Giảm nghèo bền vững nhìn từ tỉnh Thừa Thiên - Huế

Việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình MTQG và Quỹ 'Vì người nghèo', giúp công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, việc huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia năm 2024 là minh chứng rõ nét nhất.

Trong 2 năm, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây mới, sửa chữa hơn 5.000 ngôi nhà. Ảnh: N.Q.

Trong 2 năm, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây mới, sửa chữa hơn 5.000 ngôi nhà. Ảnh: N.Q.

Sửa chữa, xây mới hơn 5.000 ngôi nhà

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; chính quyền, các đơn vị liên quan cùng sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân… Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, góp phần giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong công tác giảm nghèo bền vững, từ nguồn quỹ vận động được, từ năm 2021 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã sử dụng để giúp đỡ hỗ trợ người nghèo trong việc xóa nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn sản xuất... với số tiền 49,366 tỷ đồng.

Ngoài ra, công tác vận động nguồn lực, thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả thiết thực. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực đã vận động đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện công tác an sinh xã hội; kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ đoàn viên, hội viên về vốn sản xuất, giống cây con, xây dựng, sửa chữa nhà ở, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo việc làm cho người nghèo… với tổng số tiền 692,525 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Ái Vân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong những năm qua, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức thành viên quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực, các chính sách đối với người nghèo được thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Ảnh: N.Q.

Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển. Ảnh: N.Q.

Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, tạo nguồn lực to lớn để chung tay chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.

Trong 2 năm qua (từ năm 2022 đến nay), toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa trên 5.000 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 326 tỷ đồng.

Đặc biệt, riêng ở huyện miền núi A Lưới đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa cho 3.750 ngôi nhà từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và từ các nguồn huy động khác. Riêng trong năm 2024, MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã trích hơn 22 tỷ đồng từ Quỹ "Vì người nghèo" để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 4 công trình dân sinh; xây dựng mới, sửa chữa 550 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ vốn sản xuất cho 266 hộ nghèo.

“Những kết quả đó đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong năm 2023 xuống còn 2,27% và huyện A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia năm 2024”, bà Vân cho biết.

Khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Sức sống mới ở vùng cao A Lưới, huyện miền núi vừa được Thủ tướng công nhận thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Ảnh: N.Q.

Sức sống mới ở vùng cao A Lưới, huyện miền núi vừa được Thủ tướng công nhận thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Ảnh: N.Q.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là huyện miền núi A Lưới phải thoát khỏi huyện nghèo quốc gia. Do đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung nguồn lực của Trung ương, địa phương và huy động khác để đầu tư, triển khai thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, đặc biệt là về tạo việc làm, an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế cho người dân.

Bằng sự quyết tâm, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bên cạnh những chính sách phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là sự chung sức đồng lòng của người dân, huyện nghèo A Lưới đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát khỏi huyện nghèo quốc gia năm 2024, vượt trước kế hoạch đề ra 1 năm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, việc huyện A Lưới được công nhận thoát khỏi huyện nghèo quốc gia trước thời hạn 1 năm là cả quá trình nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân huyện A Lưới. Đặc biệt, việc lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các Chương trình MTQG, công tác tuyên truyền để người dân tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo là một trong những tiền đề quan trọng để địa phương đạt được những kết quả trên.

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững gắn với phong trào thi đua “Thừa Thiên Huế chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, có hiệu quả trong việc tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, khuyến khích làm giàu chính đáng, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Đây là thành quả và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận các cấp đã góp phần trong việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo thông qua nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn…, tác động tích cực đến đời sống của nhân dân.

Đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân các đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng lên. Ảnh: N.Q.

Đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần của người dân các đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng lên. Ảnh: N.Q.

Bên cạnh đó, Quỹ “Vì người nghèo” còn lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và đời sống, công trình dân sinh, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi... Qua đó, tạo thêm nguồn lực quan trọng đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, với những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động, tiếp nhận ủng hộ và phân bổ Quỹ “Vì người nghèo”, các chương trình an sinh xã hội do MTTQ các cấp trong tỉnh chủ trì đã góp phần quan trọng và hiệu quả vào việc triển khai Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm qua.

Theo ông Nguyễn Tiến Nam, thời gian tới, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên tiếp tục công tác chăm lo cho người nghèo; triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025”, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của tỉnh.

Nguyễn Quốc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giam-ngheo-ben-vung-nhin-tu-tinh-thua-thien-hue-10293055.html
Zalo