Giảm nghèo từ phát triển nghề làm bánh khẩu sli

Xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế chưa được khai thác hết, trong đó có nghề làm bánh khẩu sli truyền thống. Với những lợi thế sẵn có và một chiến lược phát triển bài bản, nghề làm bánh khẩu sli thông qua mô hình HTX Nà Giàng đang trở thành 'đòn bẩy' góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy giảm nghèo trên địa bàn.

Bánh khẩu sli tiếng địa phương của người Tày, Nùng là bánh gạo nếp nổ, cũng có thể hiểu là bánh bỏng. Bánh khẩu sli không chỉ là một món ăn vặt dân dã mà còn mang trong mình giá trị văn hóa sâu sắc của vùng đất Cao Bằng. Hương vị đặc trưng, sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp cái hoa vàng, lạc, vừng và mạch nha đã tạo nên một sản phẩm độc đáo, hấp dẫn người tiêu dùng.

Nhiều lợi thế “đính kèm”

Trong bối cảnh thị trường ngày càng ưa chuộng các sản phẩm truyền thống, mang đậm bản sắc vùng miền, bánh khẩu sli Phù Ngọc có cơ hội lớn để khẳng định vị thế của mình.

Đặc biệt, bánh khẩu sli Phù Ngọc mang hương vị đặc trưng, khác biệt so với các sản phẩm tương tự ở những vùng khác. Câu chuyện văn hóa gắn liền với sản phẩm cũng là một yếu tố thu hút khách hàng, tạo nên những giá trị khác biệt và tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm này.

Trước những tiềm năng này, xã Phù Ngọc và huyện Hà Quảng đã thành lập HTX Khẩu Sli Nà Giàng nhằm liên kết người dân cùng phát triển nghề làm bánh truyền thống. Theo các thành viên HTX Nà Giàng, xã Phù Ngọc nói riêng, huyện Hà Quảng nói chung có lợi thế về nguồn nguyên liệu gạo nếp cái hoa vàng, lạc vừng chất lượng, dồi dào, giúp giảm chi phí sản xuất và đảm bảo tính tươi ngon của sản phẩm.

Trong khi, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tự nhiên, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng. Bánh khẩu sli truyền thống do HTX sản xuất theo quy trình, có xuất xứ rõ ràng, được đầu tư bao bì nên hoàn toàn đáp ứng được xu hướng này.

Bên cạnh đó, Cao Bằng là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Việc phát triển nghề làm bánh khẩu sli thông qua HTX có thể gắn kết với du lịch cộng đồng, tạo ra trải nghiệm văn hóa ẩm thực độc đáo cho du khách, đồng thời mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.

Chiến lược phát triển bền vững

Để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế của nghề làm bánh khẩu sli, HTX Nà Giàng đã triển khai một chiến lược phát triển toàn diện. Trong đó, việc đầu tiên là HTX tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm bằng việc đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất. Đi liền với đó, HTX thiết lập các tiêu chuẩn cụ thể về nguyên liệu, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm để tạo dựng uy tín và lòng tin cho người tiêu dùng.

Bánh khẩu sli Nà Giàng đã có nhiều phiên bản khác nhau.

Bánh khẩu sli Nà Giàng đã có nhiều phiên bản khác nhau.

HTX cũng chú trọng nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Bên cạnh bánh khẩu sli truyền thống, HTX đã nghiên cứu phát triển các biến tấu mới với các dòng sản phẩm đóng gói tiện lợi, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Để đạt được chứng nhận OCOP, ban giám đốc HTX đã đầu tư vào thiết kế bao bì đẹp mắt, hấp dẫn, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và câu chuyện văn hóa. Việc tận dụng yếu tố văn hóa truyền thống để xây dựng câu chuyện thương hiệu độc đáo, tạo sự kết nối cảm xúc với khách hàng là cách giúp bánh khẩu sli được người tiêu dùng đón nhận.

Với mong muốn đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với nhiều người, HTX đang đa dạng hóa kênh phân phối như chợ địa phương, cửa hàng tạp hóa song song với các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng đặc sản, sàn thương mại điện tử.

