Giảm gánh nặng cho ngân sách

Dù lập kỷ lục về số thu ngân sách, song điều hành ngân sách vẫn đứng trước nhiều khó khăn khi tỷ lệ chi thường xuyên vẫn cao, thu từ các hoạt động kinh tế số… vẫn gặp nhiều thách thức.

Năm 2024, thu ngân sách Nhà nước lần đầu vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng, đạt 2.037.500 tỷ đồng, tăng khoảng 336,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tăng 16,2% so với năm 2023.

Nhiều địa phương “đầu não” như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… cũng đạt những số thu kỷ lục trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Kết quả thu ngân sách Nhà nước tăng cao góp phần tăng nguồn lực để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách đột xuất phát sinh, tăng chi đầu tư phát triển và bảo đảm an sinh xã hội. Thành công này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh ngành tài chính kiên trì thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và DN.

Số thu ngân sách kỷ lục là tín hiệu mừng với nền kinh tế. Tuy nhiên, “gánh” ngân sách vẫn đầy thách thức trước bài toán thu đúng, thu đủ các hoạt động sản xuất, kinh doanh mới thời kinh tế số, chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi nhu cầu chi đầu tư vẫn rất lớn...

Theo các chuyên gia, đất nước muốn phát triển, chi đầu tư phát triển phải lớn, nhiều và cao hơn chi thường xuyên. Tuy nhiên, tỷ lệ chi thường xuyên của Việt Nam đang chiếm 70% chi ngân sách, chỉ còn 30% cho đầu tư phát triển, an ninh - quốc phòng. “Vậy làm gì còn tiền chi cho đầu tư phát triển?" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đặt câu hỏi.

Theo tính toán, các nước phát triển có tỷ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm 48 - 50% chi ngân sách. Vì thế, câu chuyện tinh giản bộ máy mà Việt Nam đang triển khai quyết liệt hiện nay là cần thiết. “Tinh giản bộ máy để đạt được mục tiêu: Một việc chỉ một cơ quan làm, một cơ quan làm nhiều việc. Không phải một việc cắt khúc ra giao cho nhiều cơ quan, giẫm chân nhau, gây khó dễ và làm chậm tiến độ" - Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng từng nói.

Năm 2025, dự toán thu ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt là 1,97 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa chiếm 84,8%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 11,9%. Để đạt được mục tiêu này, công tác thu ngân sách đứng trước rất nhiều thách thức. Đáng chú ý là bài toán tiếp tục thu đúng, thu đủ các khoản thu mới như thu thương mại điện tử.

Vì vậy, cần thiết phải tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý thu, mở rộng cơ sở thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh. Ngoài ra, cần đẩy mạnh chống thất thu, quản lý hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế. Đồng thời, triển khai có hiệu quả, thực chất các chính sách thu đã ban hành như: giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu... để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một giải pháp quan trọng để giảm gánh nặng ngân sách là tổ chức điều hành chi chặt chẽ, hiệu quả, trong phạm vi dự toán, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết; tăng chi đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác. Chủ động triển khai quyết liệt, thực chất, hiệu quả công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư và Chính phủ, sớm đưa tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giam-ganh-nang-cho-ngan-sach.html
Zalo