Giảm số môn thi tốt nghiệp nhưng muốn bớt học thêm khâu mấu chốt là ở giáo viên

Dù Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng giảm tải, áp lực học thêm vẫn còn là một vấn đề nan giải cần tháo gỡ.

Thi tốt nghiệp từ 2025, học sinh “nhẹ gánh” hơn trước

Thay vì học 13 môn bắt buộc như Chương trình Giáo dục phổ thông 2006, với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh trung học phổ thông sẽ chỉ học 6 môn học bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh. Ngoài ra, có 2 hoạt động trải nghiệm bắt buộc: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.

Bên cạnh đó, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho phép học sinh lựa chọn 4/9 môn học phù hợp với nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp. 9 môn học lựa chọn bao gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm môn học bắt buộc và cho phép học sinh lựa chọn môn học giúp các em học tập tốt hơn vì được lựa chọn những môn học phù hợp với khả năng và sở thích, từ đó áp lực học tập của học sinh cũng được giảm bớt.

 Với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh được giảm tải số lượng môn học bắt buộc so với chương trình cũ. Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh được giảm tải số lượng môn học bắt buộc so với chương trình cũ. Ảnh minh họa: Ngọc Mai.

Trước đó, ngày 28/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT về Phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Theo đó, nội dung thi sẽ bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm: 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn; 2 môn tự chọn trong các môn của chương trình giáo dục phổ thông bao gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).

Như vậy, từ năm 2025, học sinh sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với 4 môn thay vì 6 môn như các kỳ thi trước đó.

Về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A (Hà Nội) cho rằng, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, áp lực học thêm của học sinh chắc chắn sẽ giảm vì số lượng môn học bắt buộc và môn thi tốt nghiệp được giảm tải so với trước đó.

“Điều quan trọng nhất là các nhà trường phải tư vấn cho học sinh và phụ huynh về những thay đổi của Chương trình mới cũng như cách xác định mục tiêu. Nếu học sinh, phụ huynh xác định rõ được mục tiêu cụ thể cho việc học và thi, sẽ giảm đi rất nhiều áp lực”, thầy Dũng nhấn mạnh.

Theo thầy Phạm Minh Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sơn Nam (Tuyên Quang) đánh giá, nội dung kiến thức của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 sẽ nhẹ nhàng hơn trước, giảm áp lực thi cử cho học sinh.

Tuy nhiên, kỳ thi 2025 là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình mới, vấn đề áp lực ở đây là các em chưa có hình dung cụ thể về nội kỳ thi này sẽ có những kiến thức như thế nào và thi ra sao.

 Từ năm 2025, học sinh thi trung học phổ thông với 4 môn thay vì 6 môn như trước. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Từ năm 2025, học sinh thi trung học phổ thông với 4 môn thay vì 6 môn như trước. Ảnh minh họa: Doãn Nhàn.

Học sinh Nguyễn Ngân - Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông (Hà Nội) chia sẻ: “Năm 2025, em sẽ đứng trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới. Em dự định đăng ký xét tuyển đại học theo tổ hợp 3 môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh. Hiện nay, khả năng học Tiếng Anh của em còn rất kém, nên em đã đăng ký học thêm môn này 3 buổi/tuần.

Ngân cho biết, em không quá lo lắng khi sẽ trở thành khóa học sinh đầu tiên tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới, mà thậm chí có phần thích thú với đề thi môn Ngữ văn.

Nữ sinh lý giải: “Theo cấu trúc đề minh họa môn Ngữ văn có khá nhiều dung lượng cho phần nghị luận xã hội, đó là thế mạnh của em. Việc lựa chọn học thêm hay không là tùy thuộc vào nhu cầu và nguyện vọng của mỗi bạn”.

Đối với vấn đề áp lực học thêm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoài Đức A (Hà Nội) cho rằng, vai trò tư vấn, tổ chức dạy và học thêm của nhà trường rất quan trọng. Để giúp học sinh đáp ứng được yêu cầu học tập, kiểm tra và đánh giá của chương trình mới, các nhà trường phải làm tốt công tác này. Nếu các nhà trường làm tốt công tác tư vấn cho học sinh, sẽ có thể nâng cao hiệu quả học tập cho các em, sẽ không cần chạy theo học thêm tràn lan như những năm trước.

Trong công tác quản lý, tiếp xúc với nhiều học sinh, thầy Dũng nhận thấy, nhiều học sinh chưa có lựa chọn, mục tiêu cụ thể cho việc học tập, thi cử.

Để giảm bớt áp lực, tránh học thêm tràn lan, thầy Dũng lưu ý phụ huynh và học sinh cần có nhận thức đúng về mục tiêu của mình muốn theo đuổi ngành nào, liên quan đến những môn học nào, yêu cầu cần đạt được ra sao để từ đó đặt ra kế hoạch học tập phù hợp nhằm đạt được kết quả tốt nhất.

