Giảm nghèo khởi sắc nhờ gạo Lắk có thương hiệu
Tháng 4 vừa qua, nhãn hiệu 'Gạo huyện Lắk' đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận. Đây là khởi đầu quan trọng để địa phương triển khai các bước tiếp theo nhằm 'danh chính ngôn thuận' đưa thương hiệu gạo huyện Lắk đến với thị trường trong và ngoài nước. Thương hiệu gạo Lắk cũng giúp cho thành viên các HTX, hộ dân liên kết nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, từ đó đóng góp lớn hơn vào mục tiêu giảm nghèo của huyện.
Lãnh đạo địa phương cho biết, để xây dựng thương hiệu gạo, ngày 28/2/2022, Huyện ủy Lắk (tỉnh Đắk Lắk) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về định hướng xây dựng thương hiệu gạo huyện Lắk. Theo đó, thương hiệu gạo huyện Lắk được xây dựng dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu thương mại nhằm mục tiêu quảng bá, quản lý và bảo vệ sở hữu trí tuệ. Quan điểm chung là xây dựng thương hiệu gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật, chế biến, bảo quản, đóng gói và phân phối, tiếp thị.
Những vựa lúa vàng trên cao nguyên đất đỏ
Buôn Tría trong mùa gặt, mùi rơm mới, tiếng máy tuốt lúa vang lên hòa cùng tiếng gọi nhau bằng tiếng mẹ đẻ M’nông, Êđê, tạo nên một bản giao hưởng mùa màng đầy sức sống. Một Đắk Lắk trong vóc dáng đồng bằng hiện diện khi xuôi theo Quốc lộ 27, bắt đầu từ địa phận xã Yang Tao đến Buôn Triết, Buôn Tría (huyện Lắk) có những cánh đồng lúa đẹp như tranh…

Tổng diện tích gieo trồng lúa hằng năm trên địa bàn huyện Lắk vào khoảng 15.000ha.
Huyện Lắk có thế mạnh về sản xuất lúa nước, với tổng diện tích gieo trồng lúa hằng năm khoảng 15.000ha tập trung chủ yếu ở 3 vựa lúa lớn ở các xã: Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết. Tổng sản lượng lúa 2 năm gần đây (2023 - 2024) của huyện Lắk đạt từ 91.000 - 95.000 tấn.
Cơ cấu giống lúa được sử dụng trong sản xuất tương đối phong phú và phù hợp với điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất và sản lượng cao: Đài thơm 8, RVT, ST24, ST25.
Chia sẻ niềm vui khi gạo huyện Lắk được cấp giấy đăng ký chứng nhận nhãn hiệu riêng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ khẳng định: “Chứng nhận này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các HTX, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh gạo trên địa bàn huyện được quyền sử dụng nhãn hiệu và kinh doanh sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
Thời gian tới, huyện sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn đặc thù cho các HTX. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong chọn tạo giống lúa phù hợp. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách đất đai để thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo trên địa bàn huyện, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng gạo. Đồng thời, đưa các sản phẩm gạo vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo huyện Lắk trên thị trường.
HTX là “đầu tàu” liên kết
Trên địa bàn huyện Lắk hiện có 3 HTX sản xuất lúa theo hướng VietGAP, với tổng diện tích khoảng 154ha và đã được cấp giấy chứng nhận, gồm: HTX Sản xuất, phân phối giống cây trồng và Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Nguyên, tổng diện tích 33ha, 29 hộ tham gia; HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ nông lâm ngư nghiệp Thiên Phú, tổng diện tích 40 ha, 16 hộ tham gia; HTX Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải, tổng diện tích 81 ha, 34 hộ tham gia.

Huyện Lắk luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX và nông dân, hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình liên kết sản xuất.
Để xây dựng thương hiệu lúa gạo cho địa phương, trong những năm qua, huyện Lắk luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX và nông dân, hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình liên kết sản xuất. Điển hình như đã hỗ trợ kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng cho HTX Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải thực hiện Dự án Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa theo hướng liên kết chuỗi giá trị.
Theo đó, HTX đã quy hoạch vùng sản xuất, thực hiện mô hình cánh đồng lớn sản xuất theo chuỗi giá trị, với diện tích mỗi năm 200ha và 124 hộ tham gia, tổng sản lượng liên kết đạt 3.780 tấn lúa các loại bán ra thị trường. Tính đến cuối năm 2024, HTX đã có 81ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện nay, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm gạo sạch Thái Hải đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Nguyễn Ngọc Côn, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất và Dịch vụ nông ngư nghiệp Thái Hải cho hay, nhằm nâng cao giá trị hạt lúa của địa phương, HTX đã phát triển lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó phát triển thương hiệu “Gạo sạch Thái Hải”.
