Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Học tập suốt đời giúp mỗi người trở thành phiên bản tốt hơn

Sáng 26/4, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức diễn đàn học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập với chủ đề 'Học tập suốt đời để trở thành những người hữu dụng'.

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay đã đặt ra yêu cầu đối với mỗi người dân không chỉ là có kiến thức chuyên môn, mà còn phải có khả năng học tập không ngừng, thích ứng linh hoạt, sáng tạo đổi mới và đóng góp tích cực cho cộng đồng, cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Học tập suốt đời không phải là khẩu hiệu mà phải là phương châm sống, là nét văn hóa trong mỗi người dân Hà Nội. Học để biết, học để làm, học để khẳng định giá trị bản thân. Trong hành trình này, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng, mỗi người dân đều có vai trò và trách nhiệm.

“Học tập suốt đời là con đường giúp mỗi người trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, phát huy tối đa năng lực, từ đó có đóng góp tích cực cho gia đình, xã hội”, ông Cương nói.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa cho các đại biểu tham gia giao lưu trong chương trình.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương tặng hoa cho các đại biểu tham gia giao lưu trong chương trình.

Cũng theo ông Cương, Sở GD&ĐT Hà Nội cam kết tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, điều phối và tổ chức triển khai các hoạt động; chủ động phối hợp các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hoàn thành mục tiêu đưa Hà Nội trở thành thành viên mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của Unesco vào năm 2025.

Trong đó, trường học các cấp tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng sống và học tập suốt đời cho học sinh. Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục sẽ giữ vai trò "người truyền cảm hứng" cho hành trình học tập không ngừng nghỉ của thế hệ trẻ.

Trong phần giao lưu, cô Phạm Thị Huyền (quận Thanh Xuân, Hà Nội), người mở lớp học xóa mù chữ cho học sinh cơ nhỡ, thiệt thòi trong suốt gần 30 năm qua chia sẻ, xuất phát từ tình thương yêu những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mù chữ, cô đã mở lớp, sáng đèn dạy miễn phí.

“Chỉ có tình yêu thương với trẻ, lòng yêu nghề, nhiệt huyết mới giúp mình có thể đứng lớp dạy trẻ khó khăn, cơ nhỡ một cách vui vẻ”, cô Huyền nói.

Còn anh Phạm Quang Giang, 40 tuổi, học viên khiếm thị, đang học lớp 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm) lại khiến nhiều người xúc động khi vượt lên nghịch cảnh để tìm kiếm con chữ. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, bản thân lại không được khỏe mạnh nhưng anh vẫn nỗ lực từng ngày để được đến trường.

Câu chuyện của cô Huyền, anh Giang đã khiến nhiều học sinh dự chương trình xúc động đồng thời lan tỏa động lực cần biết rèn luyện, phấn đấu học tập mỗi ngày.

Hà Nội hiện có 579 trung tâm học tập cộng đồng được đặt ở 579 xã, phường, thị trấn. Nhiều mô hình học tập khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập quan tâm, phát triển và đã có những hoạt động sáng tạo, mang ý nghĩa tích cực trong việc thay đổi nhận thức của người dân về việc học tập suốt đời.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/giam-doc-so-gddt-ha-noi-hoc-tap-suot-doi-giup-moi-nguoi-tro-thanh-phien-ban-tot-hon-post1737320.tpo
Zalo