Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước

Nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn tỉnh đang được khai thác, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, như: nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu trong nông nghiệp, chăn nuôi, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, giao thông vận tải đường thủy... Việc quản lý, sử dụng nguồn TNN đã, đang góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng đến chất lượng cũng như trữ lượng nước.

Hoạt động lấy mẫu kiểm tra độ mặn của nguồn nước tại Trạm đo triều - mặn Vạn Ninh thuộc địa bàn xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa).

Nhằm tăng cường công tác giám sát và bảo vệ TNN, cuối tháng 3/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 923/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục và bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Trong đó khu vực đã từng xảy ra sự cố sụt, lún đất, biến dạng địa hình diện tích hạn chế 86,62km2, bao gồm: huyện Hà Trung (xã Hà Châu, xã Hà Ngọc), huyện Bá Thước (xã Điền Lư), huyện Yên Định (thị trấn Quý Lộc), huyện Vĩnh Lộc (thị trấn Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Yên), huyện Ngọc Lặc (xã Nguyệt Ấn). Quyết định cũng nêu rõ diện tích hạn chế đối với khu vực có biển mặn, có hàm lượng tổng chất rắn hòa tan (TDS) từ 1.500mg/l trở lên.

Bên cạnh việc thực thi Quyết định số 923/QĐ-UBND, thời gian qua, hoạt động cắm mốc bảo vệ hành lang nguồn nước cũng được tỉnh và ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Từ năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với đơn vị chức năng cắm trên 1.600 mốc hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc 66 đoạn sông suối trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đại diện Phòng TNN, Sở TN&MT, mục tiêu của việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm phòng, chống lấn chiếm đất, xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đảm bảo sự ổn định của bờ; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước và môi trường; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước; tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng phục vụ công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Để giảm thiểu tác động của BĐKH đến TNN, chống cạn kiệt và suy thoái nguồn nước, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, chắn sóng lấn biển, chắn cát. Trong năm 2024, toàn tỉnh trồng khoảng 12.400ha rừng tập trung. Các địa phương đã thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho 630.903ha. Đồng thời đẩy mạnh công tác phát triển rừng, trồng rừng bằng cây giống thực sinh sang cây giống sinh dưỡng (nuôi cấy mô, hom); kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác...

Ngoài ra, để tăng cường khả năng trữ nước và nâng cao hiệu quả sử dụng nước, tỉnh và ngành chức năng cũng đã quan tâm xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Hiện trên địa bàn tỉnh đã áp dụng 3 mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong nông nghiệp góp phần đưa tỷ lệ diện tích áp dụng tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa) đạt 30,77% diện tích đất canh tác. Đồng thời xây dựng bổ sung các công trình trữ nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trong điều kiện hạn hán gia tăng do BĐKH. Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã, đang đầu tư 27 hồ chứa, 28 đập dâng, 28 trạm bơm, 3 cống, âu; xây dựng, tu bổ 77 công trình đê điều với chiều dài được đầu tư nâng cấp khoảng 62km...

Có thể thấy, mục tiêu bảo vệ, quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn TNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong điều kiện nền kinh tế không ngừng phát triển như hiện nay. Với sự vào cuộc tích cực từ ngành chức năng, công tác quản lý Nhà nước về TNN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã, đang từng bước đi vào nền nếp. Hiện, ngành chức năng đang tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TNN đến các tổ chức, cá nhân, người dân; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của TNN trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, việc làm này sẽ chưa đủ nếu thiếu sự vào cuộc quyết liệt từ phía cấp ủy, chính quyền các địa phương. Mỗi tổ chức, cá nhân cũng cần nêu cao ý thức về trách nhiệm bảo vệ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này trước sự tác động của BĐKH.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giam-thieu-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-den-tai-nguyen-nuoc-239882.htm
Zalo