Giảm lãi suất tín dụng ngắn hạn không giúp tăng cung bất động sản

GS, TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc giảm lãi suất tín dụng ngắn hạn sẽ không giúp tăng cung bất động sản. Thay vào đó, gói lãi suất tín dụng dài hạn cho vay bất động sản mới tạo ra cầu mới và sự cân bằng trên thị trường.

Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia "Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh BĐS" ngày 10/10, GS, TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng giai đoạn 2022 - 2023, thị trường BĐS Việt Nam gặp nhiều khó khăn tuy nhiên từ năm 2024 được kỳ vọng thay đổi tích cực.

Tháng 11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) năm 2023; Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 và đầu năm 2024, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được thông qua. Ba luật này có hiệu lực từ 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội trước đó đã góp phần hoàn thiện những mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh pháp lý cho thị trường BĐS.

“Thị trường BĐS có cơ sở để kỳ vọng vào một viễn cảnh phục hồi theo hướng bền vững hơn, khi khung pháp lý quan trọng được mở ra với nhiều quy định và cơ chế chính sách tác động đến thị trường”, ông Chương nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng thị trường BĐS hiện nay đang mất cân đối cung cầu ở một số phân khúc.

Theo GS, TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, số lượng dự án chung cư, nhà ở xã hội, số sản phẩm mới được triển khai vừa qua rất khiêm tốn. Điều này có thể kéo theo tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở thời gian tới. Thị trường BĐS hiện nay đang mất cân đối cung cầu ở một số phân khúc.

Trong bối cảnh nguồn cung sản phẩm trên thị trường yếu, cầu lớn, giá Hà Nội có xu hướng tăng nhanh. Trong khi đó, tại các tỉnh khu vực phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2023-3024 gần như cầu không tăng, giá các phân khúc không tăng. Riêng nhà chung cư tại TP Hồ Chí Minh chỉ duy trì mức tăng khoảng 6%.

Dự báo kịch bản tăng trưởng thị trường BĐS thời gian tới, ông Cường nêu bật nhiều yếu tố, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh khiến cầu BĐS dự báo tiếp tục tăng. Bởi BĐS tập trung tại nhiều đô thị lớn, với nhu cầu sôi động. Dự báo tiến trình đô thị hóa tăng nhanh đương nhiên cầu tăng.

Về môi trường tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường BĐS, ông Cường đặt kỳ vọng vào nhiều đạo luật mới được ban hành, khung pháp lý mới sẽ khơi thông tình trạng ách tắc thủ tục thời gian qua. Hơn nữa, các tỉnh, thành phố những năm qua tập trung cao độ xây dựng quy hoạch địa phương và đô thị, từ đó, tạo không gian phát triển mới.

Đối với vấn đề vốn tín dụng hỗ trợ thị trường BĐS, ông Cường nhấn mạnh việc giảm lãi suất tín dụng ngắn hạn sẽ không giúp tăng cung BĐS. Thay vào đó, gói lãi suất tín dụng dài hạn cho vay BĐS mới tạo ra cầu mới và sự cân bằng trên thị trường.

“Ngân hàng thương mại gặp khó khăn khi tài trợ dự án BĐS thường kéo dài 5-10 năm. Để khơi thông huy động vốn cho thị trường BĐS, có thể trông chờ ngân hàng chính sách xã hội; trái phiếu BĐS; người mua trả trước. Cùng với đó, quỹ tín thác mở ra thị trường gọi vốn linh hoạt hơn, khi có thể đầu tư dự án BĐS mới trên ý tưởng, với số tiền nhỏ chỉ vài triệu đồng”, ông Cường khuyến nghị.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/bat-dong-san/giam-lai-suat-tin-dung-ngan-han-khong-giup-tang-cung-bat-dong-san/20241010044107970
Zalo