Giám sát triển khai mô hình giáo dục chất lượng cao tại quận Hà Đông
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa- Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội vừa tiến hành giám sát việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại quận Hà Đông. Đoàn đã khảo sát thực tế tại hai trường chất lượng cao trên địa bàn là Trường trung học cơ sở (THCS) Lê Lợi và Trường trung học phổ thông (THPT) Lê Lợi.

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Trường trung học phổ thông Lê Lợi. (Ảnh LÊ HẢI)
Quận Hà Đông có 160 trường học thuộc các cấp học từ mầm non đến THPT. Trong số này, hai trường công lập là THCS Lê Lợi và THPT Lê Lợi đang hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao.
Trường THCS Lê Lợi được đầu tư khoảng 138 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của quận để xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn của một trường đạt tiêu chí chất lượng cao. Nhà trường được trang bị đầy đủ các phòng học, phòng chức năng với thiết bị hiện đại, như: điều hòa nhiệt độ, máy chiếu, máy tính, hệ thống loa, internet tốc độ cao, camera giám sát; tạo điều kiện thuận lợi và an toàn cho hoạt động dạy và học.
Trường THPT Lê Lợi hiện được đầu tư xây dựng mới hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, do Ủy ban nhân dân quận làm chủ đầu tư. Dự kiến đến hết năm học 2025-2026, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như tiêu chí trường chất lượng cao.
Cả hai trường đang triển khai mô hình giáo dục chất lượng cao đều có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trình độ chuyên môn cao, đáp ứng chuẩn và trên chuẩn đào tạo; có tinh thần học hỏi, nghiên cứu, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ.
Điểm tích cực khi triển khai mô hình này là các trường đã bước đầu thực hiện tự chủ chi thường xuyên, góp phần giảm áp lực chi ngân sách nhà nước, từ đó tăng khả năng đầu tư cho giáo dục ở các khu vực còn khó khăn, từng bước tiến tới thực hiện tự chủ về nhân sự.
Chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là chất lượng học sinh mũi nhọn, qua đó xây dựng được lòng tin từ phía phụ huynh và nâng cao chỉ số hài lòng đối với nhà trường.
Tuy nhiên, các trường đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Đại diện Trường THPT Lê Lợi cho biết, mặc dù cơ sở vật chất đã có cải thiện song vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu giảng dạy, học tập theo đúng tiêu chuẩn trường chất lượng cao. Kinh phí đầu tư vẫn còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực công nghệ giáo dục và nâng cấp hạ tầng. Bên cạnh đó, việc thu hút và giữ chân giáo viên giỏi cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh từ các trường ngoài công lập và quốc tế.
Theo Trường THCS Lê Lợi, công tác tuyển sinh đầu vào lớp 6 đang gặp trở ngại vì chưa có quy định cụ thể về chi ngân sách cho hoạt động này. Ngoài ra, mức thu học phí hiện mới đạt khoảng 76,4% so với mức trần quy định, ảnh hưởng đến việc cân đối thu chi trong điều kiện tự chủ.
Trưởng ban Văn hóa-Xã hội Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các trường làm rõ một số vấn đề, như: những khó khăn trong việc thu hút, giữ chân giáo viên giỏi làm việc tại các nhà trường; sự khác biệt vượt trội giữa chương trình giáo dục phổ thông nâng cao so với chương trình của các trường công lập khác.
Đồng tình với quan điểm cần có tiêu chí rõ ràng trong việc đánh giá chất lượng giáo viên thuộc các trường chất lượng cao, đồng chí Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành các quy định liên quan đến cơ chế tài chính áp dụng cho năm học tới; đồng thời làm rõ cơ chế đầu tư cơ sở vật chất cho các trường chất lượng cao.
Đoàn giám sát cho biết, toàn bộ thông tin và ý kiến sẽ được tổng hợp báo cáo thành phố. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ nghiên cứu, rà soát và đề xuất điều chỉnh các tiêu chí, chính sách để phù hợp hơn với thực tế triển khai tại cơ sở, đồng thời đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Luật Thủ đô năm 2024.