Giám sát kết quả thực hiện Đề án điều động Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh
Ngày 22/8, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh do ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng Ban Pháp chế làm Trưởng đoàn đến làm việc với Công an (CA) tỉnh giám sát kết quả thực hiện Đề án điều động CA chính quy đảm nhiệm các chức danh CA xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (viết tắt là Đề án). Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kiều Thế Lâm.
Theo báo cáo của CA tỉnh, công tác điều động lực lượng CA chính quy về đảm nhiệm các chức danh CA xã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, từ đó đã huy động được cả hệ thống chính trị vào việc sắp xếp bố trí lực lượng CA chính quy và lực lượng bán chuyên trách. Đội ngũ cán bộ được điều động về CA xã có trình độ, năng lực cao, được đào tạo cơ bản nghiệp vụ CA, phát huy được trình độ, năng lực công tác. Nhờ đó, tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở có những chuyển biến tích cực; vụ việc phức tạp được phát hiện kịp thời, không để phát sinh phức tạp, tạo được niềm tin trong Nhân dân.
Theo đó, giai đoạn 1 (đến ngày 27/3/2020), CA tỉnh đã bố trí được 220 CA chính quy về đảm nhiệm các chức danh CA xã ở 126/126 xã, thị trấn (126 Trưởng Công an, 73 Phó trưởng Công an, 21 Công an viên); giai đoạn 2 (từ ngày 1/1/2021 đến hết năm 2021) đã bố trí được 630 Công an chính quy về đảm nhiệm các chức danh CA xã ở 124/124 xã, thị trấn (123 Trưởng CA, 179 Phó trưởng CA, 328 CA viên), trong đó mỗi xã đều đảm bảo có 5 CA chính quy trở lên, đối với thị trấn bố trí 6 CA chính quy trở lên và CA xã biên giới bố trí 8 CA chính quy, đã hoàn thành vượt chỉ tiêu (100 CA xã là lực lượng chính quy) của Đề án.
Lực lượng CA xã bán chuyên trách, dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia cùng lực lượng CA chính quy trong công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn và phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, góp phần bảo đảm tốt tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Trên địa bàn tỉnh đã thành lập và kiện toàn được 645/698 Đội dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trong đó, có 645 Đội trưởng, 716 Đội phó và 4.993 Đội viên.
Tại buổi giám sát, đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện Đề án; thực hiện chính sách hỗ trợ thôi việc cho CA xã bán chuyên trách; giải quyết khiếu nại, kiến nghị trong thực hiện chính sách…
Đại tá Võ Thị Hoài Ngọc - Phó Giám đốc CA tỉnh tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát và thông tin thêm các vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở và những nội dung đoàn đã trao đổi, kiến nghị. Đồng thời, CA tỉnh tiếp tục tham mưu thực hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Đề án và các Nghị quyết của HĐND tỉnh; rà soát, kiểm tra các hồ sơ chưa thực hiện, đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách theo đúng quy định.
Phát buổi tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kiều Thế Lâm ghi nhận những kết quả đạt được của ngành CA trong thực hiện Đề án và đề nghị CA tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của lực lượng CA chính quy ở cơ sở trong công tác; đề xuất giải pháp thực hiện, hỗ trợ các chế độ, chính sách cho lực lượng không tiếp tục tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng Ban Pháp chế ghi nhận những ý kiến, đề xuất của CA tỉnh và yêu cầu CA tỉnh tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành liên quan trong việc triển khai, rà soát các quy định của pháp luật về giải quyết chế độ, chính sách đối với lực lượng dôi dư, khi thôi việc ở cơ sở; các hồ sơ còn tồn đọng, chưa giải quyết. Đồng thời, đề nghị các ngành liên quan, Sở Tài chính quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn CA tỉnh về kinh phí trong thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến các Nghị quyết của HĐND tỉnh.