Đồng thời, HTX đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị, đổi mới các loại giống lúa chất lượng cao, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… nhằm bắt kịp xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Nhờ vậy, sản lượng lúa của HTX luôn đạt từ 11 – 12 tấn/ha, được thương lái thu mua với giá cao hơn thị trường 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy thời điểm. Thành công này không chỉ mang lại thu nhập cao, ổn định hơn cho thành viên HTX, mà còn khẳng định tiềm năng của hạt gạo Đắk Lắk khi được đầu tư đúng hướng.
UBND huyện Lắk cho biết, toàn huyện có 29 HTX, trong đó có 17 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong những năm qua, các HTX nông nghiệp đã có sự phát triển cả về lượng và chất, mô hình hoạt động đa dạng, cung ứng dịch vụ gắn với chuỗi giá trị. Việc sử dụng máy bay phun thuốc, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ sấy nông sản được các HTX tích cực ứng dụng vào hoạt động sản xuất, chế biến, mang lại năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao.
Chung tay vì mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững
Cùng với các hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông nội đồng để thuận tiện trong hoạt động đi lại, sản xuất và vận chuyển nông sản nói chung, lúa nói riêng được chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Lắk quan tâm. Hằng năm, từ các nguồn vốn khác nhau, nhiều tuyến đường giao thông nội đồng đã được làm mới, duy tu, sửa chữa.
Đơn cử như năm 2022, từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện, đường trục chính giao thông nội đồng tại cánh đồng lúa thôn Buôn Tung 1, xã Buôn Triết được đầu tư xây dựng, với tổng mức 2,5 tỷ đồng; đường trục chính giao thông nội đồng tại cánh đồng lúa thôn Đông Giang, xã Buôn Tría, tổng mức đầu tư hơn 1,9 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ngân sách nhà nước ngoài đầu tư công, năm 2024 đã phân bổ 850 triệu đồng để sửa chữa kênh mương Nông trường 8/4 (xã Buôn Tría).
Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các địa phương như xã Buôn Tría, Buôn Triết thực hiện tốt việc huy động sức dân để tham gia làm đường giao thông nội đồng. Nhờ vậy, đến nay, nhiều trục đường giao thông nội đồng đã được bê tông hóa, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản, thuận tiện cho cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất cây lúa nước.
Trong năm 2024, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Lắk đạt 3.161 tỷ đồng. Huyện cũng đã xây dựng được 3 vùng nguyên liệu sản xuất lúa tập trung gắn với tiêu thụ có diện tích 114,7ha.
Đồng thời, huyện cũng chuyển đổi được 904,7ha đất trồng lúa kém hiệu quả, khó khăn về nước tưới sang trồng các loại cây khác như khoai lang, rau màu; hơn 5.512ha cà phê, điều được người dân đưa khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, từ năm 2021 - 2025 địa phương đã chú trọng xây dựng 71 HTX, tổ hợp tác và 44 trang trại trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng được 5 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong huyện với người dân; phát triển được 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.
UBND huyện Lắk cho biết, địa phương đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả cao. Theo đó, đầu năm 2024, toàn huyện có 4.048 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 20,95% tổng số hộ trên địa bàn) và 3.240 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 16,77%). Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,32%, còn 3.405 hộ (chiếm 17,63%); hộ cận nghèo giảm 1,75%, còn 2.900 hộ (chiếm 15,02%). Trong đó, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 6,46%.
Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, địa phương đã triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo điều kiện cho bà con thực hiện các mô hình sinh kế giúp giảm nghèo bền vững. Đồng thời, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên, người lao động, người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn theo cơ chế thủ tục cho vay và thu hồi vốn đơn giản, thuận tiện. Huyện cũng đã phối hợp với các ban ngành ở trung ương và địa phương, trong đó có Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk tổ chức các buổi tập huấn cho các HTX và tổ hợp tác về công nghệ sản xuất mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, hướng dẫn cách tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, đặc biệt là từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX… Thông qua sự hỗ trợ của các đơn vị của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk, nhiều HTX cũng đã được tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại được tổ chức trên địa bàn tỉnh và cả nước, từ đó quảng bá sản phẩm của mình ngày một rộng rãi hơn.
Huyện phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 toàn huyện giảm 50% so với đầu kỳ; Giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, nhất là địa bàn đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách về điều kiện sống của người dân giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bào người Kinh và người dân tộc thiểu số.