Loại bánh này trước kia chỉ được người dân làm trong dịp lễ, Tết hay nhà có việc trọng đại. Nhưng hiện nay thông qua hàng loạt các chiến lược phát triển đồng bộ của HTX Nà Giàng, sản phẩm đã trở thành đặc sản nổi tiếng, một món quà của mỗi du khách khi đến tham quan khu di tích lịch sử quốc gia Pác Bó.

Theo các thành viên HTX, trước đây, do sản phẩm được sản xuất rải rác ở các hộ dân trong những dịp lễ, Tết và chỉ được đóng trong túi nilon thông thường không có nhãn mác, địa chỉ sản xuất cũng như các thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng nên sản phẩm chưa có thị phần rộng ngay tại thị trường trong tỉnh. Người mua bánh cũng ít, đa số là người dân huyện Hà Quảng và một số địa phương lân cận. Họ chỉ mua bánh để dùng vào việc sắp lễ trong các dịp Tết cổ truyền của dân tộc chứ chưa có thói quen sử dụng như một loại thực phẩm thông dụng như các loại bánh kẹo khác. Chính vì vậy, sản xuất khẩu sli chưa trở thành một nghề và chưa đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Nghề tiềm năng, tăng thu nhập

Tuy nhiên, việc loại bánh này được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, đồng thời thành lập HTX Dịch vụ thương mại Nà Giàng đã giúp thống nhất quản lý trong sản xuất, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo đáp ứng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Đến nay, quy trình đóng gói của bánh đã đầy đủ thông tin cần thiết như các loại bánh kẹo có thương hiệu uy tín khác trên thị trường. Người tiêu dùng yên tâm về các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi sử dụng khẩu sli Nà Giàng. Nhờ vậy, sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, lựa chọn và tin dùng với thế mạnh là một sản phẩm đặc sản nổi bật của Cao Bằng. Điều này tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX.

Sản phẩm được đầu tư bao bì trước khi đưa ra thị trường.

Sản phẩm được đầu tư bao bì trước khi đưa ra thị trường.

Trước đây, thị trường tiêu thụ sản phẩm khẩu sli chỉ giới hạn trong các huyện trên địa bàn tỉnh thì hiện nay, sản phẩm đã được một số nhà buôn tại Thái Nguyên, Hà Nội... nhập về bán. Hiện nay, mô hình sản xuất của HTX đã thu hút khoảng 60 hộ gia đình tham gia và cùng sử dụng nhãn hiệu “khẩu sli Nà Giàng” và đưa việc sản xuất bánh thành một nghề tiềm năng.

Theo đó, thông qua HTX cũng có tổ kiểm tra, giám sát để kiểm tra chặt chẽ chất lượng sản phẩm trước khi đóng gói để đưa ra thị trường tiêu thụ. Bánh khẩu sli Nà Giàng được bán với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/phong, loại đóng hộp giá 35.000 đồng/hộp, giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập. Đây cũng là một trong những lĩnh vực kinh tế thế mạnh của địa phương, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống dưới 5%.

Ngoài ra, HTX cũng được huyện, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ có các gian hàng đặc thù của địa phương. Đây là cơ hội để HTX giới thiệu tiềm năng, kết nối cung cầu, mở đầu ra cho sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế.

Trải qua nhiều nỗ lực, bánh khẩu sli Nà Giàng bước đầu đã có thương hiệu, nhiều người biết đến. Nhưng quá trình phát triển, những người làm nghề này vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Cụ thể là HTX Nà Giàng thành lập đã có tư cách pháp nhân đứng ra để hỗ trợ thành viên vay vốn, tạo sự đồng thuận cao trong sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu phát triển, khẳng định thương hiệu sản phẩm của HTX.

Trước mắt, để phát triển bền vững và giữ được nét đặc trưng của sản phẩm, HTX xác định sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả một số máy móc, thiết bị, kết hợp với chế biến thủ công, tránh việc lạm dụng đưa toàn bộ công nghệ vào chế biến, nguy cơ mất hương vị truyền thống.

Song song đó, các thành viên HTX cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về vốn, đào tạo, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả của mô hình sản xuất. Từ đó, HTX có thể thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư công nghệ, phát triển kênh phân phối và marketing chuyên nghiệp.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/gia-m-nghe-o-tu-phat-trien-nghe-lam-banh-khau-sli-1106036.html
Zalo