Giảm nghèo phải bắt đầu từ khoa học, công nghệ

Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt của các địa phương. Riêng đối với các huyện khó khăn như Đam Rông, đây là nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu, gắn với hoạt động sản xuất, giúp người dân từng bước giảm nghèo.

Vườn cúc mẫu đơn công nghệ cao tại HTX Sản xuất nông nghiệp Đạ K’nàng, huyện Đam Rông. Ảnh: CP

Vườn cúc mẫu đơn công nghệ cao tại HTX Sản xuất nông nghiệp Đạ K’nàng, huyện Đam Rông. Ảnh: CP

Từ năm 2019, huyện Đam Rông đã ban hành Nghị quyết 12 về sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững, từng bước ứng dụng công nghệ cao. Ngành Nông nghiệp địa phương cũng từ đây dần có sự khởi sắc qua từng năm. Giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn huyện Đam Rông đã triển khai thực hiện 4 nhiệm vụ ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ. Tất cả các ứng dụng, chuyển giao đều phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp cho người dân trên địa bàn như công nghệ ươm giống, trồng cà chua Beef trên giá thể áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt… Qua đánh giá, các mô hình cơ bản phù hợp với nhu cầu, điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất của người dân, từng bước đưa các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang triển khai đề tài nông thôn miền núi cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển bền vững ngành trồng dâu, nuôi tằm tại huyện Đam Rông” tại 3 xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông (huyện Đam Rông). Từ mô hình này, nhiều nông hộ áp dụng và đạt kết quả vượt trội (từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm). Bên cạnh đó, huyện Đam Rông cũng đang ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả ven sông, suối sang trồng dâu, nuôi tằm; tái canh, ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp; trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê…

Với nhiều giải pháp về khoa học, công nghệ nêu trên, đến cuối năm 2024, huyện Đam Rông có khoảng 1.099 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các loại cây trồng chính gồm: rau, hoa thương phẩm, cây ăn quả và cây công nghiệp khác… Toàn huyện có 15 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản như: kén tằm, rau, củ, quả, mắc ca, sầu riêng, dứa mật, trái vải, lúa gạo, cá tầm với trên 1.100 hộ tham gia, sản lượng nông sản qua chuỗi trên 11.500 tấn. Toàn huyện có 18 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và tất cả sản phẩm này đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Mới đây nhất, 2 sản phẩm sầu riêng và dứa mật Đam Rông đã được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Đây là 2 sản phẩm đầu tiên của địa phương này được cấp nhãn hiệu. Điều này mở ra hướng đi bền vững cho huyện khó khăn này.

Theo ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, địa phương đang triển khai thực hiện nhiệm vụ theo các nội dung, giải pháp trong Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03 của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia phù hợp điều kiện huyện Đam Rông. Riêng trong năm 2025, địa phương triển khai trọng tâm các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ 4.0 để giải quyết các vấn đề cấp thiết như: Quản lý các công trình thủy lợi, cảnh báo cháy rừng, quản lý rừng, nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ,... Đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ, thực hiện đăng ký nhiều chỉ dẫn địa lý; triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc của huyện, kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia đối với các sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Thu hút, phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào hoạt động, kinh doanh tại địa phương.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, huyện Đam Rông đang thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, địa phương đã đẩy mạnh việc quán triệt, học tập các nghị quyết, triển khai các kế hoạch của cấp trên về phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… trong toàn hệ thống chính trị để các đơn vị, địa phương nắm rõ và chủ động triển khai thực hiện. Nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định cụ thể trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, kết quả thực hiện là tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm.

Huyện Đam Rông cũng khuyến khích tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó đặc biệt yêu cầu sự gương mẫu, đi đầu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đồng thời chú trọng việc giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ. Có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực trong lĩnh vực này…, góp phần phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

NGỌC NGÀ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/giam-ngheo-phai-bat-dau-tu-khoa-hoc-cong-nghe-78b566c/
Zalo