'Giám sát' camera trong nhà, ngoài ngõ

Mới đây, sự việc một chủ nhà trọ ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội lắp đặt camera quay lén trong nhà vệ sinh, phòng trọ để theo dõi người thuê trọ đã bị phát hiện, công an vào cuộc xử lý.

Chủ nhà trọ sau đó đã thừa nhận hành vi quay lén để phục vụ sở thích quái đản của cá nhân. Một vụ việc khác, đầu tháng 7-2024, Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) khởi tố một đối tượng vào khách sạn lắp đặt camera quay lén để tống tiền nạn nhân. Sự việc tương tự như trên lâu nay xảy ra ở không ít nơi, gây bức xúc dư luận, cho thấy việc lợi dụng các thiết bị camera quay lén hình ảnh, video đời tư cá nhân để xem, rồi cắt ghép, tán phát trên internet, thậm chí dùng để bôi nhọ danh dự, uy tín, tống tiền nạn nhân đã đến mức báo động.

Vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Chính phủ quy định. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Công Thương

Vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Chính phủ quy định. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Công Thương

Camera là công cụ được sử dụng khá phổ biến, mang lại nhiều lợi ích trong hoạt động giám sát công vụ và cộng đồng dân cư, nhất là bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm ở cơ sở; quản lý, điều khiển hoạt động từ xa trong nhiều lĩnh vực đời sống, sản xuất, kinh doanh. Với yêu cầu bảo vệ, giám sát tài sản của gia đình mình, nhiều người đã lắp đặt camera ở khu vực chung như: Cửa nhà, hành lang, đường phố trước nhà, công xưởng...; hoặc một số cơ sở giáo dục đặt camera để giám sát học sinh, giúp phụ huynh theo dõi và phục vụ công tác quản lý. Tuy nhiên, do một số kẽ hở của pháp luật như chưa quy định chặt chẽ việc cá nhân lắp đặt camera ở trong nhà, ngoài ngõ, cơ sở kinh doanh; vị trí lắp đặt; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân từ camera lắp đặt trong nhà hoặc không ít cá nhân do chưa nắm rõ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nên dẫn đến tình trạng sử dụng các nguồn dữ liệu không đúng mục đích, có lúc vô tình hay cố ý đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp về bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân.

Vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17-4-2023, nêu rõ thẩm quyền ghi hình và trách nhiệm liên quan trong xử lý dữ liệu cá nhân thu được từ hoạt động ghi hình phục vụ vào mục đích chính đáng; cơ quan có thẩm quyền khi ghi hình có trách nhiệm thông báo cho người bị ghi âm, ghi hình biết. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình phải được người đó và gia đình đồng ý. Các hành vi quay camera về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân rồi tán phát, gây xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín sẽ bị xử lý hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Những camera ở khu vực công cộng hoặc nhà dân, các cơ quan tố tụng mới có quyền yêu cầu trích xuất dữ liệu phục vụ hoạt động công vụ, điều tra, phá án, giải quyết những sự việc tranh chấp, bảo vệ trị an...

Theo nhiều chuyên gia, luật sư, pháp luật quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì thế, để vấn đề quyền con người được bảo đảm ở hình ảnh, dữ liệu cá nhân không bị xâm phạm, cần đặt ra những quy định, quản lý giám sát hoạt động lắp đặt camera, sử dụng dữ liệu cá nhân của con người. Đặc biệt, cần có quy định việc lắp đặt camera ở những vị trí, góc quay, khung hình trong phạm vi không gian cho phép. Hơn nữa, chính quyền và ngành chức năng ở cơ sở cần nâng cao quản lý, giám sát việc lắp đặt camera bằng việc nắm rõ các hộ gia đình, cơ sở sử dụng camera để quản lý, phục vụ truy xuất đấu tranh với tội phạm; cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân, cơ sở lắp đặt camera nắm vững quy định trong việc quản lý, trích xuất và sử dụng dữ liệu camera đúng quy định, không được tán phát hay sử dụng trái quy định pháp luật. Như thế mới bảo đảm hoạt động sử dụng camera đúng quy định, phát huy lợi ích, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, quyền con người được bảo vệ trong xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ.

ĐẶNG TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giam-sat-camera-trong-nha-ngoai-ngo-785263
Zalo