xuất kinh doanh
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được đại biểu Quốc hội đánh giá là một trong những chính sách có hiệu lực ngay trong việc tăng tiêu dùng, là 'liều thuốc' kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy ảnh hưởng giảm thu ngân sách nhưng chính sách này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng làm rõ ý kiển đại biểu nêu về giảm thuế giá trị gia tăng.
Có hiệu lực ngay trong kích thích tiêu dùng
Chiều 28/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Phát biểu tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao và nhất trí về sự cần thiết tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích cầu tiêu dùng, ứng phó với biến động phức tạp của thương mại kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập, tạo đà tăng trưởng, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 8% trở lên. Các đại biểu cũng đồng tình về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối tượng, kéo dài thời hạn áp dụng chính sách này.
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đánh giá, đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng được coi là một trong những chính sách tài khóa có hiệu lực ngay trong việc kích thích tăng tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng hướng vào nội địa. Theo Đại biểu, việc giảm thuế giá trị gia tăng như "liều thuốc kích thích" hoạt động sản xuất kinh doanh, là sự động viên của Đảng và Nhà nước với người dân và doanh nghiệp khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.
Đại biểu đánh giá cao thời gian giảm thuế dài gấp 3 lần những năm trước, đối tượng được giảm thuế đã được mở rộng. "Khi giảm thuế giá trị gia tăng, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ngay do giảm giá mua hàng hóa dịch vụ. Cùng với đó, mở rộng đối tượng giảm thuế với nhóm đối tượng đầu vào của các doanh nghiệp sẽ giúp giảm chi phí giảm sản xuất, làm giảm giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và mở rộng hoạt động", đại biểu nêu. Đại biểu cũng đề xuất giảm thuế với hoạt động tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn.
Hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu cũng băn khoăn về ảnh hưởng của chính sách giảm thuế đối với đến dự toán thu và bội chi ngân sách. Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự kiến chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng thì sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm năm 2025 là 39,54 nghìn tỷ đồng, năm 2026 sẽ giảm khoảng 82,2 nghìn tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng, việc giảm thuế giá trị gia tăng đương nhiên tác động giảm thu ngân sách, nhưng đổi lại việc giảm thuế tác động tích cực, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó đóng góp lại vào nguồn thu cho ngân sách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. "Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra các giải pháp tài khóa phù hợp để bù đắp khoản giảm thu do miễn giảm thuế", Bộ trưởng thông tin.
Nhấn mạnh đây không phải là lần đầu tiên triển khai chính sách giảm thuế này, Bộ trưởng cho hay, việc giảm thuế đã được triển khai trong nhiều năm, đem lại kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là giai đoạn đại dịch COVID-19 cũng như những năm hậu dịch bệnh.
Chính sách này đã được áp dụng cho 6 tháng đầu năm 2025. Chính phủ đã cân nhắc xem xét và đề xuất kéo dài cho đến hết 2026 do hiện nay các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Việc giảm thuế giá trị gia tăng vừa tác động ngay đến người tiêu dùng, vừa thông qua đó tác động vào các doanh nghiệp. "Đây là những hành động rất cần thiết, cần phải làm", Bộ trưởng đánh giá. Lưu ý đây là chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn, Bộ trưởng cho biết, trước khi kết thúc kỳ giảm thuế, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục đánh giá sự cần thiết kéo dài chính sách này hay không.
Trước ý kiến đại biểu Trần Khánh Thu về giảm thuế với hoạt động tín dụng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, các dịch vụ như hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Nói cách khác, các dịch vụ này không phải nộp thuế giá trị gia tăng, do đó, không điều chỉnh giảm thuế với các nhóm này.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đánh giá, chính sách miễn giảm thuế đã được triển khai hiệu quả, đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến quá trình tổ chức thực hiện hoàn thuế.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quy định về quản lý thuế đã chia ra 2 trường hợp hoàn thuế. Một là trường hợp thuộc đối tượng hoàn thuế trước, các cơ quan thuế, hải quan sẽ thực hiện rất nhanh. Trường hợp thứ hai là hoàn thuế sau, sau khi kiểm tra chứng từ theo quy định của Luật Quản lý thuế sẽ hoàn thuế tối đa là 40 ngày. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đảm bảo thời gian hoàn thuế sớm nhất có thể cho các doanh nghiệp.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đánh giá, Bộ Tài chính rất quan tâm đến doanh nghiệp, tích cực có những chính sách rất hiệu quả. Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính xem xét nghiên cứu có đánh giá cụ thể hơn ảnh hưởng của việc giảm thuế đến thu ngân sách, GDP.
Đồng thuận với ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tính toán một cách cụ thể hơn để có những số liệu thuyết phục báo cáo Quốc hội khi triển khai chính sách.