Giảm số lượng, tăng nguy hiểm

Riêng về phương diện dữ liệu liên quan đến quân sự, quốc phòng, chạy đua vũ trang và giải trừ quân bị ở các nơi trên thế giới thì có thể nói, thông tin và đánh giá của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI (Thụy Điển) được tin cậy và sử dụng nhiều nhất.

Cũng chính vì thế mà quan ngại chung trên thế giới gia tăng sau khi SIPRI công bố những dữ liệu mới nhất về tình hình vũ khí hạt nhân trên thế giới.

Theo SIPRI, thứ tự 9 nước có vũ khí hạt nhân được xếp từ nhiều nhất đến ít nhất hiện tại là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel. Mỹ và Nga sở hữu 90% tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới. Số liệu liên quan SIPRI vừa công bố được cập nhật cho tới thời điểm cuối tháng 1 năm nay.

Thông điệp gây quan ngại đầu tiên của SIPRI là trong khi tổng số đầu đạn hạt nhân giảm thì số đầu đạn hạt nhân được đưa vào tình trạng sẵn sàng sử dụng lại tăng, có nghĩa là khả năng chúng được sử dụng gia tăng. Nói theo cách khác, mức độ nguy hiểm của chúng trên thực tế gia tăng. Đấy là hệ lụy trực tiếp của việc các nước sở hữu vũ khí hạt nhân chủ ý tăng cường chơi con bài răn đe hạt nhân hoặc cho rằng an ninh của họ hiện tại bị đe dọa nghiêm trọng đến mức phải trù liệu đến khả năng luôn sẵn sàng sử dụng đến cả vũ khí hạt nhân hiện có để bảo vệ an ninh quốc gia.

Theo SIPRI, 9 quốc gia nói trên hiện có tổng cộng 12.121 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 9.585 đầu đạn được đưa vào tình trạng luôn sẵn sàng sử dụng. Trong số 9.585 đầu đạn này có 3.904 đầu đạn hạt nhân được lắp đặt vào tên lửa hoặc trên máy bay. So với thời điểm tháng 1 năm ngoái, việc tổng số đầu đạn hạt nhân giảm nhưng không phải nhờ giải trừ vũ khí hạt nhân giữa 9 quốc gia trên mà là họ phải loại bỏ những đầu đạn đã quá thời hạn sử dụng hoặc bị hỏng hóc.

Một xu hướng diễn biến khác nữa được SIPRI báo động là các nước sở hữu vũ khí hạt nhân đều thúc đẩy mạnh mẽ việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ và ai có điều kiện thì tăng cường các công việc về nghiên cứu, chế tạo và thử nghiệm những thế hệ vũ khí hạt nhân, đầu đạn hạt nhân mới.

Từ sau khi bùng phát cuộc chiến tranh ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, khả năng vũ khí hạt nhân được sử dụng và xảy ra chiến tranh hạt nhân ở châu Âu gia tăng. Ukraine không có vũ khí hạt nhân nhưng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can dự ngày càng sâu rộng vào cuộc chiến tranh này, hình thành cuộc đối địch quyết liệt giữa Nga và NATO. Mỹ, Liên minh châu Âu, NATO và các nước khác trong khối phương Tây quyết tâm làm cho Nga bị thất bại ở Ukraine, trong khi Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ sử dụng mọi tiềm lực và vũ khí hiện có để bảo vệ lợi ích và thực hiện mục tiêu đề ra.

Câu chuyện vũ khí hạt nhân hiện là vấn đề thời sự trong chính trị, an ninh thế giới và quan hệ quốc tế. Cái gọi là "ngoại giao hạt nhân" - tức là dùng ngoại giao để giải quyết vấn đề chạy đua vũ trang hạt nhân, giải trừ vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí hạt nhân - gần như bế tắc trên thực tế sau khi Mỹ và Nga ngừng thực hiện những thỏa thuận liên quan vốn được ký kết từ cách đây nhiều năm. Triển vọng khôi phục tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ trang hạt nhân giữa Mỹ và Nga rất mờ mịt.

Cuộc chiến ở Ukraine không những dai dẳng mà còn diễn biến khó lường. Việc vũ khí hạt nhân lại được ai đó sử dụng hiện càng thêm khó có thể bị loại trừ hoàn toàn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giam-so-luong-tang-nguy-hiem-669868.html
Zalo