Giảm thu trước mắt, tăng thu bền vững
Vừa qua, Chính phủ liên tiếp ban hành các nghị định về giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các chính sách này tiếp tục là “liều thuốc trợ lực” hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2025 đến nay, các chính sách gia hạn, giảm thuế, tiền thuê đất liên tục được Chính phủ ban hành. Cụ thể là giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường, miễn lệ phí trước bạ đối với ô tô điện… Đặc biệt, trong tháng 4 này, Chính phủ liên tiếp ban hành Nghị định 82/2025/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2025 và Nghị định 87/2025/NĐ-CP về giảm tiền thuê đất của năm 2024. Đây không chỉ là các giải pháp hỗ trợ tài chính ngắn hạn mà được thực hiện xuyên suốt nhiều năm qua, cho thấy rằng Nhà nước đã chấp nhận giảm nguồn thu trước mắt để kích thích sức mua, khơi thông dòng vốn, tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và phát triển.
Theo thống kê từ Cục Thuế Phú Yên (trước sắp xếp), riêng năm 2024, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất mà người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được giảm, gia hạn lên tới gần 970 tỉ đồng. Trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng 350 tỉ đồng, giảm thuế bảo vệ môi trường 320 tỉ đồng, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất 270 tỉ đồng… Đây là con số không hề nhỏ, chiếm gần 20% tổng thu ngân sách của tỉnh, nhưng hiệu ứng lan tỏa mà nó tạo ra còn lớn hơn nhiều lần.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, chính các chính sách thuế này đã giúp họ “giữ lửa” sản xuất, duy trì việc làm và tiếp tục đầu tư trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra sản phẩm gặp khó. Không ít hộ kinh doanh cá thể cũng giảm áp lực nhờ được gia hạn thuế và giảm các khoản phải nộp.
Có thể nói, trong giai đoạn phục hồi kinh tế, thay vì chỉ tập trung thu đúng, thu đủ, ngành Thuế đã tích cực triển khai những chính sách để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách. Kết quả đáng chú ý là dù thực hiện hàng loạt chính sách giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, nhưng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 vẫn đạt hơn 5.451 tỉ đồng, đạt 101,2% dự toán tỉnh giao, bằng 129,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn trong quý I/2025, toàn tỉnh thu ngân sách được 1.317 tỉ đồng, đạt 22,3% dự toán tỉnh giao, bằng 103,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu ứng “giảm thu trước mắt để tăng thu bền vững”. Bởi khi doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô, thì nguồn thu tự nhiên cũng lớn dần lên theo thời gian. Điều này cũng cho thấy: miễn, giảm thuế không đồng nghĩa với thất thu, nếu được thực hiện có chiến lược. Ngược lại, việc chia sẻ nguồn lực vào đúng thời điểm còn giúp nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, dài hạn.
Nhìn rộng hơn, các chính sách giảm, gia hạn thuế không đơn thuần là chính sách tài khóa mà còn thể hiện thông điệp rất rõ ràng: Nhà nước luôn đồng hành với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn. Chính sự đồng hành đó tạo nên niềm tin - yếu tố quan trọng nhất trong phục hồi kinh tế. Khi doanh nghiệp tin vào sự hỗ trợ của Nhà nước, họ sẽ mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô. Khi người dân thấy sự công bằng trong thực thi chính sách, họ sẽ chủ động tuân thủ nghĩa vụ thuế và đóng góp vào ngân sách.
Năm 2025, nền kinh tế được dự báo còn đối mặt với nhiều thử thách. Vì thế, kỳ vọng đặt vào ngành Thuế không chỉ là tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, mà còn nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi, lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ. Khi chính sách thuế không còn là rào cản, mà trở thành bệ đỡ; khi cơ quan thuế không chỉ là người thu, mà là người bạn đồng hành - đó chính là lúc người nộp thuế dám làm ăn lớn, nghĩ xa, nghĩ bền, góp phần phát triển KT-XH địa phương một cách bền vững.