Để giải quyết áp lực học thêm, vai trò của giáo viên phải đặt lên hàng đầu

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát (Lâm Đồng) chia sẻ, để giải quyết được tình trạng học thêm khi thực hiện chương trình mới, vai trò của đội ngũ giáo viên được đặt lên hàng đầu.

“Vai trò của giáo viên trong việc hạn chế học thêm rất quan trọng. Giáo viên cần phải nắm vững chương trình, nội dung của sách giáo khoa để soạn giảng. Trong từng buổi lên lớp người giáo viên phải truyền được nội dung cốt lõi, cung cấp cho học sinh bộ công cụ, phương thức để tiếp nhận kiến thức, cách vận dụng kiến thức thay vì mô tả, giải thích, cố định như trước đây.

Tôi cho rằng, thầy cô phải bám sát vào mục tiêu, năng lực và phẩm chất của học sinh chứ không phải quá phụ thuộc vào nội dung của sách giáo khoa. Nếu giáo viên không thoát ra lối tư duy cũ, tôi nghĩ, áp lực từ giáo viên sẽ chuyển sang học sinh”, Tiến sĩ Chương nhấn mạnh.

Theo thầy Chương, các thầy, cô cần phải nắm vững năng lực học tập của từng học sinh để xây dựng bài giảng, kế hoạch học tập phù hợp và vận dụng linh hoạt kế hoạch giảng dạy trong điều kiện thực tế, giúp học sinh nắm chắc kiến thức.

Qua thực tế những năm làm công tác quản lý, thầy Chương nhận thấy, một số giáo viên còn cứng nhắc trong xây dựng và vận dụng kế hoạch giảng dạy. Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao quyền xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng mở, năng động và linh hoạt, tuy nhiên, một số giáo viên vẫn chưa thực sự nhuần nhuyễn trong vận dụng quyền đó.

Và để hướng dẫn học sinh phương pháp, thay vì bị đè nặng bởi những kiến thức một cách máy móc và khô cứng, người giáo viên phải nâng cao trình độ chuyên môn, chủ động, cần cù trên từng trang giáo án.

 Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát (Lâm Đồng). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc Phát (Lâm Đồng). Ảnh: NVCC.

Đề cao vai trò của người giáo viên trong việc hạn chế tình trạng học thêm, thầy Chương nhấn mạnh về trách nhiệm và tâm huyết của các thầy, cô khi đứng lớp. Khi giáo viên đem hết tâm huyết và năng lực vào bài giảng và có trách nhiệm với học sinh, tìm cách giảng dạy làm sao cho học sinh hiểu bài, sẽ hạn chế tối đa tình trạng học thêm tràn lan.

Bên cạnh đó, thầy Chương cho rằng, sự sâu sát từ phía nhà trường cũng đóng vai trò rất quan trọng. Các nhà trường cần quản lý tốt hoạt động của các tổ chuyên môn; tư vấn, định hướng và gợi mở về cách thực hiện kế hoạch giảng dạy cho tổ chuyên môn; công bằng trong đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh.

Trong đó, cần có sự liên kết của đội ngũ giáo viên trong các tổ, nhóm chuyên môn, tạo ra môi trường tốt giúp giáo viên nắm chắc chương trình mới; cần có kế hoạch cụ thể, thống nhất về yêu cầu kiểm tra, đánh giá học sinh, tránh sự tùy tiện, không thống nhất vô hình trung tạo ra khó khăn cho học sinh.

“Làm tốt công tác quản lý và tư vấn cho tổ chuyên môn là một việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi các nhà trường phải kiên trì. Đôi khi phải dựa trên đặc điểm, cơ sở đội ngũ học sinh để xây dựng kế hoạch giáo dục thực sự với tinh thần hướng đến từng học sinh.

Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh để giáo dục học sinh, lấy việc tự học làm bước đột phá, như vậy sẽ giảm bớt tình trạng học thêm tràn lan.

Thêm nữa, nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề thi minh họa, thì nhà trường cũng cần có đề thi minh họa (theo đặc điểm riêng của từng trường), có vậy mới tạo ra sân chơi công bằng, tạo cơ hội để học sinh được tiếp cận, học tập, ôn luyện theo.

Đôi khi học sinh đi học thêm chỉ vì điểm số, vì vậy, tổ chuyên môn phải có kế hoạch giáo dục phù hợp để tạo cơ hội, giúp các em làm bài tốt, đạt điểm số phù hợp với sự cố gắng của bản thân. Điều đó là hết sức quan trọng ”, thầy Chương phân tích thêm.

Về phía người học, thầy Chương cho rằng, học sinh nên chủ động trong việc tự học, biết cách khai thác nguồn học liệu phong phú trên mạng để có thể tự đào sâu kiến thức, giảm bớt phụ thuộc vào thầy cô. Sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực học thêm, giúp các em tự tin và học tập tốt.

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giam-so-mon-thi-tot-nghiep-nhung-muon-bot-hoc-them-khau-mau-chot-la-o-giao-vien-post244783.gd
Zalo