Giảm thiểu thiệt hại khu vực kinh tế ven sông
Sau trận lũ này, các cấp, các ngành, các địa phương ở Hải Dương cần khẩn trương xem xét lại quy hoạch và quản lý quy hoạch ven các tuyến sông lớn để giảm thiểu thiệt hại khu vực kinh tế ven sông.
Ảnh hưởng của bão số 3 làm cho nước trên hầu hết các tuyến sông ngoài trên địa bàn tỉnh dâng cao trên mức báo động III, nhiều nơi đã ghi nhận mức nước cao kỷ lục trong 28 năm trở lại đây. Nước lũ về nhanh đã làm cho hầu hết các hộ dân, đặc biệt là các hộ dân có các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ven sông không kịp trở tay. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm… đã trôi theo dòng nước lũ. Một số chủ lồng cá ở các huyện Nam Sách, Thanh Hà, thị xã Kinh Môn và TP Hải Dương đã phải bán đổ, bán tháo cá lồng để gỡ gạc chút vốn. Vẫn biết rằng thiên tai, bão lũ là rất khó lường nhưng tôi cho rằng nếu chúng ta có quy hoạch và quản lý quy hoạch bài bản hơn, kiên quyết hơn thì vẫn có thể giảm thiểu những thiệt hại không đáng có đối với khu vực này.
Trước hết có thể khẳng định chưa bao giờ các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở khu vực ven các tuyến sông lớn trên địa bàn tỉnh lại sôi động như gần hai chục năm trở lại đây. Trước đây, đa số các bãi bồi ven sông được người dân ở các xã, phường ven đê sử dụng để trồng dâu nuôi tằm, trồng cà rốt và nhiều loại hoa màu khác. Còn số hộ nuôi cá lồng có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để tránh ảnh hưởng của lũ trên các tuyến sông, người dân sẽ trồng hoa màu vào khoảng tháng 10 của năm trước và sẽ kết thúc thu hoạch tất cả các loại hoa màu vào cuối tháng 5 của năm sau. Hoạt động nuôi cá lồng cũng chủ yếu trong thời gian này. Thế nhưng sau các hoạt động khai thác đất để đốt gạch thủ công, khai thác đất bãi bồi cho các hoạt động khác… thì nhiều vùng đất ven sông nay đã biến thành các ao nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Nhiều tuyến sông được người dân phát triển ồ ạt các lồng cá. Khu vực ven sông, trên sông đã trở thành nơi kiếm sống của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế ở nhiều địa phương phát triển.
Sở dĩ các hộ mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng cho các hoạt động nuôi thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở ven sông là vì nhiều năm qua, hầu hết các tuyến sông trên địa bàn rất hiếm khi xuất hiện nước ở mức báo động I chứ nói gì đến báo động II, III. Đa số người dân đều cho rằng, có bao nhiêu nước ở thượng nguồn thì các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà… đã giữ lại để phát điện cả rồi. Sông vì thế làm gì còn lũ! Và có lẽ một số cán bộ của ngành, địa phương cũng có chung tâm lý đó. Do vậy mà chủ quan, lơ là, có tư tưởng “không còn sợ lũ” nữa.
Vì vậy, mặc mùa bão lũ đến nhưng nhiều người dân vẫn cứ đầu tư chăn nuôi hết lứa này đến lứa khác ở ven sông. Do không có lũ nên chính quyền ở nhiều nơi dù hằng năm vẫn có thông báo hạn chế các hoạt động vào mùa mưa bão nhưng cũng không quyết liệt yêu cầu các hộ dân dừng hoạt động.
Thực trạng trên dẫn đến khi nước ở hầu hết các tuyến sông vượt báo động III thì các bãi sông trở nên tan hoang, tiêu điều. Qua nắm bắt thực tế thì không ít gia đình đã rơi vào cảnh trắng tay, thậm chí là vỡ nợ do đợt lũ vừa qua.
Vì vậy, sau trận lũ này, các cấp, các ngành, các địa phương cần khẩn trương xem xét lại quy hoạch và quản lý quy hoạch ven các tuyến sông lớn trên địa bàn. Đặc biệt là cần kiên quyết yêu cầu các hộ dân có các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ven các tuyến sông lớn thực hiện đúng các quy định về phòng chống bão lụt. Quy hoạch rõ ràng về các khu vực, tuyến sông được phép nuôi cá lồng. Kiên quyết dẹp bỏ các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ven các tuyến sông lớn trong mùa mưa bão (từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 10) như trước đây để bảo đảm hành lang thoát lũ cho các tuyến sông. Và cao hơn hết là bảo đảm tính mạng người dân, giảm thiểu những thiệt hại do bão lũ gây ra đối với khu vực kinh tế ven sông.