Giảm nghèo - định hướng lớn, lâu dài trong đường lối của Đảng

Chăm lo lợi ích, hạnh phúc cho nhân dân là truyền thống quý báu của Đảng và Nhà nước ta. Đã có rất nhiều nghị quyết được ban hành, nhiều chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được hoạch định ở nhiều thời điểm khác nhau, nhưng mục tiêu cơ bản, xuyên suốt, bao trùm và cao nhất luôn là 'vì dân phục vụ'.

Ảnh: Đ.Hòa

Ảnh: Đ.Hòa

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khi chưa có điều kiện chăm lo, giải quyết ruộng đất cho nông dân, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, nhằm từng bước mang lại quyền lợi dân chủ cho nhân dân, mà trước hết là nông dân... Bước vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là những năm gần đây, nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế, sự tập trung ưu tiên và những nỗ lực to lớn trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đất nước ta đã đạt những bước tiến vượt bậc, hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói, giảm nghèo, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao rõ rệt. Có được kết quả đó là nhờ Đảng ta luôn xác định mục tiêu cao nhất là chăm lo, phục vụ lợi ích, hạnh phúc của nhân dân. Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”. Một nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam đó là trong những năm qua các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo cho người nghèo, bằng nhiều hoạt động nhằm tạo thêm động lực, niềm tin, sức mạnh để người nghèo vươn lên trong cuộc sống.

Xác định năm 2024 là năm gần cuối giai đoạn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 90, ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, huy động sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn tỉnh nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là năm 2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua 2 năm triển khai Nghị quyết, các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tập trung chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực. 3 trụ cột kinh tế tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng. Theo đó, GRDP bình quân đầu người của tỉnh được nâng lên, năm 2023 đạt 3.641,2 USD, tăng 1,15 lần, năm 2024 đạt 3.847,3 USD, tăng 1,23 lần so với năm 2020.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị trong toàn tỉnh cần tập trung nguồn lực để thực hiện đồng bộ các dự án, tiểu dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo bền vững gắn với các chính sách đặc thù của tỉnh, nhất là Nghị quyết số 12, ngày 11/11/2022 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về một số chủ trương, giải pháp nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm thay đổi về nhận thức và hành động của người dân trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo để từ đó người nghèo được học tập kinh nghiệm. Tập trung triển khai các mô hình giảm nghèo tại các xã khó khăn, lựa chọn những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp và hiệu quả đối với điều kiện của địa phương. Tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với xuất khẩu lao động, thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là đối với lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để họ có thể tự tạo việc làm tại chỗ hoặc tìm việc làm trên thị trường lao động và đi lao động ở nước ngoài. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, kêu gọi vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách có nhà ở bị hư hỏng nặng, ưu tiên hộ nghèo là người có công, người cao tuổi, người khuyết tật...

Đặc biệt là thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại địa phương, nhất là tại các xã thụ hưởng từ chương trình. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 và phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong toàn tỉnh.

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/giam-ngheo-dinh-huong-lon-lau-dai-trong-duong-loi-cua-dang-127088.html
Zalo