Giảm mất cân bằng giới tính khi sinh: Khó khăn ở Lộc Bình

Mặc dù các cấp ủy, chính quyền, cơ quan dân số huyện Lộc Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhưng những năm qua, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn vẫn còn ở mức cao (119,9 bé trai/100 bé gái), cao nhất trong các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ dân số xã Minh Hiệp tuyên truyền chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình tại hộ dân

Cán bộ dân số xã Minh Hiệp tuyên truyền chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình tại hộ dân

Ở tuổi 42, chị L.T.H, thôn Tằm Lịp, xã Khánh Xuân đã có 10 lần mang thai và sinh được 8 cô con gái. Lần gần đây nhất năm 2022, khi đã có cháu ngoại, chị H vẫn cố sinh thêm con trong tình trạng sức khỏe không đảm bảo. Do áp lực từ phía gia đình phải “sinh con trai nối dõi” nên vợ chồng chị đã nhiều lần phải sinh thêm con mặc dù kinh tế gia đình không khá giả.

Chị Đinh Thị Mơ, cán bộ dân số Trạm Y tế xã Khánh Xuân kể: Chúng tôi đã nhiều lần cùng với lãnh đạo UBND xã, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện vào tận nhà tuyên truyền, vận động vợ chồng chị H. không sinh thêm con. Nhưng do quan niệm “trọng nam, khinh nữ” của gia đình nhà chồng nên chị H. không dám làm trái ý. Không chỉ riêng trường hợp này, trên địa bàn xã cũng có một số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên vì thế, tỷ lệ sinh con thứ ba, mất cân bằng giới tính khi sinh của xã hiện vẫn đang ở mức cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, xã có 24 trẻ được sinh ra trong đó có 14 bé trai, 10 bé gái.

Không riêng Khánh Xuân, nhiều xã trên địa bàn huyện Lộc Bình vẫn còn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Chị Hoàng Thị Mừng, cán bộ Dân số Trạm Y tế xã Thống Nhất cho biết: Xã có địa bàn rộng, dân số đông với trên 1.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Tư tưởng lạc hậu “Trọng nam, khinh nữ” vẫn tồn tại trong khi công tác tuyên truyền còn hạn chế do địa bàn rộng, một số thôn dân cư thưa thớt với nhiều dân tộc thiểu số… Chính vì thế, tình trạng sinh con thứ ba, mất cân bằng giới tính khi sinh của xã vẫn cao.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Lộc Bình có nguyên nhân chủ yếu là do tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, nhiều dòng họ, gia đình muốn có con trai để nối dõi tông đường. Trong khi đó công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn huyện rộng, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí không đồng đều; nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông ít; đội ngũ cán bộ dân số xã, cộng tác viên dân số phải kiêm nhiệm nhiều việc… Do đó, những năm qua, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Lộc Bình vẫn đang ở mức cao: năm 2022 là 125 bé trai/100 bé gái; năm 2023 giảm còn 124,2 bé trai/100 bé gái nhưng vẫn cao hơn so với bình quân toàn tỉnh (113,4 bé trai/100 bé gái).

Để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, những năm qua, TTYT huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 - 2025 ở 21/21 xã, thị trấn; đánh giá thực trạng, tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh, các biện pháp ngăn chặn lựa chọn giới tính…

Từ năm 2023 đến nay, 21 CLB giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở các xã, thị trấn đã duy trì sinh hoạt được 126 buổi với hơn 63.000 lượt thành viên tham gia; toàn huyện đã tổ chức hơn 1.200 buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp tại trạm y tế cho hơn 12.500 lượt người; lồng ghép tuyên truyền theo tổ nhóm được 1.100 cuộc cho 20.000 lượt người; thăm hộ gia đình gần 600 buổi với hơn 800 hộ, 1.700 lượt người…

Ông Hoàng Văn Tuyến, Trưởng Phòng Dân số, TTYT Lộc Bình thông tin: Từ năm 2023 đến nay, công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện ở các địa bàn có tỷ lệ sinh con thứ ba, có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Đối với những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thông qua cán bộ dân số, cộng tác viên dân số thôn bản, chúng tôi nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với UBND xã, các tổ chức đoàn thể có biện pháp tuyên truyền, vận động thường xuyên, phù hợp.

“Đến hết tháng 7/2024, toàn huyện có 552 trẻ được sinh ra, trong đó có 301 bé trai, 251 bé gái, tỷ lệ bé trai/bé gái là 119,9/100. Con số này tuy có giảm so với năm 2023 nhưng vẫn ở mức cao so với mức cân bằng tự nhiên (109/100) và cao hơn tỷ lệ bình quân chung của tỉnh (113,1/100). Điều này yêu cầu chúng tôi phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hiệu quả hơn nữa để cải thiện tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” - Ông Hoàng Văn Tuyến cho biết.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/giam-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-kho-khan-o-loc-binh-5018212.html
Zalo