Giám sát, phản biện vì lợi ích của nhân dân

Giám sát, phản biện xã hội (GS,PBXH) là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong những năm qua, nhiệm vụ này luôn được ủy ban MTTQ các cấp quan tâm thực hiện, góp phần quan trọng vào tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; thể hiện rõ vai trò của Mặt trận trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì thực hiện khảo sát, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân thuộc Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc.

Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì thực hiện khảo sát, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân thuộc Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc.

Ông Đàm Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Để thực hiện hiệu quả hoạt động GS,PBXH, ủy ban MTTQ các cấp của tỉnh đã bám sát Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức GS,PBXH để triển khai.

Quý IV hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đều chủ trì phối hợp với các đơn vị thành viên lựa chọn, hiệp thương thống nhất nội dung, phạm vi, đối tượng, hình thức GS,PBXH; xây dựng kế hoạch GS,PBXH để tổ chức thực hiện. Về nội dung GS, được hiệp thương, thống nhất trên cơ sở nắm bắt dư luận xã hội, những vấn đề được đông đảo người dân, cử tri quan tâm.

Đối với PBXH, căn cứ Nghị quyết của HĐND cùng cấp tại kỳ họp thường lệ cuối năm về nội dung văn bản sẽ trình tại kỳ họp tiếp theo, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hiệp thương, thống nhất với các đoàn thể chính trị - xã hội lựa chọn dự thảo văn bản chủ trì PBXH để đưa vào kế hoạch PBXH.

Để nâng cao chất lượng của hoạt động GS,PBXH, Ủy ban MTTQ các cấp và tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội (đối với cấp tỉnh); thường trực, các ban của HĐND, các cơ quan, tổ chức có liên quan thông qua việc mời đại diện tham gia tư vấn và các đoàn khảo sát, GS; tham gia ý kiến tại các cuộc PBXH do Ủy ban MTTQ tỉnh, đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì. Phát huy vai trò của thành viên hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn của ủy ban MTTQ các cấp; mời chuyên gia có kinh nghiệm trên các lĩnh vực tham gia GS, PBXH…

Trong 5 năm qua, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh đã chủ trì, tổ chức GS 1.385 chuyên đề bằng hình thức thành lập đoàn GS, trong đó: Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì 16 chuyên đề, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh 35 chuyên đề, cấp huyện thực hiện GS 88 chuyên đề và cấp xã thực hiện 1.246 chuyên đề.

Về hoạt động PBXH, ủy ban MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức PBXH đối với 525 dự thảo văn bản. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức PBXH 8 dự thảo văn bản của UBND tỉnh và nghị quyết của HĐND tỉnh. Các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh PBXH bằng hình thức tổ chức hội nghị 7 dự thảo văn bản.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp với đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp PB bằng hình thức tổ chức hội nghị 498 dự thảo văn bản; PB bằng hình thức gửi dự thảo văn bản được PBXH đến tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến 12 dự thảo văn bản.

Sau GS,PBXH, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đều ban hành văn bản kiến nghị, đề xuất nhiều nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với những quy định của pháp luật còn bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn hoặc những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với các văn bản được PBXH. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được kiến nghị cơ bản tiếp thu, giải quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập đã được chỉ ra.

Đơn cử, việc GS thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân thuộc Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc, Đoàn GS do Ủy ban MTTQ tỉnh trủ trì đã chỉ ra 9 tồn tại, hạn chế. Sau khi đề nghị khắc phục, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đã nghiêm túc tiếp thu và khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Thực tế cho thấy, thông qua hoạt động GS,PBXH, các cơ quan chức năng đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách triển khai tại địa phương và được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.

Ông Đàm Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, chia sẻ thêm: Nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động GS,PBXH, thời gian tới ủy ban MTTQ các cấp và tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức theo hướng chủ động; GS, PBXH theo chuyên đề, tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và những vấn đề bức xúc cử tri quan tâm.

Sông Hương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202408/giam-sat-phan-bien-vi-loi-ich-cua-nhan-dan-eb4056f/
Zalo