Giảm mức định lượng cấu thành tội phạm để xử lý nghiêm các tội phạm về môi trường
Theo quy định mới mức định lượng về chất thải thải ra môi trường để cấu thành tội phạm đã được giảm xuống ở các tội phạm về môi trường.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (Luật sửa đổi) 2025 có hiệu lực từ ngày 1-7 đã sửa đổi, bổ sung những quy định mới liên quan đến nhóm tội phạm về môi trường.
Cụ thể, Luật sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung về các tội Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường), Điều 236 (tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại), Điều 237 (Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường), Điều 238 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông) và Điều 239 (Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam).

Bãi chất thải lớn được Công an tỉnh Bình Dương (cũ) phát hiện và đã khởi tố chủ doanh nghiệp chôn lấp số chất thải này. Ảnh: LA
Các tội danh này được sửa đổi theo hướng hạ thấp mức định lượng làm căn cứ cấu thành tội phạm, định khung, định khoản; đặc biệt là các loại hành vi chôn, lấp, xả chất thải ra môi trường. Cạnh đó là nâng mức hình phạt (nâng mức phạt tiền, phạt tù) để đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ví dụ: ở tội gây ô nhiễm môi trường, tại khoản 1 của tội này dấu hiệu cấu thành tội phạm là chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kg đến dưới 3.000 kg chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại (trước ngày 1-7 là từ 3.000 kg đến dưới 5.000 kg).
Hay như đối với hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường phải từ 100.000 kg đến dưới 200.000 kg hoặc từ 70.000 kg đến dưới 100.000 kg nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính (trước ngày 1-7 phải từ 200.000 kg đến dưới 500.000 kg mới cấu thành tội phạm).
Về điều chỉnh nâng mức hình phạt, khoản 1 Điều 236 (tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại) quy định người nào có thẩm quyền mà cho phép chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại... thì bị phạt tiền 100-400 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 2-3 năm. Trước ngày 1-7 hình phạt chỉ là phạt tiền 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Hay như mức phạt tiền ở khoản 1 tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237) cũng được nâng lên gấp đôi khi người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 1 tỉ đồng (trước ngày 1-7 chỉ bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng.
Đưa chất thải vào Việt Nam có thể bị phạt đến 10 tỉ đồng
Điều 239 Luật sửa đổi quy định người nào đưa chất thải từ 1.000kg đến dưới 3.000kg chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại vào lãnh thổ Việt Nam trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 400 triệu đồng đến 2 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Phạm tội thuộc khoản 3 của tội danh này (đưa vào Việt Nam trên 5 tấn chất thải nguy hại đặc biệt) thì bị phạt tiền từ 4-10 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 5-10 năm tù.
Trong khi đó trước ngày 1-7 thì người phạm tội danh này ở khoản 1 thì chỉ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội ở khoản 3 thì phạt tù từ 5-10 năm tù (không quy định phạt tiền đến 10 tỉ đồng).